Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
Kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
Doanh nhân Phan Văn Quý: Tạo thêm động lực cho kinh tế biển
Bá Thư - 22/12/2015 08:16
 
Để chương trình phát triển kinh tế biển có hiệu quả, tại Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII, trong bài phát biểu tại Hội trường ngày 2/11/2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Đại biểu Phan Văn Quý (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đã đề xuất “Xây dựng và phát triển các doanh nghiệp đóng tàu quân đội theo mô hình doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Quân đội”. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi thêm với Đại biểu Phan Văn Quý về đề xuất này.

Thưa ông, vì sao ông quan tâm tới các doanh nghiệp đóng tàu quân đội và nhiều lần đề xuất các giải pháp để phát triển các DN này?

Hiện nay, các doanh nghiệp quân đội đa số do Nhà nước sở hữu 100% vốn, mà các doanh nghiệp đóng tàu quân đội không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, đây là một ngành đặc thù, liên quan đến cả vấn đề an ninh biển đảo. Vì vậy, tôi cho rằng, bước đầu cần tăng nguồn lực cho doanh nghiệp đóng tàu quân đội để đáp ứng tình hình thực tế, phục vụ các yếu tố đặc thù của ngành như vừa nêu. Sau đó, cần cổ phần hóa các doanh nghiệp này để huy động nguồn lực theo đúng chủ trương của Nhà nước.

.
Ông Phan Văn Quý , Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương

Ông có thể phân tích rõ hơn thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp quân đội dưới góc nhìn của một Đại biểu Quốc hội, đồng thời là một doanh nhân?

Những năm qua, một số doanh nghiệp quân đội đã thành công với nhiều thương hiệu nổi bật như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Xí nghiệp liên hiệp Ba Son… Trên các lĩnh vực, cùng thời điểm xuất phát, nhưng các doanh nghiệp này lại phát triển ổn định, mạnh  hơn các doanh nghiệp khác.

Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu, Xí nghiệp Ba Son có khả năng sửa chữa được tàu hàng vạn tấn, đóng mới các loại tàu đến hàng ngàn tấn…

Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, MB được đánh giá là ngân hàng có thương hiệu, uy tín trong ngành dịch vụ tài chính; hay Viettel là doanh nghiệp đầu tiên phá thế độc quyền trong ngành Bưu chính - Viễn thông ở Việt Nam, nằm trong tốp 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới.

Như ông vừa nêu, có nhiều doanh nghiệp quân đội làm ăn hiệu quả, vậy tại sao ông lại đề xuất phát triển các doanh nghiệp đóng tàu quân đội theo mô hình doanh nghiệp của MB?

Trong nhiều năm qua, MB được đánh giá là một định chế tài chính hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững. Trao đổi với lãnh đạo MB, tôi được biết, MB đạt kết quả đó là nhờ áp dụng phương thức quản trị điều hành mang “màu sắc áo lính”, với những bước đi chắc chắn, có tổ chức xuyên suốt và tính hệ thống cao; năng động, thích ứng với những biến đổi của thị trường; quản trị rủi ro tốt, xử lý khủng hoảng nhanh trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn.

Ngành ngân hàng - tài chính là ngành có mức rủi ro hơn những ngành khác. Nhưng MB đã chứng tỏ được năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Đó là bằng chứng sống động của việc cổ phần hóa thu hút vốn và kỹ năng quản trị trong doanh nghiệp, kết hợp với phương thức quản trị, kỷ luật quản trị của doanh nghiệp quân đội.

Vì thế, tôi nghĩ, chúng ta có thể tham khảo mô hình quản trị hoạt động của MB để phát triển các doanh nghiệp đóng tàu quân đội khi các doanh nghiệp này cổ phần hóa.

Thưa ông, thực tế là một số doanh nghiệp đóng tàu quân đội phát triển khá tốt như ông vừa nêu ở trên. Vậy có cần thiết đặt vấn đề cổ phần hóa, thu hút thêm nguồn vốn để phát triển các doanh nghiệp này hay không?

Đúng là một số doanh nghiệp đóng tàu quân đội có sự phát triển tốt. Nhưng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là yêu cầu đảm bảo an ninh biển đảo và định hướng phát triển kinh tế biển cho đất nước thì chúng ta cần phải tăng thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng tàu quân đội, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp này theo hướng xã hội hóa, cổ phần hóa.

Khi cổ phần hóa, doanh nghiệp đóng tàu quân đội sẽ mạnh về nguồn vốn và công nghệ, kỹ năng quản trị có tính hệ thống cao, kết hợp với tính kỷ luật chặt chẽ của quân đội để bứt phá hơn nữa.

Ngoài ra, đẩy mạnh được ngành đóng tàu trong nước, chúng ta còn có cơ hội phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ cho ngành này.

Nhìn ra khu vực, chúng ta có thể lấy Công ty ST Engineering thuộc Tập đoàn Temasek của Singapore là một ví dụ. Đây là một công ty đại chúng, có khoảng 35.000 cổ đông, nhà nước chỉ chiếm khoảng 50% vốn. Trong 5 năm gần đây, doanh thu trung bình mỗi năm của đơn vị này khoảng 5 tỷ USD, xếp số một Đông Nam Á về công nghiệp quốc phòng và kinh tế biển.

Tôi hy vọng, trong tương lai không xa, các doanh nghiệp đóng tàu quân đội sẽ đóng vai trò nòng cốt cho nền công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.

Doanh nhân Phan Văn Quý: Từ thương trường tới nghị trường
Theo ông Phan Văn Quý, để mỗi đại biểu nói đúng tiếng nói của ngành mình, cương vị của mình, không gì thuyết phục hơn là đóng góp bằng những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư