Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp “ngoại” thống lĩnh thị phần ngành thức ăn chăn nuôi
Q.Hưng - 08/12/2020 11:20
 
Doanh nghiệp nước ngoài chiếm 32% số lượng nhà máy nhưng chiếm tới 65% thị phần thức ăn chăn nuôi trong nước.
.
Doanh nghiệp nước ngoài chiếm 32% số lượng nhà máy nhưng chiếm tới 65% thị phần thức ăn chăn nuôi trong nước.

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố bảng xếp hạng top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020 với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: CP. Việt Nam, De Heus, Procono hay Jafa Comfeed… và những xu hướng của ngành này

Theo Vietnam Report, Việt Nam hiện có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.

Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 65% thị phần, 35% thị phần còn lại do doanh nghiệp trong nước nắm giữ. Số thị phần này cũng đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng về quy mô, số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng của doanh nghiệp ngoại do tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam. Không chỉ vượt trội về thị phần, mà hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín.

Theo đánh giá của OECD, Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn thịt Việt Nam là động lực chính của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước. Mặc dù giá thịt lợn có nhiều áp lực giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao so với năm trước. Với mức giá có lợi này, nông dân có động lực để khởi động lại doanh nghiệp và các trang trại thương mại để xây dựng lại đàn lợn của họ bằng các biện pháp an toàn sinh học tốt trong điều kiện có khả năng dịch tả tái phát.

Đáng lưu ý, công nghệ sinh học là một xu hướng mới trong ngành thức ăn chăn nuôi. Khi đại dịch tả châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò, dê, gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Các chất khác nhau bổ sung vào thức ăn chăn nuôi như enzyme, vitamin và chất kết dính đã được sử dụng và được chấp nhận trong ngành công nghiệp này, sẽ tiếp tục phát triển và sẽ nâng cao sức khỏe vật nuôi, năng suất, hiệu suất và lợi nhuận. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi phải kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất.

Các tiến bộ công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất bằng cách cải thiện độ chính xác của công thức và tính nhất quán. Máy móc tiên tiến cũng sẽ cho phép các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi thay đổi tính nhất quán và công thức thức ăn theo từng mẻ. Ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi sẽ được số hóa hơn và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh sẽ được liên kết khép kín, dẫn đến luồng thông tin chi tiết từ trang trại đến người tiêu dùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư