Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em
Dương Ngân - 01/11/2021 09:14
 
Theo Bộ Y tế, từ tháng 11/2021, Việt Nam tiến hành tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em. Khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi công tác chuẩn bị phải cẩn trọng.
Cơ sở y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho các em 16-17 tuổi trước, sau đó sẽ triển khai với độ tuổi nhỏ hơn
Cơ sở y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho các em 16-17 tuổi trước, sau đó sẽ triển khai với độ tuổi nhỏ hơn

Không chủ quan

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên toàn quốc với loại vắc-xin Pfizer và Moderna. Theo người đứng đầu ngành y tế, đây là các loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng.

Việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được thực hiện trước với các em từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ.

Với Covid-19, muốn cộng đồng an toàn, đẩy lùi và khống chế được dịch bệnh thì không thể thiếu vắc-xin. Do vậy, cần đưa vắc-xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng bắt buộc cho trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang kêu gọi các nhà sản xuất gửi dữ liệu hoàn chỉnh về vắc-xin phòng Covid-19 để đánh giá nhằm tăng cường nguồn cung vắc-xin cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. “Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em được triển khai tương tự chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).

Về trình tự tiêm chủng, theo Bộ trưởng Y tế, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Để thực hiện việc tiêm vắc-xin an toàn cho trẻ, bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Viện đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả các tỉnh, thành phố về tiêm chủng cho trẻ em, đồng thời giao các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.

Dù đồng tình việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, song theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em còn để ngỏ nhiều câu hỏi như vấn đề độc tố dài hạn, sinh kháng thể tồn tại được bao lâu và khi tiêm phải tiến hành thận trọng, khoa học và có tổ chức.

Tiêm an toàn

Sau 2 lần có văn bản hướng dẫn, các địa phương cũng chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng, ngày 26/10, Bộ Y tế mới quyết định loại vắc-xin để tiêm cho trẻ là khá chậm. Vậy nên, chỉ với vài ngày tăng tốc để đầu tháng 11 triển khai tiêm trên quy mô lớn, công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, tránh những sai sót đáng tiếc.

PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tiêm vắc-xin cho trẻ em cần lưu tâm vấn đề sàng lọc, xem xét chỉ định hay chống chỉ định tiêm. Trường hợp chống chỉ định duy nhất là từng có phản ứng phản vệ độ 2, còn các tình trạng khác có thể chỉ định tiêm. Với trẻ có bệnh nền, mãn tính, cần phải tiêm ở bệnh viện giống như chỉ định cho người lớn.

Còn theo TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng giống như triển khai tiêm cho người lớn, giai đoạn đầu cần thực hiện một cách cẩn trọng, tiêm ở điểm tiêm có sự giám sát tốt, tiêm giảm dần độ tuổi. Sau khi triển khai quy mô nhỏ, việc tiêm cho trẻ em sẽ triển khai ở quy mô lớn. Khi đã hoàn chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến hướng dẫn chuẩn bị tổ chức và các tuyến thí điểm ban đầu làm trơn tru, chúng ta sẽ triển khai ở tất cả các điểm tiêm: trạm y tế, trường học, thậm chí tiêm ngoài trạm.

Khi tiêm vắc-xin cho trẻ, TS.Thái đặc biệt lưu ý việc theo dõi sau tiêm, phát hiện các bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm. Phát hiện sớm phản ứng có hại sẽ được cơ sở y tế xử lý tốt. Nếu chủ quan, khi có tai biến phát sinh, hậu quả không thể lường trước.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, ngoài chuẩn bị tiêm vắc-xin an toàn cho trẻ, tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, Bộ Y tế cần chủ động kế hoạch phân bổ vắc-xin cho các địa phương trên cơ sở phân tích nhu cầu, điều kiện. Cụ thể, thay vì chờ đợi vắc-xin hay việc quy trách nhiệm các bên, để tránh rơi vào bị động, bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, chia sẻ để Trung ương và địa phương cùng phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, có phương án kỹ lưỡng nhất, sẵn sàng cho việc tiêm khi vắc-xin về nhiều.

Đặc biệt, cần lưu ý vấn đề tuyên truyền để có được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh đối với việc tiêm vắc-xin cho trẻ. Tức là, cần tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn, khuyến cáo cha mẹ về vấn đề tiêm vắc-xin cho trẻ em để họ yên tâm quyết định việc tiêm vắc-xin cho con. Đây là trách nhiệm chung của cơ quan chuyên môn, các địa phương, nhà trường, nhằm góp phần thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ em trong thời gian tới.

Bộ Y tế quyết định hai loại vắc-xin tiêm cho trẻ em
Pfizer và Moderna là hai loại vắc-xin được Bộ Y tế quyết định tiêm cho trẻ em.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư