Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Chương Do Khởi: Nâng tầm trang sức Việt, "tôi luyện" trẻ khuyết tật thành thợ kim hoàn
Quỳnh Hải - 02/07/2017 10:27
 
Trong thương trường, mỗi người có một chiến lược kinh doanh riêng. Với Chương Do Khởi, con đường anh lựa chọn là nỗ lực xây dựng một thương hiệu trang sức uy tín, được ưa chuộng cả trong và ngoài nước.
doanh nhân Chương Do Khởi
Doanh nhân Chương Do Khởi

Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn ở Cà Mau, nên Chương Do Khởi, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Nhân Khang (TP.HCM) có cơ hội tiếp xúc với thương trường từ rất sớm. Thời trai trẻ, anh đã lăn lội từ Nam ra Bắc để giao thương, mở rộng địa bàn kinh doanh tích lũy kinh nghiệm quý báu. Từ đó, từng bước gầy dựng, phát triển lên thương hiệu trang sức Nhân Khang đầy uy tín như hôm nay.

Anh bảo, ngành vàng Việt Nam lớn, hàng chục ngàn cơ sở, nhưng có thương hiệu rất ít. Muốn phát triển được phải tạo ra sản phẩm có thương hiệu mạnh, được ưa chuộng. Muốn làm được điều đó, cần công nghệ, cần sáng tạo và cần truyền thông.

Nếu đi đúng con đường đó chi phí sẽ rất tốn kém, song giá thành chưa chắc đẩy lên được. Câu chuyện mâu thuẫn ở chỗ những doanh nghiệp làm ăn bài bản như vậy phải cạnh tranh gay gắt ngay cả với các cơ sở nhỏ lẻ khác.

Cơ sở vàng bạc nào cũng có thể chế tác trang sức đem bán. Họ có thể ăn cắp lại mẫu mã, có thể làm không đủ tiêu chuẩn chất lượng và họ bán giá rẻ hơn. Với thị hiếu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng, phần lớn cứ thấy rẻ hơn là ham, nên sẽ ưu tiên lựa chọn.

Trong bức tranh sáng tối, mạnh ai lấy làm đó, các doanh nghiệp đầu tư bài bản thường bị đuối sức, bất lợi trong cạnh tranh, nguy cơ mất thị phần. Do vậy, để tồn tại, nhiêu khi họ không dám mở mang phát triển.

Để giải bài toán này, Chương Do Khởi cho rằng cần phải kiểm soát chặt việc sản xuất trang sức, chỉ đơn vị nào đáp ứng đủ các tiêu chí khắt khe mới được sản xuất. Song song với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, cơ chế để doanh nghiệp nghành trang sức có thể vững vàng xây dựng thương hiệu mạnh cho mình.

Các doanh nghiệp trong nghành kim hoàn cũng cần có sự liên kết với nhau để đẩy thương hiệu chung của ngành kim hoàn Việt Nam đi xa hơn ra thế giới. Chỉ khi có những thương hiệu mạnh, ngành kim hoàn mới phát triển, sản phẩm đủ sức ra thế giới cạnh tranh, góp phần đưa đất nước phát triển.

Vui sướng bên vương miện Miss ASEAN 2017 Phú Yên đã hoàn thành bàn giao cho Ban tổ chức
Doanh nhân Chương Do Khởi hạnh phúc  bên vương miện Miss ASEAN 2017 Phú Yên đã hoàn thành bàn giao cho Ban tổ chức

Chương Do Khởi kể, ngành kim hoàn của Thái Lan, Singapore vốn thua kém xa Việt Nam, nhưng bây giờ họ lại bỏ xa Việt Nam, trở thành nơi xuất khẩu trang sức lớn của khu vực. Người Thái sử dụng trang sức không nhiều, nhưng công nghệ sản xuất, xuất khẩu trang sức của Thái rất lớn. Ngành trang sức mang doanh thu chỉ sau du lịch. Còn ở Việt Nam, ngành kim hoàn mãi dẫm chân tại chỗ bởi cứ phải lo tự cạnh tranh lẫn nhau.

Chương Do Khởi có niềm tin rằng, kinh tế nước ta đang trên đà phát triển, xu hướng sử dụng trang sức cũng có sự thay đổi. Nếu trước đây người ta dùng nữ trang vì giá trị vật chất thì nay hướng về các giá trị nghệ thuật, giá trị sáng tạo, các nữ trang có thương hiệu. Chính điều đó củng cố niềm tin để anh hướng vào chiến lược phát triển thông qua gầy dựng thương hiệu.

“Tôi đi châu Âu thấy trong khách sạn họ dùng tivi thương hiệu Samsung, dù là thương hiệu của Hàn Quốc, nhưng nó xuất phát từ châu Á, tôi cũng thấy có chút tự hào. Vậy bạn nhìn trên truyền hình thấy một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đeo trang sức thương hiệu từ Việt Nam bạn có tự hào không?.

Hẳn nhiên rồi, rất tự hào. Vậy liệu người Việt có thể làm những trang sức thương hiệu như thế không?. Tôi khẳng định là có. Ngành trang sức của ta chỉ thua các nước khác về công nghệ, nguồn vốn đầu tư chứ chúng ta không thua kém về óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, tinh tế”, Chương Do Khởi chia sẻ.

Để nghệ sĩ thế giới sử dụng trang sức thương hiệu Việt không chỉ là giấc mơ, Chương Do Khởi cho rằng phải có khát vọng, khó đến mấy cũng phải làm. Vì lẽ đó, anh quyết tâm đưa doanh nghiệp của mình theo hướng phát triển sản phẩm trang sức có thương hiệu.

Đó là xu hướng chung của thế giới. Nếu doanh nghiệp nào cũng có khát vọng và  làm như vậy thì ngành trang sức Việt sẽ có tiếng, sẽ phát triển, sản phẩm sẽ ra thế giới. “Hãy tin tôi đi, nhiều quán cà phê ở Sài Gòn bây giờ không chỉ là quán cà phê mà đã biến thành nơi làm việc của khách, dù giá rất đắt, khách vẫn lựa chọn, vì họ có nhu cầu như vậy. Và nhu cầu dùng trang sức của người Việt cũng đang chuyển dần từ giá cả sang dùng sản phẩm có thương hiệu”, Chương Do Khởi nói.

Ý tưởng lớn nhất mà Chương Do Khởi đang ấp ủ hiện nay là việc mở trường dạy nghề kim hoàn cho những người khuyết tật. Anh bảo, những người khuyết tật họ có thể khiếm khuyết phần này, nhưng sẽ bù lại phần khác.

Họ có thể không đi được đôi chân nhưng bù lại họ sẽ có thời gian dành nhiều cho cái đầu suy nghĩ. Họ có những nhạy bén, sáng tạo, rất phù hợp với nghề kim hoàn. Cái khó của họ hiện nay là không kiếm được việc làm, phải dựa vào tình thương yêu san sẻ từ người lành lặn.

Vậy tại sao không cho họ một cái nghề đàng hoàng để có thể làm ra các sản phẩm như người bình thường, không có bất cứ sự khác biệt nào. Sản phẩm của họ đủ sức cạnh tranh ngoài thị trường. Khách hàng tìm tới mua sản phẩm của họ vì ngưỡng mộ chứ không phải vì tình thương. Nếu làm được như vậy thì giá trị phát triển mới bền vững. Nếu ý tưởng đó thành công đó là thành quả “để đời” với Chương Do Khởi.

Vương miện Hoa hậu ASEAN 2017 đã chính thức có mặt tại thành phố Tuy Hoà - Phú Yên
Chiều ngày 25/6, vương miện Cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 đã chính thức đến với thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên để chuẩn bị cho sự kiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư