Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Hữu Tuất: Đi nhanh ở sân nhà, tiến chắc ở xứ người
Phương Anh - 10/02/2019 09:12
 
Mới ra mắt FastGo chưa tròn 1 năm, nhưng doanh nhân Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FastGo Việt Nam tự tin khẳng định, ứng dụng gọi xe Việt này sẽ giành lại sân nhà và mở rộng sang khu vực Đông Nam Á trong thời gian ngắn nhất.
doanh nhân Nguyễn Hữu Tuất muốn tạo ra công nghệ Việt để phục vụ người Việt.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Tuất muốn tạo ra công nghệ Việt để phục vụ người Việt.

Tiên phong… đi đánh xứ người

Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến sự kiện FastGo công bố ra mắt ứng dụng tại thị trường Myanmar vào ngày 28/12/2018, Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc Công ty TNHH FastGo Việt Nam vẫn không giấu được niềm vui. Đây là bước tiến mới của một ứng dụng gọi xe Việt mới chưa đầy 1 năm tuổi và FastGo trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên trong lĩnh vực gọi xe công nghệ tiến quân ra thị trường nước ngoài.

Còn nhớ, mới trước đó hơn nửa năm, vào ngày 12/6/2018, FastGo đã được Công ty FastGo Việt Nam (thuộc Tập đoàn NextTech) đưa ra thị trường sau 3 năm xây dựng và phát triển. Động thái này của FastGo nhằm chớp cơ hội chiếm lấy thị trường dịch vụ gọi xe khi Uber tuyên bố rút lui khỏi Đông Nam Á vào tháng 3/2018.

“Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam rất tiềm năng, có thể đạt giá trị lên tới hàng tỷ USD và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do để FastGo chính thức gia nhập thị trường. Tôi tin rằng, với một lộ trình phát triển rõ ràng, nền tảng công nghệ ưu việt cùng sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và người dùng Việt Nam, FastGo sẽ phát triển bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đem lại nhiều lợi ích cho người Việt, cũng như đóng góp cho sự phát triển xã hội của Việt Nam”, Nguyễn Hữu Tuất cho hay.

Đúng như kỳ vọng của CEO FastGo, tròn 6 tháng sau lễ ra mắt, FastGo đã có mặt ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước; đứng thứ 2 về số lượng người dùng trên thị trường và có hơn 40.000 đối tác lái xe đăng ký sử dụng. Cùng với việc đẩy mạnh mạng lưới ở các tỉnh, thành phố trong nước, ứng dụng gọi xe Việt này còn tiên phong tiến quân sang các thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Tại thị trường đầu tiên là Myanmar, FastGo đã liên doanh với Tập đoàn Asia Sun Group để ra mắt dịch vụ.

Nói về lý do chọn thị trường Myanmar để mở màn cuộc chơi “đem chuông đi đánh xứ người” của FastGo, Nguyễn Hữu Tuất cho biết, Myanmar là thị trường rất tiềm năng và có tốc độ phát triển nhanh trong các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch, bán lẻ... Với hơn 60 triệu dân, nhu cầu đi lại, vận chuyển tại nước này dự kiến sẽ tăng trưởng cao. FastGo kỳ vọng sẽ đóng góp và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của Myanmar trong những năm tới.

Nguyễn Hữu Tuất chia sẻ, năm 2019 sẽ là một năm tăng tốc của FastGo. Ứng dụng sẽ có mặt trên toàn quốc và 5 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore và Phillipines. Đồng thời, Công ty sẽ triển khai thêm nhiều dịch vụ mới trong hệ sinh thái mở mà mình đang hướng đến.

Mang lại giá trị cho người Việt

Từ sau khi Uber rút lui, thị trường ứng dụng gọi xe Việt ngày càng cạnh tranh khốc liệt, với những tên tuổi lớn như Grab, Go-jek và hàng loạt ứng dụng gọi xe Việt như Mai Linh Bike, T.Net, Be, Vihago, 123Xe, Xelo… Vụ kiện “lùm xùm” giữa Grab và Vinasun càng làm cho thị trường rối hơn. Trong bối cảnh đó, để FastGo thực hiện được mục tiêu đặt ra quả thực không hề dễ dàng.

Song vị thuyền trưởng của FastGo vẫn rất lạc quan. “Các doanh nghiệp có thể có ý tưởng và mục tiêu giống nhau, nhưng điều làm nên thành công không phải là ý tưởng, mà là cách làm và tầm nhìn”, Nguyễn Hữu Tuất chia sẻ quan điểm.

Tốc độ phát triển mà FastGo đạt được thời gian qua đã phần nào chứng minh quan điểm đó. Đến nay, Fastgo đang áp dụng mức giá tương đối rẻ so với các đối thủ, thậm chí là rẻ hơn 1/3 nếu tính giờ cao điểm. Đặc biệt, Fastgo cũng là ứng dụng duy nhất tại Việt Nam có kèm bảo hiểm Fast Protection với giá trị bồi hoàn 200 triệu đồng trên mỗi chuyến đi.

FastGo ra đời là sự hội tụ của nhiều yếu tố: nền tảng công nghệ và sản phẩm đã được chuẩn bị từ 3 năm trước; thị trường đang mất cân bằng sau khi Uber rút lui và mong mỏi của các đối tác lái xe, khách hàng khi muốn có thêm lựa chọn. “FastGo tự tin vào thành công, vì bên cạnh các yếu tố trên, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ rất lớn về tinh thần từ các khách hàng, doanh nghiệp, giới truyền thông vì mang lại giá trị cho người Việt, thực hiện ý chí và tinh thần dân tộc của người Việt, tiên phong giành lại thị trường trên sân nhà”, Nguyễn Hữu Tuất nói.

Dù vậy, phải thừa nhận rằng, FastGo cũng gặp không ít khó khăn khi muốn giành lại thị phần từ ông lớn Grab. Cùng với đó, việc các hãng taxi truyền thống “không ưa” các ứng dụng gọi xe, dù là ứng dụng Việt cũng là vấn đề đáng suy nghĩ. Song Nguyễn Hữu Tuất khẳng định, FastGo không đối đầu với taxi truyền thống mà đang hợp tác để gia tăng khách hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp taxi truyền thống nâng cấp công nghệ.

Liên quan đến vụ kiện giữa Grab và Vinasun, tháng 11/2018, FastGo đã có công văn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM nhằm cung cấp, làm rõ thông tin về hoạt động của các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải. “Vụ việc đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh vận tải, giúp chúng tôi điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Chúng tôi mong muốn, thông qua sự việc này, các cơ quan quản lý nhà nước có các quyết định và điều chỉnh phù hợp, để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam”, CEO FastGo cho biết.

Theo Nguyễn Hữu Tuất, nếu im lặng “tọa sơn quan hổ đấu”, thì FastGo có thể được hưởng lợi ít nhiều, nhưng tác hại sẽ khó lường trong tương lai khi môi trường kinh doanh và pháp lý không rõ ràng. Việc tranh cãi giữa các bên và dư luận đã làm chậm việc sửa đổi và thông qua Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

“Chúng tôi thấy mình cần có trách nhiệm lên tiếng, với mục đích giúp làm rõ các vấn đề chuyên môn, giúp các chuyên gia và cơ quan làm chính sách có thêm thông tin để hoàn thiện dự thảo nghị định này”, Nguyễn Hữu Tuất nói và cho biết, việc định danh và làm rõ vai trò của các loại hình kinh doanh vận tải và công ty công nghệ, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm hoạt động và phát triển.

Hướng đến một hệ sinh thái mở

Khi có một hành lang pháp lý rõ ràng, FastGo sẽ phát triển mạnh, không chỉ dừng lại việc phát triển ứng dụng xe, mà hướng tới trở thành một hệ sinh thái mở tập trung vào 5 lĩnh vực chính: đi lại, ăn uống, vận chuyển, sức khỏe và tài chính. “Chúng tôi không giấu giếm việc trở thành siêu ứng dụng với những bước đi táo bạo dựa trên hệ sinh thái dịch vụ của NextTech. Chiến lược của chúng tôi là giải quyết từng vấn đề nhỏ của khách hàng, nhưng thực hiện nhanh và phổ cập trên diện rộng”, Nguyễn Hữu Tuất nói.

Hệ sinh thái mở của FastGo giúp các đối tác dịch vụ thứ ba có thể tích hợp và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho cộng đồng người dùng FastGo ngay trên ứng dụng FastGo. Khách hàng sẽ dễ dàng tiếp cận trực tiếp các nhà cung cấp dịch vụ ngay trên một ứng dụng và được phục vụ tận nơi.

Khác với Grab hay GoViet, để mở rộng các dịch vụ, FastGo không đi theo hướng giao đồ ăn trước, mà hướng tới Healthcare (chăm sóc sức khoẻ). FastGo đang tích hợp dịch vụ Healthcare như đặt dịch vụ bác sĩ khám tại nhà và Du lịch khách sạn. Trong tương lai, FastGo sẽ giống như một O2O Mobile Marketplace (ứng dụng di động tích hợp)

Lãnh đạo FastGo cũng nhận định, đây là xu hướng phát triển chung trong thời gian tới, các dịch vụ liên kết với nhau trong một hệ sinh thái người dùng được kết nối. Việc này sẽ giúp tối ưu hoá chi phí phát triển thị trường, các bên tập trung vào chất lượng dịch vụ và trải nghiệm người dùng. Nền tảng này sẽ giúp tạo ra các thay đổi từ cách làm dịch vụ truyền thống sang dịch vụ số.

Lớn lên và làm chủ trên chính quê hương mình

Được biết, anh cũng là thành viên đồng sáng lập của Peacesoft (nay đổi thành NextTech), điều đó giúp gì cho sự phát triển của FastGo?

Đúng vậy. Kinh nghiệm 18 năm làm start-up, điều hành và phát triển nhiều dự án giúp tôi có đội ngũ đồng hành và nền tảng tốt để xây dựng và phát triển FastGo.

Triết lý sống, triết lý kinh doanh của anh là gì?

Sống đơn giản và tự do. Liên tục tạo ra cái mới có giá trị cho xã hội. Làm kinh doanh rất áp lực và rủi ro, những người thành công thường rất biết “nhẫn”.

Hình mẫu lãnh đạo của anh là ai? Anh định hình phong cách lãnh đạo của mình như thế nào?

Tôi không chọn ai làm hình mẫu lãnh đạo, nhưng tôi nghiên cứu nhiều hình mẫu thành công trên thế giới, học tập tinh hoa mỗi người một ít để bổ sung và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Nếu Grab muốn “thâu tóm” FastGo như Uber tại Đông Nam Á, thì anh tính sao?

Uber làm khách tại Đông Nam Á, nên họ đến rồi đi như một lẽ tự nhiên. Còn chúng tôi đang lớn lên và làm chủ trên chính quê hương mình. Chúng tôi muốn tạo ra công nghệ Việt để phục vụ người Việt và hơn thế nữa.

FastGo chính thức ra mắt tại thị trường Myanmar
Sau khi liên tục mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường Việt Nam, FastGo đã liên doanh với Tập đoàn Asia Sun Group để ra mắt dịch vụ FastGo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư