Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp dệt may loay hoay tìm lối
 
Mức tăng trưởng chung toàn ngành dệt may dự báo đạt 5% trong năm nay, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng tăng, các doanh nghiệp dệt may sẽ còn gặp khó khăn thời gian tới nếu không tìm được hướng đi mới.

Nhiều yếu tố bất lợi

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, số lượng đơn hàng trong năm 2016 thiếu hụt nghiêm trọng so với năm 2015 là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh kém tích cực của các doanh nghiệp dệt may và tạo nên sự phân hóa mạnh đối với chính các doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn đối mặt với sự cạnh tranh lớn đến từ các cường quốc về dệt may như Trung Quốc, Ấn độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan… trong khi các chính sách ưu đãi về thuế quan cũng thấp hơn so với các nước này. Chưa kể, một số thị trường mới nổi như Lào, Campuchia đang nhận được một số yếu tố thuận lợi về dòng vốn đầu, kỹ năng quản lý từ các doanh nghiệp nước ngoài… và họ đã nâng cao tỷ lệ xuất khẩu tại các thị trường truyền thống của Việt Nam.

Chia sẻ về sự khó khăn, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho hay, việc hạn chế đầu ra đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, một phần do thị trường chưa ổn định, phần khác là vì chưa chủ động phát triển khách hàng, trong khi nguồn cung lại gia tăng từ các nước trong khu vực (giá thấp hơn, chính sách ưu đãi của thị trường nhập khẩu…), cùng với đó là sự mất cân đối nguồn cung trong nước, giữa các doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) cho rằng, diễn biến cung cầu trên thị trường dệt may khá phức tạp và bất cân đối, khi nguồn cung tăng, còn cầu giảm. Thậm chí, theo ông Hùng, con số tăng trưởng 5% toàn ngành dệt may trong năm 2016 cũng cần phải xem lại, bởi cơ cấu xuất khẩu ngành dệt may hiện tại đang nghiêng hẳn về phía các doanh nghiệp FDI (tỷ lệ 70/30).

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp FDI dự kiến mức tăng trưởng trong năm 2016 là 10%, thì mức tính chung toàn thị trường là 5% cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước tăng trưởng thấp hơn 5%, thậm chí là không tăng trưởng.

Hướng đi nào trong 2017?

Câu hỏi đặt ra là với thực trạng hiện tại, đâu là trở ngại lớn nhất trong năm 2017, cũng như các năm tới, mà các doanh nghiệp ngành dệt phải đối mặt?

Theo các chuyên gia trong ngành, đó vẫn là sự cạnh tranh đầu ra từ những quốc gia có nền xuất khẩu dệt may mạnh trên thế giới như đã nêu trên. Bởi để duy trì thị trường hiện tại, các quốc gia này sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may của họ như đã làm trong năm 2016, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 của ngành cũng được dự báo chỉ tăng khoảng 5-7% so với năm 2016.

Trong nỗ lực giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sớm khắc phục và vượt qua khó khăn này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Công thương sớm có phản hồi, cũng như nhanh chóng đưa ra giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành dệt may mà Bộ Công Thương đang nghiên cứu và đã báo cáo Chính phủ.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT CTCP Dệt may Thành Công (TCM) cho rằng, bức tranh chung của ngành dệt may là khó khăn, nhưng không phải là không có hướng đi.

Lấy ví dụ cụ thể từ doanh nghiệp mình, ông Tùng cho biết, trong năm 2016, TCM ước đạt 140 tỷ đồng lợi nhuận, không hoàn thành kế hoạch 160 tỷ đồng lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông giao phó, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng lỗ cho Nhà máy Vĩnh Long (lỗ 40 tỷ đồng).

Trong năm 2017, TCM lên kế hoạch mức tăng trưởng lợi nhuận tối thiểu là 10% so với thực hiện năm 2016 và để đạt được con số này, bên cạnh việc gia tăng số lượng đơn hàng của các khách hàng truyền thống, TCM sẽ tập trung phát triển khách hàng mới.

Trong khi đó, đối với GMC, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, Công ty đang tập trung chuyển đổi chiến lược sản phẩm nhằm khai thác ưu thế kỹ năng lao động trong nước, phát triển và sản xuất sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật phức tạp, tính cạnh tranh cao hơn... GMC đặt mục tiêu trong năm 2017 sẽ đạt lợi nhuận từ 80-85 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với mức lợi nhuận ước tính trong năm 2016 là 70 tỷ đồng. 

Thực tế cho thấy, trong cuộc chơi về công nghiệp dệt may thời gian tới, dường như lợi thế sẽ vẫn thuộc về các doanh nghiệp FDI, hoặc những doanh nghiệp Việt có tiềm lực về tài chính, xúc tiến xuất khẩu tốt, khép kín chuỗi sản xuất từ khâu thiết kế, sản xuất đến khâu tiêu thụ, phân phối, trong khi những doanh nghiệp dệt may gia công vừa và nhỏ còn gặp nhiều bất lợi.

[Infographic] Năm 2016, xuất khẩu dệt may ước đạt 28,5 tỷ USD
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 2 tháng cuối năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 5,1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư