Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Đèo Cả, Cienco 4, Tasco, Phương Thành "nô nức" liên danh dự thầu cao tốc Bắc - Nam
Đoàn Loan (VnExpress) - 12/07/2019 09:45
 
Các doanh nghiệp giao thông lớn trong nước như Đèo Cả, Cienco 4, Tasco, Phương Thành đều nộp hồ sơ thầu cao tốc Bắc Nam.
 Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Minh Cương
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Minh Cương

Trong vòng sơ tuyển nhà đầu tư của 7 dự án cao tốc Bắc - Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nộp 51 hồ sơ để tham gia, trong đó có 17 hồ sơ của các doanh nghiệp, liên danh nhà đầu tư trong nước. 

Trong 17 hồ sơ này có Liên danh Công ty CP tập đoàn Đèo Cả - Tổng công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long - Công ty CP đầu tư xây dựng Hải Thạch - Công ty CP bê tông Hà Thanh đã nộp hồ sơ tại ba dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị trên từng thi công nhiều nhiều dự án hạ tầng lớn như hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và đang triển khai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Công ty CP Tasco liên danh với hai nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tham gia vào 3 dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt. Nhà đầu tư Tasco là đơn vị đã triển khai nhiều dự án BOT tại các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Quảng Bình. 

Tập đoàn Cienco 4 cũng liên danh với một số doanh nghiệp khác đầu tư cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm. Cienco 4 từng đầu tư một số dự án BOT như cầu Bến Thủy, tuyến tránh Vinh, tuyến tránh Hà Tĩnh. 

Công ty xây dựng và đầu tư Phương Thành (đơn vị quản lý BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ) liên danh với hai doanh nghiệp nước ngoài dự thầu cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. 

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cũng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Trung Nam - từng thi công cầu Bạch Đằng; Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Vinaconex - thi công đại lộ Thăng Long.

Ông Trần Văn Thế - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nói, "chúng tôi lựa chọn các dự án có thi công hầm dựa trên thế mạnh của doanh nghiệp". Các đơn vị cùng liên danh đều đã từng hợp tác với nhau trong những dự án giao thông trước đó.  

"Chúng tôi đặt niềm tin vào hồ sơ của mình. Song nhiều doanh nghiệp khác, nhất là nhà đầu tư nước ngoài cũng có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm và vốn nên cạnh tranh sẽ rất khốc liệt", ông Thế nói.

Đại diện Công ty CP xây dựng và đầu tư Phương Thành cho hay, năng lực vốn của các doanh nghiệp thường hạn chế, trong khi tiêu chí vốn chủ sở hữu để tham gia cao tốc Bắc - Nam yêu cầu cao (chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án), để đáp ứng được thì hầu hết các đơn vị trong nước phải liên danh với nhau hoặc với nước ngoài. Công ty Phương Thành cũng phải liên danh với hai doanh nghiệp nước ngoài mới có đủ năng lực tham gia sơ tuyển cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

"Nếu trúng thầu, chúng tôi sẽ là nhà thầu xây dựng, lợi nhuận có thể ít theo tỷ lệ góp vốn của liên danh song quan trọng là người lao động có việc làm", đại diện công ty Phương Thành chia sẻ. 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi có kết quả sơ tuyển, quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ bắt đầu từ tháng 10, sau đó là công tác chấm thầu, phê duyệt kết quả trong tháng 3/2020; đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.

Bộ Giao thông Vận tải đã công bố đầu tư 11 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành, gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT. 8 dự án BOT sẽ được đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, gồm các dự án: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam “đo nhiệt” nhà đầu tư
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền với 8 dự án thành phần xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có thể tạm yên tâm trước sự quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư