Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đạm Phú Mỹ tạm đóng cửa nhà máy để bảo dưỡng trong 80 ngày
Hồng Phúc - 29/03/2019 14:10
 
Doanh nghiệp sản xuất ure lớn nhất tại Việt Nam với 40% thị phần là Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (mã: DPM) dự kiến tạm đóng cửa nhà máy đạm Phú Mỹ khoảng 80 ngày để bảo dưỡng theo kế hoạch.

Theo kế hoạch năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí sẽ tiến hành đợt bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ kết hợp với nhà thầu xử lý các vấn đề tại cụm thiết bị HTER thuộc dự án nâng công suất phân xưởng NH3 theo hợp đồng EPC.

Nhà máy và nhà thầu EPC đưa ra thời gian kế hoạch để khắc phục sửa chữa khoảng 80 ngày.

Việc dừng hoạt động nhà máy đưa kế hoạch sản lượng sản xuất sản phẩm chính (phân đạm) của nhà máy năm 2019 dự kiến đạt 671.000 tấn, so với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm. 

 Với kế hoạch vốn đầu tư 2019, Đạm Phú Mỹ dành 772 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản cũng như mua sắm trang thiết bị. 

Theo phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC), dự kiến doanh thu thuần sản phẩm NPK sản xuất của DPM sẽ tăng trưởng 51,4% trong năm 2019, với doanh thu thuần đạt khoảng 1.908 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp sản phẩm này được dự báo đạt 231 tỷ đồng.

HSC cũng dự báo chi phí tài chính DPM sẽ tăng lên 115,8 tỷ đồng (tăng 416%) cùng chi phí lãi vay trong năm 2019 sẽ tăng đáng kể do lãi vay phải trả cho các khoản vay xây dựng nhà máy NPK sẽ được hạch toán nguyên năm vào chi phí tài chính.

DPM cũng đang mở rộng sang lĩnh vực NPK với nhà máy NPK mới (công suất 250.000 tấn) đã đi vào hoạt động vào tháng 8/ 2018. Tuy nhiên chiến lược dài hạn của DPM là mở rộng sang lĩnh vực hóa chất với mục tiêu đóng góp chính vào doanh thu.

DPM kỳ vọng đến năm 2035 ngành hóa chất sẽ đóng góp 70% doanh thu. Chiến lược của DPM cho lĩnh vực hóa chất gồm: Dự án polystyrene công suất 400.000 tấn/ năm (170 triệu USD), Dự án polypropylene công suất 300.000 tấn/ năm (717 triệu USD), và Dự án NH3 công suất 450.000 tấn/ năm (600 triệu USD, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng.

Nghĩa là DPM cần có vốn góp mới cũng như cần nhà đầu tư chiến lược có thể hỗ trợ về mặt công nghệ và/ hoặc bán hàng và marketing.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến 2020, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại DPM xuống còn 36%.

“Tuy nhiên, khả năng sáp nhập giữa DPM và đạm Cà Mau trước khi PVN bán cổ phần cũng đã được PVN nêu ra. Và điều này có thể khiến cho quá trình giảm tỷ lệ sở hữu của PVN diễn ra muộn hơn. Lý do chính là đến năm 2020 PVN cũng muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại DCM về 36% trong khi lợi nhuận của đạm Cà Mau sẽ giảm mạnh từ năm 2019 trở đi. Chúng tôi ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp của đạm Cà Mau sẽ giảm từ 22% trong năm 2018 xuống còn khoảng 8% trong năm 2019”, theo phân tích của HSC.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư