Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp không sợ thiên tai, chỉ sợ bơ vơ
Khánh An - 19/03/2019 08:14
 
Doanh nghiệp đang chủ động thay đổi để cạnh tranh, phát triển trong thế giới bất định, nhưng môi trường kinh doanh, thể chế chưa sẵn sàng hậu thuẫn các chiến lược này.
Trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm 95-96%.
Trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm 95-96%.

Doanh nghiệp nhỏ sợ bơ vơ

Bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VietRAP Đầu tư và Thương mại là người phát biểu gần cuối tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức vào cuối tuần trước. Đây cũng là tiếng nói duy nhất của doanh nghiệp tại hội thảo này.

“Tôi không sợ thiên tai, dịch bệnh. Công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng mới đã giải được nỗi sợ này của doanh nghiệp nông nghiệp. Tôi sợ bơ vơ. Cứ cắm mặt xuống luống cày, chỉ nhìn thấy chân mình, ngẩng lên không biết họ đi đến đâu rồi”, bà Phương ví von.

Họ ở đây là các doanh nghiệp nước ngoài, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường nông sản đang có lợi thế rất lớn về cả công nghệ, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Còn bà Phượng và nhiều doanh nghiệp nhỏ đang đầu tư vào nông nghiệp vẫn lấn cấn với câu hỏi làm sao tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

“8 năm hoạt động, tôi không vay ngân hàng, nhiều người nói là tôi giỏi, nhưng thực tế rất buồn. Tôi đã không tận dụng được nguồn lực để có thể lớn nhanh hơn. Đây là lý do tôi có mặt ở đây, đợi đến giờ này để được nói”, bà Phượng nói.

Là doanh nghiệp trồng và xuất khẩu nông sản, dược liệu theo kỹ thuật mới, VietRAP phải đầu tư nhà màng, nhà lưới với khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng/ha, chưa kể chi phí vận hành, đầu tư khác. Với các loại biệt dược, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng/ha. Nhưng số tài sản này không được ngân hàng chấp nhận làm tài sản thế chấp, vì phần lớn đầu tư trên đất thuê.

“Các cán bộ ngân hàng rất tận tình, về làm việc với chúng tôi nhiều, nhưng họ không thể coi hợp đồng mua bán của Công ty với bên mua hàng cũng như các tài sản đầu tư cho nông nghiệp là tài sản thế chấp. Trong khi đó, chu kỳ thu hoạch của các loại biệt dược dài, khoảng 5-7 năm với các loại tam thất, thất diệp nhất chi, nên ngân hàng cho đó là rủi ro”, bà Phượng nói.

Việc khó tiếp cận vốn ngân hàng là chuyện thường ngày, nhưng tiếp cận được với mức lãi suất thương mại hiện tại thì không thể làm ăn được. Thậm chí, ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Kolia Cao Bằng - công ty hiếm hoi có chứng chỉ organic về trà, trong các cuộc làm việc với doanh nghiệp trẻ, còn khuyên rằng, nếu không có 50% tổng vốn đầu tư, thì đứng nên làm nông nghiệp công nghệ cao.

“Làm nông nghiệp lãi nhiều khi thấp hơn cả lãi suất ngân hàng, chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Giá như có chương trình bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp đỡ phải lò dò và mạnh dạn đầu tư hơn”, ông Ngọc nói.

Khoảng thiếu doanh nghiệp quy mô vừa

 Phải thẳng thắn, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp không thiếu. Thậm chí, bà Phượng nói, các ngân hàng đã nhìn thấy tiềm năng của khu vực này. “Nhưng ngân hàng không tin doanh nghiệp. Có lẽ họ cần sát với chúng tôi hơn, hiểu tỉ mỉ ngành nghề này hơn, để có các chương trình dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”, bà Phượng nói.

Cần xây dựng Chiến lược Phát triển doanh nghiệp Việt Nam

TS. Trần Đình Thiên đề nghị xây dựng Chiến lược Phát triển doanh nghiệp Việt Nam cho giai đoạn mới. Trong đó, nền tảng là doanh nghiệp tư nhân, trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế. Định vị đúng nguyên tắc thị trường hiện đại, vai trò, chức năng của từng thành phần - lực lượng kinh tế, không để thiên kiến tư cách chính trị với các thành phần kinh tế chi phối quá trình ra chính sách. Việc này cần được thực hiện song song với việc xây dựng chính sách thu hút FDI thế hệ mới.

Là chuyên gia nghiên cứu, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gọi nguyên do của sự không tin tưởng này là tư duy phân biệt các lực lượng của thị trường thành phần kinh tế, thay vì chức năng. “Sự phân biệt này không chỉ là lời nói, mà thể hiện trong chính sách, trong hành xử của bộ máy nhà nước với khu vực doanh nghiệp tư nhân, làm méo mó môi trường kinh doanh. Ngay cả việc sử dụng khái niệm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thay vì tư nhân hóa cũng thể hiện sự không bình đẳng của hai thành phần kinh tế này”, ông Thiên thẳng thắn.

Đáng nói là, sự tồn tại cách phân biệt này kéo dài 30 năm qua khiến bức tranh cơ cấu của nền kinh tế cơ bản vẫn giữ nguyên. Đó là sản xuất GDP dựa chủ yếu vào thành phần kinh tế nhà nước (với khoảng 28% GDP) và kinh tế hộ (đóng góp khoảng 32% GDP). Khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn chỉ đóng góp 7-8% GDP.

“Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nghi ngờ số liệu này không chính xác. Nhưng nếu con số này là 10%, thì vẫn là quá nhỏ sau 30 năm đổi mới của nền kinh tế”, ông Thiên nói.

Hơn thế, trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm 95-96%. Doanh nghiệp vừa chiếm khoảng 1,7%, nhỏ hơn cả nhóm doanh nghiệp lớn (khoảng 2%).

“Doanh nghiệp vừa ít nghĩa là chúng ta đang thiếu lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ này cũng có nghĩa là doanh nghiệp nhỏ lớn lên thành vừa cũng rất ít”, ông Thiên nói và gọi cơ cấu trên là có vấn đề nghiêm trọng.

Ngay cả với các doanh nghiệp quy mô lớn, ông Thiên cũng không thực sự an tâm khi không ít doanh nghiệp lớn lên dị thường, nhiều doanh nghiệp lớn lên nhờ đầu cơ là chính, nên không thể cạnh tranh quốc tế và nguy cơ phạm luật rất cao.

Tiếng vỗ thiếu một bàn tay

Lần này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM xuất hiện với chức danh mới là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Ông sốt ruột với thành quả đáng ra doanh nghiệp có thể được hưởng, nếu có sự hậu thuẫn tốt của cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh.

“4-5 năm trước, một số doanh nghiệp nông sản Việt đã chung tiền tham gia hội chợ lương thực, thực phẩm lớn nhất thế giới là Gulfood tại Dubai. Đã có doanh nghiệp nhận được đơn hàng, nhưng lớn quá, đành phải bỏ”, ông Thành tiếc nuối.

Nhưng ông Thành vẫn khuyên, doanh nghiệp phải chủ động, nhất là thay đổi để bán được hàng trong thời 4.0, trong thời xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, nhân văn lên ngôi, trong thời mà thế giới và Việt Nam đều đang chưa biết cuộc cách mạng công nghiệp sẽ đi đến đâu, nên không ngại thử nghiệm, không ngại sai lầm. “Doanh nghiệp phải chủ động theo kịp xu thế, đừng chờ Chính phủ”, ông Thành nói.

Tất nhiên, đó là việc của doanh nghiệp. Nhưng bà Phượng vẫn cho rằng, doanh nghiệp không thể thay đổi, không thể mạnh lên nếu không có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của cơ chế, chính sách. “Chúng tôi cần chính sách phù hợp đi cùng, thúc đẩy các thay đổi nhanh hơn”, bà Phượng nói.

Hộ kinh doanh "lên đời" doanh nghiệp: Góc nhìn từ nghĩa vụ thuế
Lực lượng hộ kinh doanh được đánh giá rất tiềm năng có thể bổ sung vào khối doanh nghiệp, góp phần tăng thêm nguồn thu vào ngân sách Nhà nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư