Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Điện ảnh Việt Nam doanh thu ngàn tỷ, doanh nghiệp Hàn lấn lướt
Nguyễn Lê - 02/08/2021 09:30
 
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ rạp chiếu phim do doanh nghiệp trong nước nắm giữ thấp nhất. Hai doanh nghiệp Hàn Quốc nắm hơn 60% thị phần.
.
Tính theo doanh thu phòng vé, CGV là doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với 45%.

So với mục tiêu của Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam thì số phòng chiếu phim và doanh thu đều đã vượt. Song so với các nước trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ rạp chiếu phim do doanh nghiệp trong nước nắm giữ thấp nhất. 

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hóa, giáo dục) trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV vừa qua đã phát hành báo cáo khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện ảnh.

Đây là một bước chuẩn bị thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 năm nay.

Doanh thu đã vượt 4.000 tỷ

Kết quả khảo sát cho thấy, một số mục tiêu trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt và vượt.

Như số phòng chiếu phim, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là 550 phòng chiếu phim, đến năm 2030 là 1.050 phòng chiếu phim. Theo số liệu của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch,(VHTTDL), đến năm 2019 đã đạt 1.050 phòng chiếu. Trong đó, số phòng chiếu thuộc khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 80%, vượt mục tiêu đề ra.

Về doanh thu thì mục tiêu đến năm 2020, doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD). Theo thống kê của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, năm 2019, doanh thu điện ảnh tại Việt Nam đạt 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD), vượt 20% so mục tiêu trong chiến lược.

Tuy nhiên, cơ quan tiến hành khảo sát cho biết, nhiều mục tiêu của Chiến lược chưa đạt, thậm chí có mục tiêu chưa được thực hiện.

Đơn cử, về sản xuất, phát hành phim: 5 năm gần đây (2015-2019), trung bình mỗi năm sản xuất 39,8 phim, gần đạt chỉ tiêu đề ra (đến năm 2020 sản xuất 40-45 phim truyện/năm).

Song, tỷ lệ phim truyện do Nhà nước đặt hàng sản xuất đạt rất thấp (so với chỉ tiêu 25% tổng số phim truyện một năm), trong cả giai đoạn 2015-2019, chỉ có 7 phim truyện do nhà nước đặt hàng (đạt 3,5%). Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do nhà nước đặt hàng sản xuất chưa đạt chỉ tiêu 36 - 48 phim/năm cho mỗi thể loại. Tỷ lệ phim Việt Nam phát hành tại rạp chưa đạt chỉ tiêu từ 30% đến 35% tổng số phim phát hành trên hệ thống rạp.

Thiếu cơ sở để khẳng định CGV vi phạm pháp luật về cạnh tranh

Thị phần phổ biến phim chiếu rạp chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ, doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh là thực tế đáng chú ý qua khảo sát.

Cơ quan khảo sát cho biết, thị phần rạp chiếu phim ở Việt Nam hiện do hai doanh nghiệp Hàn Quốc nắm giữ chủ yếu với hơn 60%, trong đó CGV với 43%, đứng thứ hai là Lotte với 20%. Các doanh nghiệp Galaxy, BHD và Platinum lần lượt là 9%, 6%, 1% , còn lại là các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác .

So với các nước trong khu vực , Việt Nam có tỷ lệ rạp chiếu phim do doanh nghiệp trong nước nắm giữ thấp nhất. Tính theo doanh thu phòng vé, CGV là doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với 45%, thứ hai là Lotte với 19%.

Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát, thời gian gần đây, các doanh nghiệp phát hành phim trong nước phản ánh về việc CGV chèn ép, không công bằng trong bố trí thời gian thực hiện suất chiếu và phân chia doanh thu chiếu phim, giá quảng cáo phim Việt Nam tại hệ thống rạp CGV; loại bỏ phim của cơ sở sản xuất Việt Nam ra khỏi hệ thống rạp chiếu của CGV.

Bộ Công thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) đã xác minh và nhận định: thiếu cơ sở pháp lý để khẳng định CGV vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Ngoài ra, Ủy ban của Quốc hội nhận định, vi phạm trong hoạt động điện ảnh xảy ra khá nhiều, nhất là vi phạm về bản quyền tác giả đối với cả phim chiếu rạp  và phim truyền hình, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và bức xúc cho các nhà sản xuất, phát hành phim.

Tuy nhiên trên thực tế, xử phạt vi phạm chủ yếu chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt thấp . Mặc dù Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm quyền tác giả có khung hình phạt cao nhất là 1 tỷ đồng và 3 năm tù giam, mức phạt thấp nhất cũng khoảng 50 triệu đồng; Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có mức phạt tối đa với cá nhân là 250 triệu đồng, tổ chức là 500 triệu đồng, nhưng do thiếu quy định cụ thể về hành vi phân phối, phát tán trái phép bằng công cụ “livestream” trên mạng xã hội và biện pháp đánh giá chính xác mức độ thiệt hại, nên chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm đến cùng trước pháp luật.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xâm phạm quyền tác giả vẫn có dấu hiệu gia tăng, cơ quan khảo sát nhấn mạnh.

Tổng giám đốc CGV: Chất lượng phim là yếu tố quyết định sự phát triển của điện ảnh
Điện ảnh Việt đã có màn chào sân rực rỡ trong năm 2019 với nhiều kỷ lục liên tiếp bị xô đổ. Để duy trì được thành công trong thời gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư