Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Đức Lực: Khát vọng về ngành công nghiệp Sâm Ngọc Linh
Hoàng Anh - 22/10/2022 08:25
 
Làm sao để hiện thực giấc mơ Việt Nam xuất khẩu “tỷ đô” với cây sâm Ngọc Linh là hoài bão và khát vọng của doanh nhân Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sâm Sâm Group.
Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sâm Sâm Group
Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sâm Sâm Group.

Giấc mơ sâm

Bây giờ, sâm Ngọc Linh đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh vẫn là “bí mật” truyền đời của người dân sống trên đỉnh núi thiêng Ngọc Linh, ở hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Qua nhiều thế hệ, người Xê Đăng luôn xem cây “thuốc giấu” là báu vật và bảo vệ nghiêm ngặt.

Doanh nhân Nguyễn Đức Lực kể, bắt đầu khởi nghiệp với sâm Ngọc Linh cũng từ say mê muốn giải mã bí mật về cây “thuốc giấu”.

doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng ở miền núi Quảng Nam, nên ông Lực có nhiều cơ hội đến với vùng cao, đặc biệt là vùng trồng sâm của người dân tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Sự linh thiêng, huyền bí của núi Ngọc Linh cùng sự quyến rũ của cây sâm Ngọc Linh, khiến doanh nhân Nguyễn Đức Lực say mê. Ông đã nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng của loại cây dược liệu quý này. Tuy nhiên, hành trình giải mã “thuốc giấu” không hề đơn giản.

Khó khăn hiện nay trong việc phát triển ngành công nghiệp sâm Ngọc Linh là khó tiếp cận nguồn vốn, khi các ngân hàng rất dè dặt cho doanh nghiệp vay vốn đầu từ vào phát triển vùng trồng dược liệu.

Để chuyên tâm phát triển về lĩnh vực sâm Ngọc Linh, năm 2015, Nguyễn Đức Lực thành lập Công ty TNHH Sâm Sâm, đăng ký thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm theo chủ trương phát triển của tỉnh Quảng Nam.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm, nên việc thuyết phục người dân khoanh vùng sản xuất, tránh tranh chấp đất rừng không phải là đơn giản. Lý do là, lâu nay, người dân vốn tự trồng, đặt nhiều bẫy để tránh thú rừng, bảo vệ vườn sâm và hạn chế người ra vào rừng.

“Ban ngày, bà con đi làm, tối đến thì mình mới có thể mời họp để trình bày, thuyết phục… Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình để thuyết phục người dân cùng mình khoanh vùng sản xuất, đảm bảo hài hoà lợi ích cho người dân. Phải mất cả năm trời, chúng tôi mới nhận được đất rừng để trồng sâm”, ông Lực nhớ lại.

Năm 2016, Công ty TNHH Sâm Sâm được tỉnh Quảng Nam giao 10 ha tại xã Trà Linh. Hành trình nắm bắt tập tính sinh trưởng, quy trình nhân giống và quản trị được sinh lý, bệnh lý… cho cây sâm là cả một câu chuyện dài, với nhiều khó khăn và có cả thất bại…

Giữ vững niềm tin

Nhiều người nghĩ trồng sâm Ngọc Linh không khó, nhưng đó là với quy mô hộ gia đình. Còn với doanh nghiệp, một cơn gió lớn khiến cây ngã đổ, một trận mưa gây xói lở hay đơn giản như chuột cắn phá, rồi nấm lá, hư mầm… sẽ khiến vốn liếng, công sức đổ sông, đổ biển.

“Ngay năm đầu tiên trồng hơn 10.000 cây sâm, tôi đã thất bại hoàn toàn khi không quản trị được hiện tượng nấm lá và hư củ”, ông Lực nhớ lại.

Bên cạnh việc học tập, đúc kết kinh nghiệm quy trình, tập quán trồng sâm của người dân ở Ngọc Linh, ông Lực và các cộng sự đã “sách cặp” theo học các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu cây sâm của Việt Nam; mời các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, chuyển giao phương pháp quản trị về vùng trồng, giống, bệnh lý, sinh lý… để phát triển cây sâm.

Mất nhiều thời gian “ăn, ngủ” với rừng trồng sâm, cuối cùng, doanh nhân Nguyễn Đức Lực cũng đã giải được những bí mật của sâm Ngọc Linh, khi đã đúc kết được quy trình gieo ươm, chăm sóc, quản lý sâu bệnh… thu hoạch, nhân giống cây sâm; đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn về dược tính, dược lý, hàm lượng hoạt chất, khoáng chất, vi lượng của cây sâm. Từ thành công quan trọng này, doanh nghiệp đã mở rộng diện tích vùng trồng lên 200 ha, gieo ươm và trồng được 500.000 cây sâm.

Khát vọng tương lai

Khi đã chuẩn hoá được quy trình trồng và chăm sóc, ông Nguyễn Đức Lực lại tiếp tục bắt tay vào phát triển các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh. Một hành trình “tầm sư học đạo” mới bắt đầu.

Ông Lực đã tìm đến Viện Y dược, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Y dược TP.HCM để “đặt hàng” các công trình nghiên cứu, ứng dụng vào việc chiết xuất, bào chế, sản xuất các loại dược phẩm có nguồn gốc chủ yếu từ sâm Ngọc Linh, kết hợp với các loại dược liệu quý có ở Quảng Nam.

Năm 2018, Sâm Sâm Group đã đầu tư 120 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Chiết xuất đặt tại Khu công nghiệp Tam Thăng, trên diện tích 2,5 ha. Từ đây, lần lượt hơn 10 loại sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh được cho ra đời, tất cả đều được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và góp mặt trên thị trường dược phẩm của Việt Nam.

Doanh nhân Nguyễn Đức Lực cũng đã đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học, tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (NCM) in-vitro từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam. Đến nay, Sâm Sâm Group đã đưa vào vùng trồng thử nghiệm 23.000 cây giống, đạt tiêu chuẩn chất lượng của Sâm Ngọc Linh.

Thành công nhân giống sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô không chỉ giúp lưu giữ nguồn gene quý, bảo tồn cây sâm trước nguy cơ tuyệt chủng do sự khai thác quá mức của con người, mà còn giúp giải bài toán chủ động được nguồn giống cho các vùng trồng quy mô công nghiệp… Điều này đã đưa Sâm Sâm Group là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nhân giống vô tính với năng lực sản xuất 1 triệu cây giống/năm, mục tiêu của Công ty đến năm 2030 đạt năng suất 5 triệu cây giống/năm.

Chia sẻ về tương lai, ông Lực cho biết, Công ty đang phát triển vùng dược liệu 100 ha tại huyện Nam Giang, với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, nhằm hiện thực hóa ước mơ phục vụ ngành công nghiệp dược liệu và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu. Dự kiến năm 2023, Sâm Sâm Group sẽ đầu tư 130 tỷ đồng để mở rộng 2 ha nhà máy chế biến dược liệu sâm Ngọc Linh...

Dù đã đạt được những thành công, nhưng doanh nhân Nguyễn Đức Lực vẫn không thôi trăn trở về tương lai của sâm Ngọc Linh. Vì sao Hàn Quốc có thể phát triển ngành công nghiệp sâm “tỷ đô”, còn Việt Nam chưa thể?

Tìm hiểu về thành công của Hàn Quốc với sâm, ông Lực cho rằng, đã đến lúc, cần một cơ chế đặc thù về phát triển sâm Ngọc Linh. Bởi đã xác định sâm Ngọc Linh là quốc bảo, là sản phẩm quốc gia, thì cần phải có một cơ chế tương ứng.

Hàn Quốc đã có đạo luật về nhân sâm, Việt Nam cũng nên có những quy định chặt chẽ để phát triển sâm Ngọc Linh. Không nên quản lý chung chung, mà cần quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, hàm lượng đánh giá sâm Ngọc Linh (tiêu chí trong dược điển V quá thấp so với sâm Ngọc Linh) và quy định, kiểm soát cụ thể hàm lượng sâm Ngọc Linh trong từng sản phẩm (dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…) để tránh đánh đồng sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác ở Việt Nam.

Khó khăn hiện nay trong việc phát triển ngành công nghiệp sâm Ngọc Linh, theo ông Lực, chính là khó tiếp cận nguồn vốn, khi các ngân hàng rất dè dặt cho doanh nghiệp vay vốn đầu từ vào phát triển vùng trồng dược liệu.

“Sâm giống Ngọc Linh bây giờ có giá khoảng 150.000 đồng/hạt; 1 kg củ tươi (5 năm tuổi) có giá dao động từ 150 đến 230 triệu đồng, vùng trồng sâm của Sâm Sâm Group có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng lại khó vay vốn từ ngân hàng, vì không có tài sản thế chấp. Chúng ta cũng thiếu cơ chế bảo hiểm cho loại cây trồng đặc hữu, giá trị cao này… Đó chính là những nghịch lý”, ông Lực chia sẻ.

Theo ông Lực, chúng ta nói nhiều đến việc phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp “tỷ đô”, nhưng nếu không bắt tay vào thực hiện ngay từ bây giờ, thì ước muốn ấy thật khó thành hiện thực. Chúng ta cần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp cùng “bắt tay” để phát triển sâm Ngọc Linh và Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù cho “quốc bảo” này.

Vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045. “Tôi tin rằng, với giá trị của ‘quốc bảo Việt Nam’, trong 10 năm nữa, hiệu quả kinh tế mà cây sâm Ngọc Linh mang lại cho đất nước là rất lớn”, doanh nhân Nguyễn Đức Lực quả quyết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư