Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh
D.Ngân - 20/01/2025 17:03
 
Trước tình trạng gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe toàn dân.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm (NCDs) chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch, và tiểu đường đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm dân số trẻ tuổi.

Ảnh minh họa

Một trong những vấn đề đáng lo ngại là chỉ có một phần nhỏ trong số những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các chuyên gia y tế lý giải rằng, các yếu tố nguy cơ bao gồm môi trường sống kém, áp lực công việc, và thói quen lười vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các bệnh này.

Tình trạng gia tăng bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ, đã trở thành một thách thức lớn đối với hệ thống y tế và nền kinh tế xã hội. Các bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường đang ngày càng trẻ hóa.

Thực tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì và các vấn đề về cholesterol trong máu cũng đang có xu hướng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Y tế, gần 1/5 dân số Việt Nam bị thừa cân, trong đó có 2,1% là béo phì.

Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và năng suất lao động của người dân.

Bên cạnh đó, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam, vượt qua cả ung thư, với 25% người trưởng thành mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Hơn nữa, những ca nhồi máu cơ tim hay đột quỵ đang có xu hướng xảy ra ở những người dưới 40 tuổi.

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca bệnh tim mạch gia tăng 10-20% mỗi năm, trong khi số ca tử vong vì bệnh tim mạch lên tới 200.000 người mỗi năm. Ngoài tim mạch, tiểu đường cũng được ví như "đại dịch", với khoảng 500.000 người mắc bệnh tiểu đường tại Hà Nội và 1,5 triệu người bị tiền tiểu đường.

Đáng báo động là chỉ có 50% bệnh nhân tiểu đường được chẩn đoán và điều trị đúng cách, và một nửa trong số đó đã có biến chứng tim mạch khi được phát hiện. Nếu không có một chiến lược quốc gia để phòng ngừa các bệnh này, không chỉ chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng mà còn gây gánh nặng lớn lên hệ thống y tế.

Hiện nay, Việt Nam chỉ có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhưng chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ khác như dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, môi trường sống. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh, để giải quyết những thiếu sót trong việc dự phòng bệnh tật.

Luật này sẽ không chỉ tập trung vào phòng, chống bệnh truyền nhiễm, mà còn mở rộng ra các bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng và các yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế đã khẩn trương đề xuất dự án Luật Phòng bệnh, đặt mục tiêu quản lý toàn diện các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Bộ Y tế kỳ vọng Luật Phòng bệnh sẽ được xem xét và ban hành trong năm 2025, giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh hơn cho người dân, nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ trung bình của người Việt, đồng thời giảm thiểu các áp lực đối với hệ thống y tế và nền kinh tế.

Chính phủ cũng đã thông qua Nghị Quyết số 97/NQ-CP, đưa dự án này vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2025. Đây là bước đi quan trọng trong việc hình thành một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Một số chuyên gia khi được hỏi cho biết, việc xây dựng một luật mới là hết sức cần thiết để bao phủ tất cả các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, từ bệnh truyền nhiễm đến bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng, và các yếu tố nguy cơ khác như ô nhiễm môi trường. Việc này sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống y tế, đồng thời nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ của người dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư