Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điện gió ngoài khơi - cơ hội mới cho doanh nghiệp dầu khí
Hoàng Minh - 23/07/2020 20:49
 
Việc nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới các trang trại gió ngoài khơi đang mở ra cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp dầu khí có năng lực hoạt động ngoài khơi.
Trang trại gió ngoài khơi đang được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.
Trang trại gió ngoài khơi đang được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.

Tiềm năng lớn

Theo báo cáo Wind Outlook 2019 của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), tài nguyên điện gió ngoài khơi toàn cầu có tiềm năng đạt 420.000 TWh (1 TWh = 1 tỷ kWh) hằng năm, nhiều gấp 18 lần nhu cầu hiện tại của toàn thế giới.

Thị trường điện gió ngoài khơi đã chứng kiến sự gia tăng liên tục hàng năm 30% từ năm 2010 đến năm 2018. Đã có khoảng 150 trang trại gió biển lớn đã hoạt động, đặc biệt tăng mạnh năm 2018 tại Anh, Đức, Đan Mạch, Mỹ, Trung Quốc.

Hiện nay châu Âu đã lắp đặt được 20 GW (1 GW=1.000 MW) điện gió ngoài khơi và đã có chính sách hỗ trợ gia tăng gấp 4 lần đến năm 2030 lên 80 GW.

IEA dự báo đến năm 2040, điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ có số vốn đầu tư phát triển khoảng 1.000 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt hàng năm là 13%.

Tại Việt Nam, việc Tập đoàn Enterprize Energy đề xuất Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wild tại Bình Thuận có quy mô lên tới 3.400 MW từ cách đây 2 năm, cũng được xem là động thái tốt, mở ra những triển vọng mới cho việc phát triển nguồn năng lượng này.

Khác với các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới các dự án điện gió gần bờ, Dự án điện gió Thanglong Wild đặt cách bờ khoảng 20 - 50 km, nên đòi hỏi các đối tác có kinh nghiệm và tiềm lực trong quá trình thi công.

Với thực tế này, Tập đoàn Enterprize Energy đã mời hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Công ty Liên doanh Vietsovpetro (Vietsovpetro) và Công ty cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS) - đơn vị trực thuộc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam tham gia dự án với tư cách là nhà thầu chịu trách nhiệm chính về xây lắp cho toàn bộ dự án cả trên bờ và dưới biển.

Bí dầu, nhìn gió

Được biết, phạm vi công việc do Vietsovpetro và PVC- MS đảm nhiệm dự kiến gồm toàn bộ phần việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các kết cấu thép và các trạm biến áp ngoài khơi, thi công và kết nối cáp ngầm dưới biển và kết nối lưới truyền tải.

Một số khảo sát quan trọng khác như địa vật lý, công trình đang được khẩn trương tiến hành để thực hiện các công việc quan trong như xây lắp tuyến cáp điện truyền tải và khu vực phát triển điện gió ngoài khơi, khoan lấy mẫu thí nghiệm hiện trường. Các khảo sát này sẽ tiến hành đo độ sâu đáy biển, khảo sát địa hình đáy biển, đo địa chấn nông và khảo sát từ tính. Các lỗ khoan lấy mẫu sẽ thực hiện dưới độ sâu khoảng 80m dưới đáy biển để đánh giá điều kiện địa chất đáy biển.

Ở các phần việc này, năng lực và kinh nghiệm của Vietsovpetro là nổi trội với tư cách anh cả trong ngành.

Có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động, Vietsovpetro là đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, từ khâu khảo sát địa chấn, tìm kiếm thăm dò, khai thác, thu gom, xử lý, vận chuyển, tàng trữ và bán các sản phẩm dầu, khí và condensate, nghiên cứu khoa học, khảo sát thiết kế, xây dựng và phát triển các mỏ dầu khí, thiết kế và xây dựng các công trình dầu khí.

Trong những năm qua, Vietsovpetro cung ứng các sản phẩm dịch vụ từ thiết kế công trình dầu khí biển, nghiên cứu thăm dò khai thác mỏ, điều hành khai thác mỏ, đóng mới, chế tạo và lắp đặt giàn khoan đến phát triển mỏ, khai thác dầu khí và xuất khẩu dầu thô.

Thời gian gần đây, tận dụng năng lực sẵn có của thiết bị, nhân lực, Vietsovpetro từng bước vươn ra cung cấp dịch vụ cho bên ngoài, coi đây là một trong những chiến lược phát triển của liên doanh và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Với mục tiêu góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững cùng với thế mạnh trong việc thực hiện các công trình ngoài khơi, Vietsovpetro đã liên danh cùng PVC- MS hướng đến việc cung cấp các dịch vụ EPCI và dịch vụ O&M cho các dự án điện gió tiềm năng.

Thời gian qua, Vietsovpetro đã tổ chức nhiều buổi làm việc với đối tác, chủ đầu tư, lập hồ sơ năng lực về khả năng cung cấp dịch vụ của Vietsovpetro cho dự án điện gió ngoài khơi Sóc Trăng, các dự án điện gió: Lagan, Thăng Long ở Bình Thuận; Hai Long ở Đài Loan.

Bên cạnh đó, từ năm 2019, với chiến lược “Mở rộng công tác dịch vụ ra bên ngoài”, coi việc cung cấp dịch vụ cho bên ngoài là một trong năm nhiệm vụ chiến lược phát triển, doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ ngoài của Vietsovpetro đạt hơn 193,7 triệu USD. Chỉ tiêu lợi nhuận về công tác dịch vụ ngoài trong năm 2019 vượt mức kế hoạch 128%.

Vietsovpetro chủ động tìm kiếm, xây dựng mối quan hệ với các đối tác và nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như: Mainstream, Asia Petroleum Energy Corporation, Novasia Energy, Macquarie, Innogy, Boskalis, Jan De Nul, Java Offshore, REE… nhằm tìm kiếm một hướng đi mới trong bối cảnh sản lượng khai thác đang trên đà suy giảm, áp lực chi phí nhân công tăng cao.

Còn PVC- MS được thành lập năm 1983 với chức năng cung cấp các dịch vụ xây lắp chuyên ngành công nghiệp dầu khí cho các dự án khai thác, vận chuyển, tàng trữ và chế biến dầu khí. Sản phẩm truyền thống của PVC- MS là thi công các kết cấu giàn khoan, bồn bể, đường ống công nghệ, các tuyến ống dẫn, chế tạo thiết bị cơ khí dầu khí, lắp đặt thiết bị siêu trường siêu trọng.

Như vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp dầu khí trong những dự án điện gió ngoài khơi không chỉ giúp tận dụng được năng lực của Việt Nam trong thi công các kết cấu thông qua Vietsovpetro và PVC- MS, mà còn mang tới cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu ở Đông Nam Á về phát triển điện gió ngoài khơi khi có lợi thế biển.

HBRE nhập du thuyền hạng sang phục vụ dự án điện gió ngoài khơi
Du thuyền hạng sang đời mới nhất năm 2020 vừa được Tập đoàn HBRE (TPHCM) nhập trực tiếp từ nhà sản xuất tại Pháp về Việt Nam. Theo lý giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư