Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp gia đình trong cơn sóng ngầm
Khánh An - 28/06/2017 10:17
 
Những đợt sóng ngầm đang nổi lên trong nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam khi các cuộc chuyển giao thế hệ bắt đầu mạnh mẽ hơn.

Tâm tư thế hệ

Có vẻ sự có mặt và tham gia ý kiến của những người ở vị trí kế nghiệp đã khiến Tọa đàm chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình (do Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày thành lập – 28/6/2014 - 28/6/2017) xoay chiều.

Trước đó, trong chương trình dự kiến, không thấy có phần nào nhắc tới các ý kiến từ nhóm được gọi là thế hệ thứ hai của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam. Chủ đề thảo luận được định hình quanh cách thách thức chuyển giao mà những người gây dựng sự nghiệp phải cân não.

Các thế hệ gây dựng sự nghiệp buộc phải cẩn trọng với kế hoạch chuyển giao. Trong ảnh: Hội đồng doanh nhân và Gia đình trong ngày thành lập, 28/6/2014.
Các thế hệ gây dựng sự nghiệp buộc phải cẩn trọng với kế hoạch chuyển giao. Trong ảnh: Hội đồng Doanh nhân và Gia đình trong ngày thành lập, 28/6/2014.

Các phát biểu dẫn đề từ những doanh nhân dày dạn kinh nghiệm cũng thiên vào việc họ chuẩn bị những gì, từ việc định hướng nghề nghiệp cho con cái, đến phân chia các mảng hoạt động để tránh va chạm lợi ích giữa những người trong gia đình…

Nhưng, thế hệ kế nghiệp không muốn đứng ngoài những thách thức này. Họ còn khá nôn nóng trong việc tìm kiếm giải pháp cho các khúc mắc hiện hữu giữa những người trong gia đình khi vận hành doanh nghiệp.

“Chúng tôi đến đây, đặt câu hỏi để biết thế hệ cha chú thực sự muốn gì ở thế hệ kế nghiệp. Bởi, bản thân chúng tôi cũng xác định trách nhiệm với sự nghiệp của gia đình, muốn thể hiện mình”, ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Khai thác mật ong Đắk Nguyên Hồng chia sẻ.

Ông Cường là thế hệ thứ ba trong sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Ông bà ngoại của ông đã khởi nghiệp cách đây hơn 40 năm, bằng nghề nuôi và thu mua các sản phẩm từ ong. Người cậu đã tiếp quản hộ kinh doanh sau khi ông bà ngoại nghỉ. Đến năm 2013, sau khi hoàn thành khóa học ở nước ngoài, ông Cường về nước, nhận vai phụ trách kinh doanh, tài chính, marketing… Đề nghị đầu tiên của ông là thành lập Công ty Khai thác mật ong Đắk Nguyên Hồng, thay cho mô hình hộ kinh doanh mà ông bà và các cậu đã theo đuổi. Đến nay, Công ty Khai thác mật ong Đắk Nguyên Hồng là doanh nghiệp cung cấp mật ong và sáp ong hàng đầu Việt Nam, với 95% sản phẩm dành cho xuất khẩu.

“Cậu tôi là người đại diện theo pháp luật của Công ty, nắm toàn bộ phần sản xuất, vì ông rất có kinh nghiệm trong việc này. Tôi và các cháu trong gia đình làm các mảng hoạt động còn lại. Thành tựu của Công ty nhờ nền tảng vững chắc do thế hệ cha ông gây dựng. Nhưng, phải thẳng thắn, để sản phẩm xuất khẩu được, tạo dựng được thương hiệu là phần việc thế hệ con cháu đã làm được”, ông Cường nói.

Song, mọi việc có lẽ không hoàn toàn thuận lợi. Vì khi đặt câu hỏi với những doanh nhân thế hệ gây dựng sự nghiệp rằng, họ sợ gì nhất khi chuyển giao quyền lực cho con cháu, ông Cường hẳn đã đối mặt với nhiều thách thức trong điều hành doanh nghiệp từ chính những người trong gia đình. Ngay cả khi ông và những anh em trong gia đình xác định sẽ ghi điểm ở từng phần công việc, chứ không muốn gánh ngay toàn bộ sản nghiệp của gia đình.

Cuộc đối đầu mang tên “thời cuộc”

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có vẻ như đã “đóng vai ác” khi tham gia tư vấn về quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp gia đình.

“Quản trị doanh nghiệp gia đình không tốt đang hủy hoại cả những doanh nghiệp rất lớn, đã từng rất thành công. Tôi lo lắng về điều này khi quản trị doanh nghiệp Việt Nam đang thua rất xa các doanh nghiệp trong khu vực. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không thể cải thiện nếu không bắt đầu từ chuyên nghiệp hóa quản trị, điều mà nhiều doanh nghiệp gia đình thường khó khăn hơn trong thực hiện”, ông Hiếu thẳng thắn.

Nỗi lo có lý khi những rạn nứt giữa những người thân trong gia đình không chỉ khiến gia đình sứt mẻ mà ảnh hưởng ngay lập tức đến hoạt động của doanh nghiệp. Rất nhiều vụ việc xảy ra thời gian vừa qua đã minh chứng cho lo ngại này.

Bởi vậy, các kế hoạch chuẩn bị cho đội ngũ kế cận một cách chu đáo, thậm chí là kín kẽ đến mức lo cả doanh nghiệp cho con trai, con dâu, con gái, con rể... của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam không khiến các chuyên gia về quản trị an tâm hơn.

“Vấn đề của nhiều doanh nghiệp Việt là không tách bạch được việc gia đình và việc kinh doanh, nên khi gặp khó khăn, rất khó tìm hướng giải quyết”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho biết.

Quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam khiến bà Vân gặp khá nhiều trường hợp khó giải quyết. Thậm chí, những rối rắm còn xuất hiện ngay trong các văn bản pháp lý về quyền sở hữu do nhờ họ hàng đứng tên tài sản…

“Chúng tôi đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam là nên xây dựng nguyên tắc hoạt động của các thành viên trong gia đình, quyền, trách nhiệm liên quan tới doanh nghiệp. Tách bạch các vấn đề của gia đình và doanh nghiệp. Điều này còn đảm bảo khi doanh nghiệp lớn lên, có thêm sự tham gia của các cổ đông bên ngoài, thì các thế hệ con cháu vẫn có được lợi ích từ gia sản ông cha”, bà Vân nói.

Tuy nhiên, lời tư vấn này thực sự không dễ áp dụng. Ngay ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng cho rằng, vướng mắc nhiều khi xuất phát từ trong suy nghĩ, tư duy của các thành viên trong gia đình.

“Khi một bên muốn được nhận nhanh, được thể hiện sớm, một bên vẫn đang ở đỉnh cao, khó buông tay, để có được tiếng nói chung trong quản trị doanh nghiệp là rất khó”, ông Đoàn thừa nhận.

Nhưng, ông Đoàn khẳng định, đây là việc mà các thế hệ gây dựng sự nghiệp buộc phải tính tới khi muốn duy trì và phát triển sản nghiệp.

Còn thế hệ kế nghiệp, theo ông Cường, thì không thể mong muốn một ngày thành danh. “Chúng tôi sẽ phải khẳng định vị trí của mình trong các vai trò của người làm thuê. Đó là bước đi cần thiết, nhưng chúng tôi cần sự chia sẻ, hỗ trợ tối đa của các bậc cha chú”, ông Cường mong muốn.

Doanh nghiệp gia đình có nên phát triển thành tập đoàn?
Toyota, Samsung hay KIDO đều là những tập đoàn đi lên từ mô hình doanh nghiệp gia đình. Nhưng liệu mô hình tập đoàn có phù hợp cho tất cả doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư