Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Đặt hàng thúc đẩy liên kết doanh nghiệp nội - ngoại
Nguyên Đức - 07/07/2018 08:41
 
Nhiều giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đã được đề xuất tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018.
TIN LIÊN QUAN

“Đặt hàng” của Bộ trưởng

VBF giữa kỳ năm 2018 sôi nổi ngay đầu, khi trong bài phát biểu đầu tiên tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã “đặt hàng” các chuyên gia, các doanh nghiệp và nhà đầu tư “hiến kế” làm sao để khu vực FDI và khu vực trong nước có thể liên kết chặt chẽ hơn.

Theo Bộ trưởng, điều mà Chính phủ Việt Nam cần không chỉ là đề cập những vấn đề đang được quan tâm, mà còn tập trung đi sâu phân tích, đánh giá những khó khăn, nguyên nhân, bài học và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2018 tập trung bàn thảo vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Đ.T
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2018 tập trung bàn thảo vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Đ.T

“Khu vực FDI đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế… Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp”, Bộ trưởng thừa nhận. 

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, chỉ khi khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước liên kết chặt chẽ, cùng hướng tới lợi ích chung, thì Việt Nam mới tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn FDI.

Chia sẻ nỗi niềm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông Kofi Ito, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam là yêu cầu hết sức quan trọng để Việt Nam vươn lên nắm giữ những vai trò hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

“Chúng tôi cho rằng, một trong những trách nhiệm của Chính phủ là đề ra những quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa, trong khi vẫn bảo đảm kỷ cương chặt chẽ. Cụ thể là phải làm thế nào để hai phía, gồm doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, và doanh nghiệp FDI với nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn, tăng cường tiếp cận được các nguồn lực mà doanh nghiệp cần như con người, sản phẩm, vốn”, ông Kofi Ito nói.

Trong khi đó, theo ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF, liên kết nội - ngoại còn chưa được như kỳ vọng phần nhiều do cơ cấu doanh nghiệp trong nước thường là quá nhỏ và quá thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu.

“Đó là lý do vì sao doanh nghiệp FDI vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào, thay vì đưa các công ty Việt Nam vào chuỗi cung ứng của mình”, ông Tomaso nói, đồng thời đề cập câu chuyện thị trường Việt Nam còn nhỏ, nhất là với những sản phẩm công nghệ cao, lại thêm thủ tục hải quan và thuế gây nhiều khó khăn, tốn kém. 

“Bởi thế, nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam đã phải tái xuất 100% hàng hóa và như vậy, một lần nữa cô lập các doanh nghiệp trong nước ra khỏi các doanh nghiệp FDI”, ông Tomaso nhấn mạnh.

Mấu chốt là tạo thuận lợi

Nguyên nhân của liên kết nội - ngoại kém đã phần nào được chỉ ra, đó là có những yếu tố liên quan đến sự yếu kém của các doanh nghiệp nội địa. Vậy đâu là phương thuốc tốt cho mối liên kết này?

Một đề xuất rất đáng chú ý của ông Tomaso là, cần hướng dẫn các công ty lớn trong nước từ bỏ bất động sản, cần quản lý chuyên dụng mới và đặt nền tảng cho các công ty thuộc các ngành công nghiệp và công nghệ hiện đại. Đồng thời, cần tập trung các công ty hiện nay thành các công ty lớn có đủ khả năng tham gia vào những hoạt động kinh doanh phức tạp hơn và có thể thu hút được những tài năng và kỹ năng cần thiết.

“Giảm gánh nặng thuế và hải quan sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho các công ty trong nước để đầu tư vào kiến thức, công nghệ và thu hút các công ty nước ngoài sản xuất cho thị trường nội địa. Như vậy sẽ mở cánh cửa hợp tác giữa hai bên”, ông Tomaso nói thêm.

Để mở cánh cửa này, theo ông Koji Ito, vấn đề còn nằm ở chính những cải cách kinh tế vĩ mô của Việt Nam, như vấn đề nợ công. “Chúng tôi đã từng nêu quan ngại rằng, nếu Chính phủ quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP, thì sẽ cản trở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong khi Việt Nam đang rất cần những khoản đầu tư này để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Kết cấu hạ tầng lạc hậu sẽ làm giảm sức hút đầu tư của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài và cũng làm mất đi cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Koji nói.

Hẳn nhiên, ông Koji thừa nhận rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản không hề phản đối việc Việt Nam duy trì kỷ cương về chính sách tài khóa. Nhưng cần có những giải pháp căn bản, như tăng cường cải cách cơ cấu ở cả hai chiều thu và chi ngân sách, cũng như rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay. 

“Chúng tôi thực sự mong muốn Việt Nam khai thác được những nguồn vốn cần thiết để xây dựng kết cấu hạ tầng, từ đó góp phần thắt chặt mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài”, ông Koji đề xuất.

Trong khi đó, góc nhìn của bà Orsolya Grove (Nhóm công tác đầu tư và thương mại của VBF) lại liên quan đến việc chuẩn bị cho các công ty của Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới. Theo bà Orsolya, các thị trường trên thế giới thường đặt ra các luật lệ và tiêu chuẩn, như áp dụng các yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện lao động trong nhà máy, tác động của việc sản xuất lên môi trường và thậm chí tuân thủ luật chống tham nhũng và điều này có thể gây trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nhiều công ty nước ngoài sẽ không mua hàng của các nhà cung cấp trong nước nếu họ không đạt được các tiêu chuẩn này. “Để Việt Nam tiếp tục tăng cường vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ quan phải giảm nhẹ gánh nặng đối với việc tuân thủ, nhưng không phải bằng cách hạ các tiêu chuẩn, mà bằng cách cung cấp các quy định rõ ràng, hướng dẫn đơn giản và thực thi thống nhất”, bà Orsolya nói.

Điều quan trọng nhất, nhận được sự đồng thuận không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà cả doanh nghiệp nội địa, đó là phải làm sao tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho khu vực FDI phát triển, cho khu vực trong nước lớn mạnh, đủ tiềm lực “chơi” với doanh nghiệp ngoại.

“Để tăng cường liên kết, các doanh nghiệp FDI cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia chuỗi giá trị. Doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý.

Xây dựng mô hình chuẩn và nhân rộng

Dẫn câu chuyện của Samsung - đang rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam năng cao năng lực để có thể trở thành nhà cung cấp cho mình, do “đại đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI”, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, sẽ khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam để “hai bên cùng phát triển”.

Thông tin từ ông Kim Heung Soo, Samsung đã hỗ trợ 26 doanh nghiệp Việt Nam, giúp cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỷ lệ lỗi hơn 20% và hiện tại, Samsung đang tiếp tục tiến hành tư vấn cho các doanh nghiệp hợp tác, đồng thời có kế hoạch tăng số lượng doanh nghiệp được tư vấn hàng năm.

Thực tế, Samsung là một trong những doanh nghiệp FDI rất tích cực trong hỗ trợ doanh nghiệp Việt và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Tính đến nay, tổng số nhà cung ứng của Samsung đã lên tới 308 doanh nghiệp, trong đó, con số doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cứng cấp 1 đã tăng lên mạnh mẽ: từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên tới 29 doanh nghiệp vào năm 2017 và tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Samsung cũng đã được coi là một hình mẫu trong tổ chức kết nối doanh nghiệp FDI và nội địa.

“Chúng ta cần xây dựng các chuỗi hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và nội địa như vậy, từ đó nhân rộng, để tạo sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa hai khu vực”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất.

Đây cũng là điều được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới khi tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên mới đây. Theo Thủ tướng, Thái Nguyên nên phân tích những ảnh hưởng của Samsung đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tìm biện pháp phát triển doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn, kết nối các doanh nghiệp này vào mạng lưới sản xuất của Samsung. 

Chung quan điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần có chính sách phát triển những mô hình mẫu như vậy, từ đó nhân rộng cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết doanh nghiệp FDI và trong nước, hướng tới lợi ích chung.

“Nhưng điều quan trọng là, muốn tham gia được vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội phải tự nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh. Sẽ không dễ dàng để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn toàn cầu, nhưng phải nỗ lực để từng bước, từng bước thâm nhập vào chuỗi giá trị của họ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư