Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự án BOT Phú Gia - Phước Tượng: Kiểm toán “thổi còi” phương án tài chính
Bảo Như - 02/07/2016 09:06
 
Nhiều sai sót, bất cập trong phương án tài chính được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia (Quốc lộ 1, tỉnh Thừa Thiên Huế) theo hình thức BOT.

Đây là một trong những công trình hầm đường bộ có quy mô lớn nhất trên Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, do Công ty cổ phần Phước Gia - Phú Tượng đầu tư. Nhà đầu tư BOT này được hình thành từ tổ hợp 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH BOT Hưng Phát - Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Hà Thành - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Thành.

Theo phê duyệt của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Dự án có tổng mức đầu tư 1.743 tỷ đồng, có mục tiêu xây dựng hầm Phước Tượng dài 357 m và hầm đường bộ Phú Gia dài 447 m, quy mô 2 làn xe cơ giới, rộng 11,5 m với hệ thống đường dẫn vào hầm dài khoảng 6,8 km.

.
.

Theo Thông báo của Kiểm toán Nhà nước, “sạn” đầu tiên tại Dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng liên quan đến việc chấp hành chế độ quản lý tài chính, kế toán. Cụ thể, Dự án khởi công từ tháng 5/2013, nhưng đến thời điểm tháng 4/2014, nhà đầu tư Hưng Phát mới huy động được 36,8 tỷ đồng (đạt 32% vốn chủ sở hữu), cùng thời điểm đó, nhà đầu tư cũng chưa thu xếp được hợp đồng tín dụng tài trợ vốn, vi phạm Điều 14, Mục 6, Hợp đồng BOT ký kết với Bộ GTVT.

Điều đáng nói là, cho đến ngày 31/12/2015, khi công trình đã được đưa vào khai thác, vốn huy động thực hiện Dự án chỉ đạt 77,6%; vốn chủ sở hữu đạt 71%. Việc huy động vốn chậm trễ, dây dưa của Công ty cổ phần BOT Phú Gia - Phước Tượng đã dẫn đến nợ chi phí xây dựng đối với các nhà thầu.

Kiểm toán Nhà nước ghi nhận phương pháp tính doanh thu của đơn vị tư vấn lập chưa tuân thủ với quy định của quyết định phê duyệt Dự án. Mặt khác, thời điểm xác định doanh thu cũng còn bất cập khi số liệu tính toán năm 2013 được nội suy từ số liệu đếm xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam năm 2009; số doanh thu được xác định tại phương án tài chính chưa phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, lãi suất vốn vay trong thời gian vận hành tại Dự án trên thực tế được nhập gốc hàng tháng là chưa thống nhất với phương án tài chính được phê duyệt ban đầu (nhập gốc hàng năm). Theo phương án tài chính, từ năm 2015 đến năm 2029, doanh thu hoàn vốn không đủ chi trả lãi phát sinh hàng năm, dẫn đến phải cộng dồn vào nợ gốc, làm tăng chi phí lãi vay phải trả cho ngân hàng lên tới 420,6 tỷ đồng.

“Do các tồn tại về xác định doanh thu, lãi vay trong thời gian vận hành nêu trên, khiến cho việc xác định thời gian hoàn vốn cho Dự án (18 năm 7 tháng) là chưa chính xác”, ông Hoàng Hồng Lạc, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, cũng do doanh thu xác định tại phương án tài chính có nhiều sai lệch (thấp hơn nhiều so với thực tế) và với điều khoản điều chỉnh doanh thu theo cam kết hợp đồng, dẫn đến việc nhà đầu tư được hưởng chênh lệch doanh thu thực tế lớn hơn nhiều so với doanh thu tại phương án tài chính đã được chốt trong hợp đồng BOT.

“Trách nhiệm này thuộc về Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT trong việc lập phương án và Ban quản lý dự án 4 trong việc thẩm định phương án. Phần tồn tại về lãi vay thuộc trách nhiệm của Công ty cổ phần BOT Phú Gia - Phước Tượng”, Kiểm toán Nhà nước kết luận.

Để tránh xảy ra nguy cơ thất thoát, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT tiến hành điều chỉnh kịp thời các tồn tại này trước khi cho phép nhà đầu tư tiến hành thu phí.

Công ty cổ phần BOT Phú Gia - Phước Tượng cũng được yêu cầu giảm thanh toán 11,1 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng 21,5 tỷ đồng, đồng thời phải thực hiện nghiêm túc cam kết góp vốn chủ sở hữu, kịp thời trả nợ cho các đơn vị thi công.

Cấp tín dụng xây dựng hầm Phước Tượng - Phú Gia
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư