Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Dịch Covid-19: Bắc Giang, Bắc Ninh tạm yên, TP.HCM, Bình Dương "nóng" trở lại
D.Ngân - 15/06/2021 08:16
 
Trong khi dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh dần được kiểm soát, thì phía Nam, dịch tại TP.HCM, Bình Dương trở nên căng thẳng.

Bản tin sáng 15/6, Bộ Y tế công bố 70 bệnh nhân Covid-19 trong nước. Trong đó, 69 ca trong khu cách ly hoặc địa điểm đã được phong tỏa.

TP.HCM hiện vẫn còn rất nhiều điều đáng lo, đáng ngại trong công tác phòng chống dịch.

19 bệnh nhân tại Bắc Ninh được ghi nhận trong khu công nghiệp Quế Võ (10), Khắc Niệm (4), Đại Phúc (3). Một trường hợp là F1, ca còn lại đang được điều tra dịch tễ. Bắc Giang có 28 ca mắc liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp. 23 trường hợp nhiễm Covid-19 tại TP.HCM đều là F1, đã được cách ly.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 9.238 ca ghi nhận trong nước và 1.643 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ 27/4 đến nay là 7.668 người.

Hiện tại, hai ổ dịch từng là điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh, về cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình tại TP.HCM, Bình Dương có nhiều chuyển biến căng thẳng.

Đêm 14/6, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp khẩn với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thị xã Tân Uyên để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Cuộc họp khẩn được tiến hành sau khi tỉnh này phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là số lượng người dương tính nhiều nhất từ trước tới nay tại Bình Dương.

Cả 11 người này đều là F1 của hai vợ chồng nữ điều dưỡng phòng khám và bán trà sữa ngụ ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, ngành y tế đã phong tỏa, cách ly tế các khu vực liên quan đến những người này. Đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ để truy vết các trường hợp F1, F2. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu gộp hàng trăm trường hợp để xét nghiệm.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi đã ký quyết định thực hiện biện pháp cách ly xã hội hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng từ 0h sáng 15/6.

Còn tại TP.HCM, sau khi chuỗi lây nhiễm điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng với 470 ca bệnh đã được chặt đứt. Từ ngày 2/6, TP ghi nhận 6 chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, chưa được kiểm soát, tất cả đều phát hiện trong cộng đồng. Đáng lo ngại hơn cả, một trong những cơ sở y tế quan trọng của thành phố là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã ghi nhận tới 55 ca nhiễm

Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM, hiện vẫn còn rất nhiều điều đáng lo, đáng ngại trong công tác phòng chống dịch tại TP.

Mối lo đầu tiên của ông là số người cách ly ngày càng lớn, trong khi, ngoài xã hội vẫn còn chưa biết còn rất nhiều người mang bệnh. Số F0 tăng nhanh kéo theo hàng loạt mối lo ngại khác. 20 ngày kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, ngành Y tế ghi nhận gần 10.000 F1, tương đương gần 10.000 người phải cách ly tập trung.

Số bệnh nhân nặng tăng dần, trong khi năng lực cấp cứu có hạn. Ngày 12/6, TP.HCM ghi nhận số người nhập viện điều trị cao kỷ lục với 117 bệnh nhân, nâng tổng số người điều trị Covid-19 tại thành phố lên 736 ca. Covid-19 xuất hiện ở toàn bộ 22 quận, huyện, TP.

Còn theo ý kiến của lãnh đạo HCDC TP.HCM, việc giãn cách thêm 2 tuần là rất cần thiết bởi nếu không, những trường hợp lây lan âm thầm sẽ có điều kiện tiếp xúc trong xã hội. 

Người đứng đầu HCDC khẳng định dù vắc-xin không đảm bảo miễn dịch 100% và vẫn tồn tại tỷ lệ lây nhiễm. Thế nhưng, vắc-xin là yếu tố gây bất lợi cho sự phát triển của virus. Vắc-xin giúp người được tiêm không có diễn biến nặng, tỷ lệ nhiễm trùng giảm còn khoảng 50-60%. Quan trọng hơn, tỷ lệ tử vong với nhóm này được giảm xuống tối đa.

Để kiểm soát dịch tại TP.HCM, ngày 13/6, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch tại TP.HCM. Đoàn công tác của Bộ sẽ phối hợp với các chuyên gia của thành phố để đánh giá toàn diện, tìm ra câu trả lời xác đáng cho người dân yên tâm.

Tính đến 6h ngày 15/6, TP Bắc Ninh ghi nhận 585 ca nhiễm Covid-19 ở 44 khu phố thuộc 16/19 phường, trong đó có phần lớn ca mắc là công nhân trong các nhà máy. 

Tính đến 6h ngày 15/6, TP Bắc Ninh ghi nhận 585 ca nhiễm Covid-19 ở 44 khu phố thuộc 16/19 phường, trong đó có phần lớn ca mắc là công nhân trong các nhà máy. 

Đến nay, các phường của TP Bắc Ninh đã cơ bản khống chế và kiểm soát được dịch bệnh; các ổ dịch còn lại tại 4 phường Nam Sơn, Khắc Niệm, Đại Phúc, Vân Dương tuy có nhiều ca F0, nhưng đều xảy ra trong vùng đã được phong tỏa.

TP Bắc Ninh đề nghị cho phép thực hiện dỡ bỏ phong toả, cách ly y tế, chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, 19 đối với từng phường, khu phố theo lộ trình.

Để sớm khống chế được dịch trên địa bàn, lãnh đạo TP Bắc Ninh cần tập trung cao cho công tác truy vết, cách ly và xét nghiệm diện rộng, đảm bảo khoa học, chính xác và có kết quả nhanh nhất, trong đó, cần đặc biệt tập trung cho các phường Đại Phúc, Vân Dương, Nam Sơn, Khắc Niệm.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tăng cường kiểm tra trong khu cách ly, vùng phong toả, không để "ngoài chặt, trong lỏng"; phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng, nâng cao năng lực quản lý ở cơ sở; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. 

Việc điều chỉnh biện pháp giãn cách xã hội sang Chỉ thị 15,19 của Thủ tướng Chính phủ cần phải tính toán thận trọng, các tiêu chuẩn áp dụng nới lỏng giãn cách phải đặt ở mức cao hơn so với các huyện/thị khác, nhất là cần quản lý chặt các khu có ca mắc và tuyên truyền người dân vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tránh tâm lý chủ quan, lơ là…

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh tập trung cao nhất các nguồn lực giúp TP Bắc Ninh dập dịch thành công, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và doanh nghiệp sớm trở lại cuộc sống bình thường. 

Đồng thời, phân công các ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, quan tâm hỗ trợ đời sống công nhân lao động. 

Đối với TP Bắc Ninh, bà Đào Hồng Lan yêu cầu nghiêm túc triển khai các đề nghị của Bộ phận thường trực Bộ Y tế; tăng cường giao ban, trao đổi, hội ý, thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế để kịp thời rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp đối với từng ổ dịch. 

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý kiểm soát các khu cách ly tập trung, rà soát kéo giãn mật độ cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Quản lý chặt các khu phong toả, tuyên truyền người dân trong khu phong tỏa, cách ly thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. 

Cử cán bộ về hỗ trợ cơ sở phòng, chống dịch, nhất là đối với các địa bàn diễn biến dịch bệnh phức tạp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhất là việc tụ tập xem bóng đá. 

Tại Bắc Giang, theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, tỉnh đang tập trung triển khai kế hoạch cao điểm dập dịch xong trước ngày 21/6. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh và đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên cơ sở khoa học và phân tích thực tiễn.

Theo ông Thái, sau hơn một tháng tập trung toàn lực chống dịch Covid-19, đến nay các nguồn lây đã được khoanh vùng, thu hẹp. 

Hai nguồn lây chính hiện nay là tại một số nhà trọ đông công nhân trong khu vực phong tỏa thuộc địa bàn huyện Việt Yên và tại một số điểm cách li tập trung ở các huyện (nơi tiếp nhận số công nhân ở huyện Việt Yên về).

Số ca F0 tuy còn cao, song đều trong các khu vực phong tỏa và điểm cách ly tập trung. Bài toán đặt ra là làm sao ngăn chặn không để lây nhiễm chéo ở các khu vực này thì sẽ dập được dịch. Giải pháp là phải giãn mật độ, số người ở từng phòng, từng nhà, giảm tối đa mọi sự tiếp xúc trong các khu cách ly, phong tỏa để ngăn chặn lây nhiễm chéo.

Với điểm nóng của dịch là khu vực thôn Núi Hiểu, huyện Việt Yên theo ông Thái, số lượng công nhân ở đây rất lớn với khoảng 8.000 người, cùng với gần 1.000 công dân địa phương, nguy cơ lây nhiễm cao, nên ngay từ đầu tỉnh đã phong tỏa từ sớm để khóa chặt các nguồn lây.

Tại điểm nóng này, tỉnh đã áp dụng mô hình phong tỏa chặt công nhân ngay tại nhà trọ, coi như là khu vực cách ly. Đồng thời, đã triển khai xét nghiệm sàng lọc nhiều lần để kịp thời phát hiện các F0, đồng thời có kế hoạch di chuyển số công nhân ra khỏi Núi Hiểu.

Cụ thể, ngày 11/6 vừa qua đã tổ chức di chuyển hết toàn bộ số công nhân ra khỏi khu vực và tiến hành làm sạch ổ dịch. Hiện nay, lực lượng chức năng đã khử khuẩn, làm sạch môi trường để đón công nhân trở lại sinh sống trong môi trường an toàn trong những ngày tới (từ sau ngày 15/6).

Ngày 14/6, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết cả nước hiện có gần 6.000 bệnh nhân. Trong đó có 107 ca tiên lượng nặng, 138 ca nặng phải thở oxy, 39 ca nặng phải thở máy không xâm nhập, 26 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập và 12 ca nguy kịch phải đặt ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).
12 ca đặt ECMO đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (1), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (1), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM (3), Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang (1), Bệnh viện Phổi Bắc Giang (1), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh (1), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (4). Hiện có 5 bệnh nhân tiên lượng tử vong cao, trong đó 3 bệnh nhân không có bệnh lý nền, tiên lượng tử vong được hội chẩn quốc gia.

Covid-19 lại tấn công vào thành trì hệ thống y tế
Ngày 13/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành xét nghiệm RT-PCR cho 887 nhân viên, phát hiện 53 ca dương tính, chủ yếu tại khối hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư