Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp, doanh nhân ấp ủ kế hoạch gì trong năm 2022
PV - 07/01/2022 09:19
 
Đơn hàng năm 2022 đang đầy lên, cùng với kế hoạch phục hồi và cơ cấu lại hoạt động đang là mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Những trải nghiệm đầy khó khăn chưa từng có, khó có thể quên của năm 2021 sẽ là bài học kinh nghiệm cho chặng đường phía trước.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I Group

Học nhiều hơn, chuẩn bị tốt hơn

Năm 2022 sẽ vẫn là một năm thận trọng.

Thế giới cũng chưa có gì rõ ràng về khả năng khống chế được dịch bệnh hoàn toàn. Những vấn đề lớn như vậy của nhân loại chỉ có thể nhờ cậy vào những bộ óc tốt nhất, nắm trong tay công nghệ tốt nhất, và hoạt động trong môi trường tốt nhất. 

Năm 2021 đã cho chúng ta nhiều bài học, những gì đã xảy ra, như dịch bệnh, đỗ vỡ chuỗi cung ứng… đều đã được dự đoán trước. Năm 2020 cũng đã cho chúng ta những sự chuẩn bị nhất định. Song những gì đã xảy ra trong năm vừa qua, nhất là những khiếm khuyết trong  ứng phó với Covid-19 khiến chúng ta suy tư. Thực tế cho thấy, chấp nhận thay đổi và sẵn sàng thay đổi là những yêu cầu của xu thế và các yếu tố này luôn nằm trong văn hóa kinh doanh của chúng tôi từ đầu. Chúng tôi sẽ cố gắng đi nhanh hơn nữa vì hiểu thêm rằng, rủi ro thật sự sẽ lớn hơn điều mình nghĩ. Càng nhanh thì cơ hội tồn tại càng cao. 

Với cá nhân, việc tôi sẽ ưu tiên trong năm 2022 là học nhiều và chuẩn bị tốt hơn. Tháng 1/2022, tôi ở Harvard và tháng 6 sẽ ở Stanford…

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA HCM)

Các doanh nghiệp đang trong giai đoạn hào hứng chuẩn bị cho phục hồi.     

Các doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị cho phục hồi hào hứng nhất sau thời gian bị nén như lò xo. 

Sự hào hứng trở lại kinh doanh hoặc có thể tạm gọi là “lấy lại những gì đã mất” đang lên cao, đặc biệt các doanh nghiệp tại khu vực kinh tế trọng điểm như TP.HCM.

Mọi người không còn lo lắng thái quá với dịch bệnh, thậm chí lạc quan hơn bởi tỷ lệ phủ vắc-xin ở TP.HCM cùng các tỉnh lân cận đã rất cao. Chính tâm trạng này tạo nên sự sôi động trong nền kinh tế cũng như các hoạt động xã hội trong vài tháng gần đây.

Đau thương, mất mát vì đại dịch không thể đong đếm, nhưng cuộc sống phải hướng về tương lai. Và qua con mắt của những doanh nhân Việt Nam giỏi xoay xở, tiềm năng phát triển của thị trường còn rất rộng mở, đặc biệt khi môi trường kinh doanh ở TP.HCM được cải thiện mạnh mẽ. Điều này được thể hiện qua cách ứng phó với dịch bệnh, thực sự không chạy theo “Zero-Covid”.

Nhu cầu thị trường đã giảm, nhưng tôi tin, yếu tố này sẽ tăng lên khi nền kinh tế được phục hồi.

Tinh thần vượt khó của doanh nhân luôn tồn tại, nhưng để kích thích cho tinh thần ấy mạnh mẽ hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ cụ thể từ các chính sách. Khi có thêm nguồn lực, sức bền bỉ của mỗi doanh nghiệp sẽ được tăng thêm. 

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong dẫn dắt kinh tế tuần hoàn.  

Năm 2022 sẽ bắt đầu một thay đổi lớn của cá nhân tôi. Tôi sẽ chuyển giao quyền điều hành Công ty cho đội ngũ nhân sự trẻ, để dành thời gian cho Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

6 năm qua, Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình và các doanh nghiệp thành viên đã nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động, tạo nên những dấu ấn nhất định. Chúng tôi đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ, người lao động có trình độ, ý thức và được thấm nhuần về kinh tế tuần hoàn một cách rất tự nhiên.

Hai năm dịch bệnh cho tôi thấy việc tích hợp được đa giá trị cho một sản phẩm nông nghiệp đã giải quyết tốt bài toán khó khăn tức thì, có ngắn để nuôi dài trong thời gian phải thực hiện giãn cách. Đây là thời điểm tôi sẽ dành toàn thời gian để phát triển một nền kinh tế nông nghiệp bền vững trên nền tảng của kinh tế tuần hoàn, phát triển mô hình tích hợp được đa giá trị cho 1 sản phẩm, bao gồm cả giá trị văn hóa, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Với những gì tôi chứng kiến, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam không hoàn toàn như các nước phát triển, vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do đó là tư duy tuyến tính đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người, cách làm tùy tiện, trình độ và nhận thức của người lao động còn thấp đã trở thành rào cản cho việc tiếp cận mô hình kinh tế mới này.

Rất mừng là năm 2020, lần đầu tiên thuật ngữ kinh tế tuần hoàn được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng XIII, rồi được đưa vào nghị quyết để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cũng cam kết tại các buổi làm việc với đối tác nước ngoài là Việt Nam sẽ đưa kinh tế tuần hoàn vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam mong muốn thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt kinh tế tuần hoàn. 

Doanh nhân Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel

Mong du khách đến hoặc trở về Việt Nam không phải cách ly.

Năm 2022, tôi kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ phục hồi bằng 50% so với năm 2019. Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay, có lẽ ngành kinh tế xanh chỉ có thể phục hồi ở mức từ 20% đến 30% so với năm 2019.

Tôi mong Chính phủ điều hành các bộ, ban, ngành làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là đồng nhất quy định du khách nước ngoài đến Việt Nam và du khách Việt Nam đi nước ngoài trở về đều không cần cách ly.  Cùng với đó, tôi mong Chính phủ triển khai nhanh việc tiêm mũi 3 cho người dân để giảm tối đa tỷ lệ tử vong do Covid-19, tránh gây tâm lý hoang mang trong người dân và sự kỳ thị đối với người mắc Covid-19. Đồng thời, ngành y tế nghiên cứu sản xuất được vắc-xin và các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, từ đó đưa Covid-19 trở thành một loại cúm thông thường.

Du lịch hoàn toàn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, nếu kinh tế không phát triển thì không thể mong cầu du lịch phục hồi trở lại. Điều đó đòi hỏi quản lý vĩ mô phải đồng nhất, hiệu quả.

Là doanh nghiệp kinh doanh cả 3 mảng nội địa, inbound, outbound, Vietfoot Travel đã xây dựng kế hoạch phục hồi và bứt phá cho năm 2022.

Với mảng nội địa, dịch vụ bán phòng khách sạn khu vực ven đô và các điểm đến gần Hà Nội, di chuyển bằng đường bộ cũng được Vietfoot Travel chú trọng trong năm 2022.

Với mảng outbound, chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng hàng loạt sản phẩm mới để đón đầu làn sóng du khách quốc tế vào Việt Nam với các chương trình từ 4 đến 5 ngày và từ 7 đến 8 ngày. Với thị trường outbound, mảng thế mạnh của Vietfoot, chúng tôi đã làm việc với các hãng hàng không nhằm phát triển thị trường châu Âu trở lại.

Dự kiến, trong tháng 3/2022, chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn du lịch, đoàn Famtrip đi châu Âu và Canada với giá tốt, hành trình độc lạ để những khách đã từng tới đây vẫn muốn quay trở lại. Chúng tôi cũng đã và đang lên kế hoạch đặt series vé máy bay đưa du khách Việt Nam ngắm hoa anh đào Nhật Bản nếu như tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát và Chính phủ đồng ý cho du khách không phải cách ly khi quay về.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Năm 2022 được nhận định nhu cầu thị trường dệt may tiếp tục hồi phục, nhưng yếu tố rủi ro còn nhiều, dịch chưa chấm dứt, nhiều biến chủng mới có thể xuất hiện, giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục xu thế tăng. Bên cạnh đó, chi phí logistics vẫn cao sẽ là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, các đơn hàng hiện nay đa phần là hàng dệt kim và người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm tiện lợi, giá thành rẻ. Thay vì những bộ vest và áo sơmi sang trọng, thì nhu cầu chuyển mạnh sang áo T-shirt đơn giản, tiện dụng, giá hợp lý.

Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã dịch chuyển theo xu hướng này và đáp ứng được lượng đơn hàng lớn.

Dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, nhưng kết thúc năm 2021, Vinatex ghi nhận doanh thu hơn 16.430 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2020 và lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ, hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch với nhiều chỉ tiêu cao hơn.

Năm 2021, mảng kinh doanh sợi khởi sắc, đóng góp trên 50% vào tổng lợi nhuận 1.200 tỷ đồng của Vinatex, cao gấp đôi năm 2020, nhờ đó cứu nguy cho mảng may mặc trong nhiều thời điểm kinh doanh cam go bởi đợt dịch lần thứ tư.

Trước kia, ngành may chiếm khoảng 80% lợi nhuận của Tập đoàn, thì năm 2021, mảng sợi đóng góp trên 50% trong tổng lợi nhuận. Đây chính là “trái ngọt” của Vinatex nhờ thực hiện chiến lược đầu tư lớn vào mảng nguyên liệu từ 5 năm về trước. Trong giai đoạn 2022 - 2025, Vinatex xác định mục tiêu chiến lược là đầu tư mạnh vào mảng sợi, dệt và nhuộm.

Bà Ngô Thị Phương Thủy, Chủ tịch HĐQT Hòa Long Invest (HLI) - thành viên của FGroup Holding

Bước khởi đầu của đường đua “kỳ lân”.  

Cuối năm 2021, HLI đã kêu gọi 4,5 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần để đầu tư vào 2 khu công nghiệp tại huyện Cần Đước và huyện Thủ Thừa (Long An).

Đây là các khu công nghiệp nằm ở phía Tây cửa ngõ TP.HCM. Dự kiến tới tháng 6/2022, chúng tôi tiếp tục gọi 15 triệu USD tại vòng VC, nâng định giá doanh nghiệp lên 2.300 tỷ đồng và đến tháng 6/2023 sẽ chính thức IPO, với kỳ vọng thu hút được 45 triệu USD và định giá doanh nghiệp HLI 7.200 tỷ đồng.

HLI đặt mục tiêu giá trị doanh nghệp đạt ít nhất 10 tỷ USD trong 10 năm tới, trở thành kỳ lân trong lĩnh vực phát triển bất động sản công nghiệp theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao, kết hợp với cam kết bảo vệ môi trường.

HLI đang được định giá 500 tỷ đồng và hoạt động ở 4 mảng chính, gồm đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư nhà xưởng cho thuê, liên kết đầu tư và xây dựng nền tảng quản lý ngành công nghiệp. Đồng thời sở hữu 3 công ty thuộc hệ sinh thái công nghiệp khác.

Đó là lý do để HLI thực hiện khát vọng phát triển platform công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Với lịch sử hoạt động trong ngành, chúng tôi có cơ hội thấu hiểu nhu cầu của những nhà đầu tư đã và đang chọn Việt Nam là điểm đến để phát triển.

Với mục tiêu xóa bỏ khoảng cách về địa lý và gia tăng trải nghiệm thực cho khách hàng, đồng thời cung cấp hệ thống liên kết phong phú và thiết thực từ tài chính, pháp lý, sản phẩm nhà xưởng cho thuê, chuỗi cung ứng cho đến nguồn nhân lực. HLI phải trở thành điểm kết nối gần 400 khu công nghiệp trên cả nước lại với nhau, hình thành nên hệ sinh thái khổng lồ với lợi ích vô tận và các giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ

Cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester tái chế.       

Tôi cho rằng, trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ 4 yếu tố tích cực.

Thứ nhất, nhu cầu tiêu dùng ở thị trường Mỹ vẫn tiếp tục cao, trong khi thị trường EU và Nhật Bản sẽ phục hồi tốt hơn.

Thứ hai, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được phục hồi so với trước khi bùng phát dịch bệnh, vì Việt Nam đã tăng độ phủ vắc-xin rất nhanh và Chính phủ đã áp dụng chiến lược sống chung với Covid-19.

Thứ ba, chuỗi cung ứng đang dần được phục hồi và chi phí logistics sẽ giảm xuống trong tương lai.

Thứ tư, chi phí của đối thủ cạnh tranh (Trung Quốc) đã và tiếp tục tăng lên do nhân công và môi trường.

Khi ngành dệt may phục hồi, thì ngành sợi cũng được hưởng lợi. Mặt khác, một xu hướng nổi bật hiện nay là thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đang đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu giảm 50% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt được zero net carbon vào năm 2050, một trong những biện pháp mà các thương hiệu sẽ tích cực áp dụng là tăng tỷ trọng sợi polyester tái chế trong tổng lượng sợi polyester sử dụng. Vào tháng 4/2021, các thương hiệu thời trang hàng đầu đã cam kết nâng tỷ trọng sợi polyester tái chế từ mức 14% (năm 2020) lên 45% (năm 2025). Như vậy, nếu các thương hiệu đạt được cam kết này thì khối lượng sợi polyester tái chế có thể tăng từ 7,56 triệu tấn (2020) lên 17,1 triệu tấn (2025), tạo ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester tái chế.

Tuy nhiên, rủi ro lớn là khả năng các biến thể mới của Covid-19 có thể “né” được vắc-xin và thuốc điều trị. Như vậy, có thể gây ra bùng phát dịch bệnh ở thị trường tiêu thụ cũng như ở các quốc gia sản xuất và chính phủ các nước lại tái áp dụng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công

Thành Công đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý III/2022.   

Một tin vui là chúng tôi vừa nhận những đơn hàng đầu tiên từ một khách hàng lớn tại Mỹ là Revise sau khi vượt qua kiểm tra và đánh giá (audit) nhà máy Thành Công tại Vĩnh Long.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhận đủ đơn hàng đến giữa năm 2022, Thành Công cũng tương tự và đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý III/2022.

Công ty đã và đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu tháng 3/2022 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022. Các hoạt động này sẽ mang lại doanh thu, lợi nhuận cho Công ty trong thời gian tới.

Về vấn đề vốn, trong tháng 11/2021, Công ty cũng đã nhận khoản vay phục hồi sản xuất từ ngân hàng chính sách xã hội TP.HCM với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động trong 3 tháng, từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022 theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ, giúp cho công ty giảm bớt chi phí tài chính so với vay từ ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo ngại nhất thời điểm này là người lao động, vì ngành dệt may luôn cần lượng lớn nhân công. Nhà máy mới của Thành Công ở miền Tây - khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm. Trong khi đó, các quy định phòng chống dịch ở các địa phương vẫn không thống nhất, không giống TP.HCM. Ví dụ, khi nhiễm Covid-19, F0 phải cách ly tập trung thay vì tự chữa trị tại nhà. Người lao động đi lại giữa các tỉnh cũng không dễ dàng. Tất cả những điều này tạo nên thách thức thiếu hụt lao động để đáp ứng đơn hàng trong năm tới.

Nếu lao động thiếu, khả năng cao là tiến độ sản xuất đơn hàng sẽ bị trễ. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải xử lý bằng cách chọn giao hàng bằng đường hàng không để đáp ứng hợp đồng. Nhưng  việc này sẽ đẩy chi phí gia tăng và bào mòn lợi nhuận đang còn mỏng của các công ty...

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC)

Triển khai các dự án công sẽ mang lại lợi ích cộng hưởng.       

Năm 2021 là một năm khó khăn khi đưa ra quyết định, đặc biệt là các quyết định cần cân nhắc giữa đảm bảo an toàn phòng chống dịch và duy trì sản xuất. Dựa trên các dữ liệu phân tích thị trường, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng đã đẩy mạnh sản xuất, tăng trữ tồn kho, từ đó đón được cơ hội khi thị trường thiếu hụt nguồn cung. Kết quả kinh doanh nhờ vậy giữ được đà tăng trưởng và vượt kế hoạch.

Thách thức trong năm 2022 vẫn lớn, nhưng cũng có nhiều cơ hội. Cao su Đà Nẵng đề ra mục tiêu phát triển, mở rộng và tăng doanh thu. Với sản lượng sản xuất năm trước đã vượt công suất thiết kế, dự án mở rộng công suất Nhà máy lốp radial lên 1 triệu lốp/năm khởi công đầu năm 2022 sẽ là cơ sở để thực hiện kế hoạch trên.

Đối với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, theo tôi việc đẩy nhanh khởi động các dự án công sẽ mang lại tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế và lợi ích cộng hưởng khi tạo đà cho doanh nghiệp ngành vật tư. Sống trên đôi chân của mình, điều cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn. Dự án công sẽ có tác động rất lớn với các doanh nghiệp sản xuất.

 Ông Henry Bott, Trưởng đại diện Tập đoàn Swire

Các nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận được bầu không khí lạc quan và cơ hội tại Việt Nam.         

Tôi cho rằng, tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tích cực về triển vọng thị trường Việt Nam.

Bất chấp những khó khăn, thách thức rất lớn do Covid-19 gây ra, tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam vẫn ổn định, xu hướng phục hồi nhanh. Tôi tin các nhà đầu tư nước ngoài có thể cảm nhận được bầu không khí lạc quan và cơ hội tại đây như tôi đang cảm nhận.

Bắt đầu các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ đầu những năm 1990, Tập đoàn Swire Properties chính thức mở Văn phòng đại diện vào năm 2019 với mục tiêu thiết lập sự hiện diện lâu dài tại Việt Nam. Ngay sau đó, Tập đoàn Swire Properties đã thực hiện hai khoản đầu tư vào các dự án bất động sản hạng sang The River Thủ Thiêm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức (TP.HCM) cùng với Tập đoàn Refico.

Tiếp theo những kết quả kinh doanh ban đầu này, chúng tôi đang xem xét một số dự án phức hợp dân dụng dẫn đầu tiềm năng tại TP.HCM, nơi chúng tôi có các đối tác đáng tin cậy và đóng vai trò tích cực trong việc thiết kế và quản lý dự án.

Chúng tôi luôn tìm kiếm các cơ hội để có thể kết hợp thương hiệu quốc tế và chuyên môn thiết kế với kiến thức và mạng lưới của đối tác tại địa phương để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao cho khách hàng.

Chúng tôi tìm kiếm các đối tác có chung giá trị cốt lõi, cam kết về chất lượng thiết kế và sự đổi mới, nâng cao tiêu chuẩn phát triển khu dân cư và khu phức hợp trên thị trường.

Ngoài bất động sản, chúng tôi cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và tái chế sản phẩm nhựa.

Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam

Nextrans đang có khá nhiều khoản đầu tư tại thị trường Việt Nam, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ giáo dục, y tế và cả thương mại điện tử.

Với số lượng thương vụ và tổng lượng vốn đổ vào start-up đều tăng mạnh trong năm 2021, nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng, năm 2022 sẽ là một năm thị trường start-up Việt Nam có nhiều bứt phá, không chỉ về lượng, mà đã đến lúc chúng ta kỳ vọng vào chất nhiều hơn.

Năm 2022 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các start-up trong mảng công nghệ giáo dục, y tế, phần mềm… Điều này là dễ hiểu, vì đây là những ngành được hưởng lợi từ đại dịch, đồng thời cũng là những ngành còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, nhưng vô hình trung cũng khiến nhiều start-up trở nên tập trung hơn bao giờ hết. Họ không có lựa chọn nào khác - hoặc tập trung vượt qua hoặc phải chấp nhận bị đào thải.

Trước khi dịch bệnh xuất hiện, nhiều doanh nghiệp thích các chỉ số bóng bẩy để tăng trưởng. Họ đốt rất nhiều tiền vào chạy quảng cáo để kích tăng trưởng người dùng. Nhà đầu tư nhìn vào đấy có thể sẵn sàng rót vốn. Nhưng tình hình thay đổi. Trong dịch và sau dịch, start-up không còn tiền nữa, nếu muốn đốt tiền, họ phải tìm cách tự kiếm tiền. Điều đó khiến start-up tập trung hơn, nhanh nhẹn hơn.

Bởi vậy, Covid-19 như một phép thử khiến học sinh giỏi phải lao ra ngoài giải bài toán thật, thay vì giải bài toán trên giấy. Đó dường như là cuộc thanh lọc khiến thị trường mạnh khỏe hơn.

Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Knight Frank (Việt Nam)

Trong năm 2022, chúng tôi xác định tập trung vào 2 mục tiêu chính là củng cố đội ngũ nhân viên và khách hàng.  

Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam đã thu hút Knight Frank đầu tư vào Việt Nam. Nhưng cũng chính sự tăng trưởng đó đồng nghĩa với việc thị trường rất cạnh tranh, buộc chúng tôi phải tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh trong phát triển kinh doanh.

Knight Frank mới thiết lập lại văn phòng tại thị trường Việt Nam sau một số năm vắng bóng.

Trong năm 2022, chúng tôi tập trung vào 2 mục tiêu chính, đó là củng cố đội ngũ nhân viên và khách hàng.

Tập đoàn Knight Frank toàn cầu vừa kỷ niệm tròn 125 năm tuổi vào năm 2021. Với tâm thế này, chúng tôi đang tìm kiếm, thu hút những nhân tài người Việt, những người giỏi nhất cùng chúng tôi xây dựng thành công một Knight Frank sẽ gắn bó với Việt Nam trong 125 năm tới.

Mạng lưới toàn cầu của Knight Frank sẽ thu hút thêm những nhà đầu tư mới cho thị trường Việt Nam.

Đối với các thành viên trong nhóm lãnh đạo Knight Frank tại Việt Nam, chúng tôi có cơ sở khách hàng đa dạng và rộng khắp Việt Nam. Chúng tôi sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn với chất lượng cao nhất cho họ.

Để làm được điều này, chúng tôi đã xây dựng một chiến lược đơn giản, nhưng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của thị trường.

Là một công ty mới, chúng tôi có thể nhanh nhạy trong các phương pháp tiếp cận vấn đề và xây dựng công ty trên nền tảng khách hàng cốt lõi.

Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần MP Logistics

Logistics nên là một trong những nhóm ngành ưu tiên trong gói kích cầu phát triển kinh tế .

Dịch bệnh đang có những dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp do biến chủng mới.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục trong thời gian tới, có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Do vậy, để ngành logistics phát triển, Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM cần xem xét đưa ngành logistics trở thành một trong những nhóm ngành ưu tiên trong gói kích cầu phát triển kinh tế Thành phố.

Nhóm ngành logistics hiện chiếm 8,9% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM và là ngành có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư.

Việc hỗ trợ cho ngành không chỉ có ý nghĩa giúp các doanh nghiệp logistics phát triển, mà còn hỗ trợ các ngành nghề khác giảm chi phí, vượt qua khó khăn do dịch bệnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn vốn FDI và đem lại nguồn thu cho Thành phố.

Ông Đào Nam Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà

Chữ “tốc” sẽ vẽ lên bức tranh hoạt động của Tập đoàn Sơn Hà trong năm nay.

Chiến lược trong năm 2022 của chúng tôi rất ngắn gọn  là bứt tốc, tăng tốc. Hay nói một cách hình ảnh, chữ “tốc” sẽ vẽ lên bức tranh hoạt động của Tập đoàn Sơn Hà trong năm nay.

Chúng ta không thể quên, dịch bệnh đã có tác động rất lớn tới doanh nghiệp, ở tất cả mọi mặt, từ chiến lược, tài chính, con người... Nhưng chính trong lúc khó khăn đủ bề, lại là thời điểm rất tốt để chúng tôi nhìn nhận, đánh giá chính mình. Và chương trình Tôi thay đổi đã được thực hiện trong toàn hệ thống. Con người thay đổi, quy trình thay đổi.

Sau 23 năm, chúng tôi xác định cần phải thay đổi, cả diện mạo, sản phẩm, đào tạo con người, quy trình lại hệ thống. Chúng tôi đi sớm kế hoạch chuyển đổi số hơn dự định tới cả chục năm... Chúng tôi đã hoạch định chiến lược phát triển 5 năm tới, với 5 ngành nghề chính là sản xuất đồ điện gia dụng, sản xuất ống thép công nghiệp, bất động sản công nghiệp; nước sạch, xử lý nước thải và môi trường. Năm 2021 vừa rồi, chúng tôi cũng đưa ra nhiều sản phẩm mới... nên dù có những lúc vô cùng khó khăn, nhưng với sự chủ động thay đổi, chúng tôi vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng dương. Đặc biệt, chúng tôi đã có được kinh nghiệm để vững vàng, tự tin đối mặt, vượt qua những thách thức có thể sẽ xảy ra trong tương lai.

Thu hút vốn FDI sẽ phục hồi trong năm 2022
Các động thái gần đây và nhiều dự báo cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ phục hồi trong năm tới, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư