Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Động thái mới tại Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết
Anh Minh - 02/11/2024 09:07
 
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết sẽ gắn liền với khả năng chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Công ty cổ phần Rạng Đông.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết.

Rõ dần quy mô đầu tư

Đúng 4 tháng kể từ khi Hội đồng Thẩm định liên ngành có Báo cáo số 4823/BC-BKHĐT về kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT đã có thêm bước tiến triển mới.

Theo đó, tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi các bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin ý kiến về nội dung giải trình, tiếp thu của UBND tỉnh Bình Thuận đối với việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có Tờ trình số 3513/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.

Tại Tờ trình số 3513, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, Dự án có mục tiêu phục vụ hoạt động bay của máy bay hàng không dân dụng cấp 4E, đảm bảo công suất 2 triệu lượt khách/năm đến năm 2030, công suất 3 triệu lượt khách/năm đến năm 2050 và khai thác các chuyến bay nội địa, quốc tế không thường lệ (nếu có) để phục vụ việc đi lại của nhân dân, du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất phân chia Dự án theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I thực hiện đầu tư từ năm 2025 với các hạng mục chính gồm 2 đường lăn nối sân đỗ với đường lăn song song; sân đỗ máy bay hàng không dân dụng có diện tích xây dựng 93.721 m2; nhà ga hành khách có diện tích sử dụng 16.185 m2 với công suất thiết kế 2,5 triệu lượt khách/năm (đảm bảo công suất khai thác 2 triệu lượt khách/năm đến năm 2030 theo quy hoạch)…

Trong giai đoạn II (từ năm 2036), Dự án sẽ đầu tư sân đỗ máy bay hàng không dân dụng với diện tích xây dựng 8.879 m2 để đạt tổng diện tích xây dựng sân đỗ khoảng 102.600 m2; mở rộng diện tích nhà ga khoảng 3.015 m2 để đạt tổng diện tích sử dụng khoảng 19.200 m2 với công suất thiết kế 3 triệu lượt khách/năm; mở rộng diện tích xây dựng khoảng 3.323 m2 để đạt tổng diện tích sân đỗ khoảng 17.000 m2; khu chế biến suất ăn hàng không; khu hangar; khu hàng không chung và các công trình phụ trợ có liên quan khác.

“Quy mô đầu tư như trên nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Tờ trình số 3513 do ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký nêu rõ.

Chốt chi phí cho nhà đầu tư cũ

Được biết, với quy mô đầu tư như trên, Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT có sơ bộ tổng mức đầu tư 5.077,676 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí lãi vay), trong đó giai đoạn I có tổng mức đầu tư 3.798,491 tỷ đồng, giai đoạn II có tổng mức đầu tư 1.279,1 tỷ đồng.

Dự kiến, phần vốn nhà nước tham gia Dự án là 19,955 tỷ đồng (chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thực hiện); vốn nhà đầu tư là 5.057,721 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu tối thiểu là 758,66 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 15%; vốn vay tín dụng tối đa là 4.299,061 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 85%).

Theo tính toán, thời gian triển khai và vận hành, khai thác của Dự án là 47 năm 3 tháng. Trong đó, thời gian chuẩn bị và đầu tư xây dựng công trình là 28 tháng; thời gian vận hành, khai thác và hoàn vốn là 44 năm 11 tháng.

Trước đó, theo Báo cáo số 4823/BC-HĐTĐLN, Ngân hàng Nhà nước - thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia Dự án còn ở mức thấp. Để tăng tính khả thi, hiệu quả của Dự án, UBND tỉnh Bình Thuận cần xem xét tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, đồng thời đánh giá kỹ khả năng đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai Dự án.

Tại Tờ trình số 3513, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã cùng nhà đầu tư cũ là Công ty cổ phần Rạng Đông ký văn bản thống nhất chấm dứt Hợp đồng dự án trước thời hạn. Đồng thời, Công ty cổ phần Rạng Đông cam kết không khiếu nại, khiếu kiện về việc chấm dứt hợp đồng BOT nêu trên trước thời hạn.

Đến nay, các chi phí mà nhà đầu tư đã thực hiện, đã được đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C) kiểm toán xong là 15,1 tỷ đồng.

“Các chi phí này đã được cập nhật vào tổng mức đầu tư Dự án trong hồ sơ điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi và sẽ được cụ thể, chi tiết trong tổng mức đầu tư của hồ sơ điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi, đồng thời sẽ đưa vào hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư về việc nhà đầu tư được lựa chọn sẽ có trách nhiệm hoàn trả các chi phí này cho Công ty cổ phần Rạng Đông”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận thông tin.

Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng

Cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án: Thủ tướng Chính phủ

Cơ quan phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng BOT: UBND tỉnh Bình Thuận

Đơn vị chuẩn bị dự án: Sở GTVT tỉnh Bình Thuận

Bên mời thầu: Sở GTVT Bình Thuận

Hình thức lựa chọn nhà đầu tư: Đấu thầu rộng rãi

Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư: Năm 2025.
Canh cánh tiến độ Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết
Không còn nhiều thời gian để UBND tỉnh Bình Thuận triển khai Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng, tránh bị lệch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư