Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp không dễ tiếp cận vốn rẻ cuối năm
Vân Linh - 15/11/2015 07:05
 
Đón đầu nhu cầu vốn tăng dịp cuối năm, các ngân hàng đua nhau tung gói tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) không dễ tiếp cận các gói vốn này, do điều kiện cho vay của các ngân hàng rất khắt khe.
.
Tuy mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng áp lực đối với DN có nhu cầu vốn vẫn cao

Đơn cử, DongA Bank quyết định dành 1.700 tỷ đồng cho chương trình bình ổn thị trường Tết Bính Thân 2016 do Sở Công thương TP.HCM tổ chức. Lãi suất vay được DongA Bank ưu đãi chỉ từ 6%/năm. Tuy nhiên, điều kiện đưa ra là DN tham gia phải là các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho các DN tham gia chương trình bình ổn nêu trên. Đồng thời, lãi suất ưu đãi DongA Bank đưa ra là dành cho vốn ngắn hạn. Còn lãi vay trung, dài hạn vẫn được nhà băng này áp dụng đối với DN (9%/năm).

Eximbank cũng ưu đãi lãi suất dành cho DN nhỏ và siêu nhỏ trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay. Theo đó, Eximbank tài trợ vốn với lãi vay chỉ từ 7,5%/năm trong thời hạn không quá 12 tháng. Còn với các DN có quy mô vừa được Eximbank cho vay với lãi suất ngắn hạn từ 7,3%/năm để bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, điều kiện nhà băng này đưa ra là các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ theo xếp hạng tín dụng nội bộ của Eximbank và phương án kinh doanh khả thi.

Ngân hàng OCB cũng cho hay, mục tiêu của nhà băng này là đẩy mạnh vốn cho DN nhỏ và vừa, nên đã có những chính sách ưu đãi riêng cho DN dịp cuối năm. Thế nhưng, để tiếp cận được nguồn vốn này không dễ. Ngân hàng đòi hỏi tài chính, kế toán phải minh bạch, chứng minh được dòng chảy của đồng vốn vay mới hỗ trợ tín dụng.

Chẳng hạn, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mà NHNN trên địa bàn cùng Sở Công thương TP.HCM triển khai hơn 2 năm qua thường đẩy mạnh vốn hỗ trợ cho các DN dịp cuối năm. Các ngân hàng trên địa bàn đã tích cực phối hợp, ký hợp đồng tín dụng với DN, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng dư nợ, cơ cấu nợ…, nhưng vốn cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ đủ dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp phụ trợ).

Chính những điều kiện tín dụng đi kèm không dễ khiến nhiều DN không còn nghĩ đến chuyện sử dụng vốn vay, nên bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày da Liên Anh (Bình Dương) cho hay, Công ty rất ngại tiếp cận vốn ngân hàng, vì mỗi lần tiếp cận, kết quả thường không mấy mong đợi.

Trong khi đó, lãnh đạo các nhà băng liên tục hô hào dành lãi suất ưu đãi cho các DN trong mùa cuối năm, nhất là với các DN quy mô nhỏ. Tại OCB, lãnh đạo nhà băng này cho biết, ngân hàng rất chú trọng DN nhỏ và vừa, vì hiện tại, lực lượng này rất khó khăn về nguồn vốn.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tuy mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng áp lực đối với DN có nhu cầu vốn vẫn cao, nhất là đối với nguồn vốn vay trung, dài hạn, nên cần xem xét điều chỉnh giảm thêm. Bên cạnh đó, theo một chuyên gia kinh tế, cần xem xét nguồn tín dụng vào bất động sản để hạn chế nợ xấu và nắn dòng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp nào được vay vốn rẻ?
Hiện nay, nhiều ngân hàng đang chủ động và nỗ lực tiếp sức cho các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng những gói tín...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư