Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội IPO tại Mỹ
Hương Vân - 25/08/2021 08:47
 
Hàng loạt công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á thực hiện IPO tại Mỹ đang tạo ra tác động lan tỏa khắp hệ sinh thái trong khu vực, đặc biệt đối với các công ty Việt Nam.
Công ty cổ phần VNG đang cân nhắc việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ qua SPAC để tiếp cận nguồn vốn nước ngoài

Tìm kiếm cơ hội

Gần đây, các công ty Việt Nam đang nghiên cứu thành lập các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) để niêm yết tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ chỉ là bước khởi đầu của hành trình đầy thử thách với các khoản phí đáng kể và sự giám sát nghiêm ngặt.

Công ty giao nhận hàng hóa Loship là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội niêm yết tại Mỹ. Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là một trong những cột mốc quan trọng mà Loship hướng đến trong vòng 3 năm tới.

Nguyễn Hoàng Trung, nhà đồng sáng lập, kiêm CEO Loship chia sẻ, Loship hy vọng niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào năm 2024, sau khi đạt lợi nhuận. IPO thành công sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Loship trong tương lai.

Tuy nhiên, một vấn đề dễ nhận thấy là, các nhà đầu tư tại Mỹ thường không biết nhiều về các công ty Đông Nam Á. Điều này tạo ra thách thức rất lớn cho các công ty Việt Nam trong việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. “Do đó, SPAC có vẻ là một lựa chọn thực tế hơn cho các start-up Việt, như Loship”, ông Trung chia sẻ.

Tương tự, Công ty cổ phần VNG cân nhắc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ qua SPAC để tiếp cận nguồn vốn nước ngoài. Giao dịch này có thể định giá VNG ở mức 2 - 3 tỷ USD.

Trong khi đó, Quỹ Golden Gate Ventures kỳ vọng hoạt động mua bán và sáp nhập ở Đông Nam Á sẽ tăng lên. Dự kiến có 468 công ty khởi nghiệp thoái vốn từ năm 2020 đến năm 2022.

Con đường đến thành công

Các nhà đầu tư quốc tế rất lạc quan với triển vọng của thị trường Đông Nam Á, vì đây là một trong những thị trường nóng nhất trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ông Herston Powers, Giám đốc của Quỹ 1982 Ventures cho rằng, tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm chưa được phản ảnh đúng với thực tế so với Indonesia và Singapore trong những năm qua.

Nền tảng thương mại điện tử Tiki, dù đang làm ăn thua lỗ, nhưng cũng có ý định huy động thêm nguồn vốn mới thông qua các SPAC tại Singapore, trong khi VinFast và Bamboo Airways đang cân nhắc niêm yết trên sàn NYSE qua SPAC.

Vì tên tuổi của các công ty Việt Nam tương đối xa lạ ở thị trường nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ, nên một số công ty phần nào còn do dự về tiềm năng niêm yết ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Powers tin rằng, thị trường Mỹ luôn sẵn sàng cho các công ty phát triển nhanh và mạnh. Singapore’s SEA Group - công ty mẹ của Shopee và Garena - đã chứng minh, một công ty công nghệ đến từ Đông Nam Á có thể cực kỳ thành công tại thị trường vốn Mỹ.

Bong bóng SPAC

Các nhà phân tích như Powers lưu ý rằng, việc gây quỹ ở Mỹ không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên, vì sẽ tốn nhiều khoản phí và tài trợ, song bất kể công ty nào đều có thể tham gia huy động vốn.

Việc niêm yết chỉ là bước khởi đầu của cuộc hành trình. Thị trường vốn toàn cầu đang có nhiều thách thức, nhưng với chiến lược đúng đắn, doanh nghiệp có thể có được lợi thế cạnh tranh, bao gồm khả năng tiếp cận các nguồn vốn dồi dào và tính thanh khoản cao hơn.

Ông Herston Powers, Giám đốc Quỹ 1982 Ventures

Theo ông Kent Wong, Giám đốc Ngân hàng và Thị trường vốn thuộc Công ty tư vấn luật VCI Legal, trong số các công ty Việt Nam như VNG, Tiki và Loship, thì VNG có cơ hội thành công cao nhất để gây quỹ ở thị trường nước ngoài, với tiềm năng cao về nội dung kỹ thuật số, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến và nền tảng đám mây. Các kênh công nghệ khác nhau này cho phép VNG không bị giới hạn bởi khu vực địa lý hoặc phụ thuộc vào hạ tầng địa phương.

Tuy nhiên, ông Wong tin rằng, VNG sẽ đến muộn trong buổi tiệc, vì bong bóng thị trường SPAC đã vỡ.

“Tôi thích con đường IPO thông thường hơn vì dù sao, sáp nhập ngược với công ty SPAC sẽ phải trải qua sự giám sát nghiêm ngặt”, ông Wong nêu quan điểm.

Ngoài vị thế tại thị trường ở Đông Nam Á, theo ông Wong, các tập đoàn như VNG cần phải xem xét lại định giá của mình.

“Một số người đặt câu hỏi về tính khả thi của việc định giá 2 - 3 tỷ USD của VNG. Lưu ý rằng, con số này khá khiêm tốn so với vị thế thống lĩnh thị trường của tập đoàn này tại Việt Nam và so với các đối thủ khác như FPT hay thương vụ Bukalapak 6,5 tỷ USD của Indonesia gần đây”, ông Wong lưu ý.

Một số người khác cũng cho rằng, mức định giá khoảng 2 - 3 tỷ USD của VNG không “đáp ứng được kỳ vọng” về vị trí dẫn đầu thị trường của công ty.

“Tôi nghĩ, Nhóm ngân hàng đầu tư của VNG đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng. Đó là lý do họ không thể thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế rằng, VNG có giá trị lớn hơn nhiều so với mức 2-3 tỷ USD. Thậm chí, Bukalapak là một trong những công ty thương mại điện tử cấp bậc trung của Indonesia cũng được định giá 6,5 tỷ USD”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Theo ông Powers, mọi công ty cần phải xem xét ý nghĩa của việc trở thành một công ty đại chúng ở Mỹ và cần có những chuẩn bị cần thiết để thực hiện niêm yết thành công. “Việc niêm yết rất quan trọng và bạn chỉ có một cơ hội để làm đúng. Nhiều công ty không nhận ra rằng, việc niêm yết chỉ là bước khởi đầu của cuộc hành trình. Thị trường vốn toàn cầu đang có nhiều thách thức, nhưng với chiến lược đúng đắn, doanh nghiệp có thể có được lợi thế cạnh tranh, bao gồm khả năng tiếp cận các nguồn vốn dồi dào và tính thanh khoản cao hơn”, ông Powers nhấn mạnh.

Bloomberg: VNG cân nhắc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ qua SPAC, định giá 2-3 tỷ USD
Giao dịch có thể định giá VNG ở mức 2 tỷ đến 3 tỷ USD. Các cuộc thảo luận đang diễn ra và công ty có thể quyết định theo đuổi các lựa chọn huy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư