Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
“Kỳ lân” Việt tìm cửa hút vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ
Anh Hoa - 23/08/2021 09:29
 
VNG và một số doanh nghiệp Việt góp mặt vào thị trường “nóng bỏng” của các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) ở Mỹ như một cách gọi vốn để thúc đẩy tăng trưởng.
VinFast được ước tính định giá hơn 50 tỷ USD trong kế hoạch IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
VinFast được ước tính định giá hơn 50 tỷ USD trong kế hoạch IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

Làn sóng hưng phấn

Trong cuộc sống có những khoảnh khắc ta chỉ muốn tua nhanh để sang giai đoạn mới và cũng có lúc muốn nó chậm lại để có thể tận hưởng từng giây phút. Được rung chuông ở Nasdaq, thấy hình ảnh mình hiện lên giữa Quảng trường Thời Đại, My cảm thấy mọi công sức, mọi sự đánh đổi của mình trong bao năm qua đều xứng đáng. Mong rằng, đây sẽ là sự khởi đầu cho nhiều lần tới, để My có thể cùng nhiều nhà khởi nghiệp và công ty mà My hỗ trợ chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời này.

Đó là cảm xúc của cô gái Việt Nam Võ Vũ Thùy My (Maggie Vo), Giám đốc Fuel Venture Capital nhân sự kiện Maquia Capital Financial Group của cô và các cộng sự IPO ở Nasdaq. Do đó, khi nghe tin hai tên tuổi ở quê nhà lên kế hoạch IPO ở Mỹ, cô vô cùng tự hào và chờ đợi.

Theo đó, “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam là Công ty cổ phần VNG đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập ngược với một công ty SPAC, với định giá ở mức 2-3 tỷ USD. Trong khi đó, hồi tháng 4/2021, một tập đoàn lớn khác cũng tiết lộ về việc sẽ IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cho công ty thành viên, với kỳ vọng huy động được khoảng 3 tỷ USD, ước tính định giá của công ty thành viên này là hơn 50 tỷ USD.

VNG và tập đoàn nói trên đều chưa xác nhận việc này, nhưng đối với VNG, động thái lần này rõ ràng nằm trong lộ trình chiến lược trước đó. Năm 2017, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc VNG và Phó chủ tịch Tập đoàn Nasdaq, Bob McCooey đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy quá trình IPO giữa VNG và Nasdaq. 

Khi đó, ông McCooey khẳng định, một trong những lý do chính để đi đến thoả thuận này vì VNG là start-up công nghệ đầu tiên tại Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc. Và VNG có thể là trọng tâm và biểu tượng cho nền kinh tế Việt Nam. Nasdaq chính là nơi Apple, Microsoft, Google, Facebook, Ebay… và rất nhiều công ty công nghệ khác đang niêm yết cổ phiếu của mình.

Thời điểm đó, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG thừa nhận, việc IPO tại Mỹ là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, VNG hy vọng, chính thách thức này sẽ tạo động lực cho những chuyển biến bước ngoặt về tư duy, tổ chức, con người nội tại để Công ty có thể tiến nhanh hơn vào thị trường toàn cầu.

Bốn bước của một SPAC

-Thành lập SPAC. Một SPAC được thành lập bởi một nhóm nhà tài trợ (sponsors), thường là những nhà đầu tư nổi tiếng, các công ty đầu tư cổ phần tư nhân, hoặc các nhà đầu tư mạo hiểm.

-Tiến hành IPO. SPAC tuân thủ quy trình IPO thông thường như bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng các nhà tài trợ của SPAC không công bố cụ thể các công ty mà họ đang cân nhắc mua lại, nhằm tránh những thủ tục phức tạp với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).

-Tìm kiếm công ty để mua lại. Các SPAC thường có 2 năm tìm kiếm một công ty tư nhân để mua lại hoặc sáp nhập, theo đó đưa công ty đó thành công ty đại chúng. Thời hạn này có thể rất dễ để đáp ứng, vì các nhà tài trợ có thể đã có một đối tượng cụ thể để mua lại ngay từ đầu.

-Hoàn tất thương vụ mua lại. Khi các nhà tài trợ của một SPAC tìm được một công ty để thâu tóm, họ sẽ thông báo và thương vụ sẽ phải nhận được sự phê chuẩn của đa số cổ đông. SPAC có thể phải huy động thêm vốn, thường là bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, để thực hiện thương vụ.

Cơn sốt SPAC

VNG sẽ là tên tuổi mới nhất tham gia cùng các công ty Đông Nam Á trong việc tìm kiếm con đường lên sàn tại Mỹ. Gần đây, công ty bất động sản trực tuyến PropertyGuru của Singapore đã đồng ý với thỏa thuận đầu tư trị giá 1,8 tỷ USD. Traveloka của Indonesia đang đàm phán để gọi vốn phục vụ việc niêm yết.

Đáng chú ý, trên con đường tiếp cận vốn ở thị trường Mỹ, các công ty này đều muốn sử dụng SPAC. Đây là một công ty được một nhóm nhỏ các nhà đầu tư sành sỏi hoặc các chuyên gia đầu ngành thành lập với mục đích hợp nhất với một công ty đang hoạt động (công ty mục tiêu) và tiến hành huy động vốn thông qua IPO.

Mặc dù đã xuất hiện khoảng 3 thập kỷ ở phố Wall, nhưng gần đây, SPAC mới trở thành một cơn sốt trong giới đầu tư ở Mỹ. Thống kê từ Đại học Florida, trong năm 2020, có 247 thương vụ IPO của các công ty SPAC, với tổng vốn huy động là 83 tỷ USD. Song chỉ vài tháng trong năm 2021 đã có hơn 412 thương vụ, với số vốn huy động được 121 tỷ USD.

Số liệu cho thấy, các công ty SPAC tiếp tục phổ biến trong các lĩnh vực chăm sóc y tế, công nghệ tài chính và xe tự lái. Lĩnh vực năng lượng thay thế cũng đang dần nắm bắt xu hướng này, nhưng rất ít công ty năng lượng tái tạo tư nhân đủ lớn để trở thành mục tiêu lý tưởng cho các công ty SPAC.

Giới đầu tư tài chính cho rằng, dù công ty mục tiêu chỉ có nhu cầu huy động được 250 triệu USD, nhưng giá trị công ty trung bình phải đạt hơn 1 tỷ USD mới có thể thu hút sự chú ý của một SPAC. Tuy nhiên, việc nở rộ SPAC cũng khiến các SPAC khó tìm công ty để giải ngân.

Hiện có khoảng 560 công ty SPAC đang hoạt động trên thế giới. Trong đó, có tới 432 SPAC quy mô gần 140 tỷ USD đang chưa tìm được cơ hội đầu tư. 128 SPAC khác đã sáp nhập được với quy mô khoảng 40 tỷ USD. Hiện là thời điểm vô cùng thuận lợi để SPAC sáp nhập các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là về lĩnh vực công nghệ.

Điển hình là Hãng xe công nghệ Grab công bố sẽ IPO tại Mỹ thông qua sáp nhập với Altimeter Growth, một công ty SPAC trong thương vụ lớn nhất thuộc loại này. Sau khi sáp nhập, định giá thị trường của Grab có thể đạt gần 40 tỷ USD.

Thương vụ này cho thấy, SPAC đang ngày càng quan tâm tới châu Á. SPAC mang đến cánh cửa gia nhập thị trường chứng khoán Mỹ cho nhiều doanh nghiệp công nghệ châu Á, mà không cần qua phương thức IPO truyền thống.

Đối mặt với đòn tấn công của “cá mập”

Việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam. Giới quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cho rằng, mục tiêu của SPAC là quan tâm đến các doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng cao từ 20 đến 30%/năm, hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tốc độ tăng trưởng cao, lợi nhuận bình quân năm khoảng 8 triệu USD.

IPO là việc một công ty tìm kiếm nguồn tiền, trong khi SPAC là nguồn tiền tìm kiếm một công ty. SPAC chỉ có tiền mà không có hoạt động kinh doanh gì. Theo giới đầu tư ở Mỹ, nơi thị trường này nở rộ nhất, SPAC thường có 2 năm để tìm kiếm cơ hội và sáp nhập doanh nghiệp. Nếu không thành công, SPAC bị giải thể, cổ đông nhận về khoản đầu tư ban đầu cùng lãi suất tương ứng. Nếu thành công, nhà tài trợ SPAC có thể kiểm soát tới 20% công ty tư nhân (tiềm năng trị giá hàng triệu USD) với giá ban đầu vô cùng thấp.

Ở giai đoạn gọi vốn đầu tư ban đầu, khi chưa sáp nhập, giá cổ phiếu của công ty SPAC dao động ở mức 10 USD/cổ phiếu. Do đó, khoản lợi nhuận này rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Dĩ nhiên, nhà

tài trợ chỉ có mục đích duy nhất là làm sao hoàn thành được phi vụ trong thời hạn 2 năm theo quy định. Điều này cho thấy, lợi ích của các cổ đông không phải là mục đích chính.

Các công ty SPAC đang phải đối mặt với sự kiểm soát ngày càng tăng. Các nhà quản lý chứng khoán Mỹ đang tăng cường điều tra xu hướng SPAC tăng mạnh trên Phố Wall. Trong khi đó ở khu vực châu Á, Hồng Kông và Singapore đang cân nhắc những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, tránh rủi ro cao mà các nhà đầu tư vào SPAC gặp phải. Ở Pháp và nhiều nước châu Âu khác, đầu tư vào SPAC chỉ dành cho các nhà đầu tư có chứng chỉ, hay đã được công nhận.

Trong lúc số lượng SPAC vượt nhu cầu, thì lợi thế trong thương lượng sáp nhập sẽ thuộc về công ty muốn niêm yết. Nhưng dù được niêm yết theo đường tắt, thì sau đó, các thủ tục về báo cáo tài chính, sự minh bạch là những khoản “đắt đỏ”. Đặc biệt, với việc huy động vốn ở thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, các doanh nghiệp sẽ có rủi ro rơi vào tầm tấn công của các “cá mập” là những tỷ phú “ẩn danh”; các quỹ đầu cơ bán khống cũng sẽ tăng lên nhiều nếu để tỷ lệ cổ phiếu thả nổi cao.

Cuối cùng, để thuyết phục được các nhà đầu tư quốc tế để mắt đến, doanh nghiệp Việt Nam phải thể hiện những con số và câu chuyện hấp dẫn.

Vingroup phản hồi thông tin niêm yết sàn chứng khoán Mỹ, bỏ ngỏ khả năng dùng SPAC
Vingroup khẳng định các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast là điều thường xuyên xem xét, gồm cơ hội huy động vốn như sáp nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư