Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành: “Vỡ trận” nếu không nới tiến độ
Bảo Như - 04/04/2019 15:21
 
Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trị giá hơn 1.607 triệu USD sẽ chỉ có thể về đích vào tháng 6/2021, thay vì quý II/2019 như kế hoạch ban đầu.
Gói thầu xây dựng cầu dây văng Bình Khánh sử dụng vốn vay của JICA. Ảnh: A.M
Gói thầu xây dựng cầu dây văng Bình Khánh sử dụng vốn vay của JICA. Ảnh: A.M

Lụt sâu tiến độ

Cho đến thời điểm này, việc hoàn thành Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào quý II/2019 thực sự là mục tiêu bất khả thi đối với chủ đầu tư công trình là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

“Tiến độ triển khai 9/11 gói thầu xây lắp của Dự án bị lụt khá sâu so với mốc tiến độ đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) điều chỉnh hồi cuối tháng 12/2014 là quý II/2019”, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được chia làm 3 phân đoạn, trong đó, đoạn phía Tây (Km0+600 – Km21+939,5) gồm các gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4 sử dụng vốn vay ADB - Hiệp định 1 với giá trị khoản vay là 350 triệu USD; đoạn phía Đông (Km32+450 - Km57+700) gồm các gói thầu A5, A6, A7 sử dụng vốn vay ADB - Hiệp định 2 với giá trị khoản vay 286 triệu USD; đoạn giữa tuyến (Km21+739 - Km32+450) sử dụng vốn vay của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), với giá trị khoảng 635 triệu USD cho 3 gói thầu xây dựng cầu là J1, J2, J3.

Đến đầu tháng 3/2019, gần 4 năm kể từ khi Dự án khởi công gói thầu đầu tiên, tại đoạn phía Tây, ngoại trừ gói thầu A3 đã cơ bản hoàn thành, sản lượng các gói thầu còn lại đang chậm so với kế hoạch đã được điều chỉnh từ 14,5 - 37%, trong khi về nguyên tắc, các gói thầu này phải kết thúc vào ngày 31/12/2018.

Đại diện VEC thừa nhận, đoạn phía Tây chỉ có thể hoàn thành toàn bộ vào giữa tháng 3/2020, trong khi đó, Hiệp định vay ADB lần 1 sẽ đóng ngày 30/6/2019, nên nếu không được nhà tài trợ nới thời gian hiệp định, thì các gói thầu đoạn phía Tây sẽ rơi vào tình trạng hết vốn giữa chừng.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có mục tiêu đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 58 km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Long An, Đồng Nai, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, góp phần từng bước hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.

Điều đáng nói là, nguy cơ đáng lo ngại này còn lặp lại trên phân đoạn phía Đông. Cụ thể, các gói thầu A5, A6, A7 đều sẽ vượt quá 5,5 - 6 tháng so với thời điểm đóng Hiệp định 2 (ngày 30/6/2020).

Ở khúc giữa, 2/3 gói thầu phân đoạn vay vốn JICA cũng bị chậm tiến độ giá trị hợp đồng do Bộ GTVT, VEC đang thực hiện việc điều chỉnh thiết kế nhịp chính cầu dây văng Bình Khánh (J1), Phước Khánh (J3), nên công trường đã cơ bản dừng thi công từ tháng 6/2018, chỉ triển khai các hạng mục đường dẫn, phụ trợ. Dự kiến các gói thầu J1, J3 chỉ có thể triển khai thi công trở lại vào đầu tháng 10/2019 và tháng 6/2019.

Căn cứ thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp tại hợp đồng gốc, các gói thầu J1, J3 dự kiến hoàn thành thi công xây lắp tương ứng vào tháng 6/2021 và tháng 10/2020.

“Điều may mắn là tiến độ điều chỉnh của các gói thầu vẫn nằm trong thời gian thực hiện của Hiệp định vay JICA lần 2 VN14-P3 (đóng ngày 17/7/2024)”, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC cho biết.

Nguy cơ vỡ dự án

Ngoài những lý do khách quan như vướng giải phóng mặt bằng; tình hình thời tiết khu vực diễn biết bất lợi; xuất hiện nhiều vị trí phải xử lý nền đất yếu cần nhiều thời gian thi công xử lý…, thì việc Bộ Tài chính mất khá nhiều thời gian để thẩm định phương án tài chính Dự án Bến Lức - Long Thành, năng lực tài chính của VEC cũng đã khiến tiến độ triển khai phân đoạn phía Đông trễ khá sâu so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, giá trúng thầu của các gói đoạn phía Tây, phía Đông đều thấp hơn giá trị dự toán được duyệt (30 - 40%), trong khi thời gian thi công kéo dài, nên có nhiều rủi ro, biến động về trượt giá.

Cuối tháng 3/2019, trong Công văn số 2578/BGTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đã đề nghị hai cơ quan này xem xét thực hiện các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến tháng 6/2021; đồng thời gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân các hiệp định vay vốn ADB (số 2730-VIE ngày 5/5/2011 và 3391-VIE ngày 9/1/2017) đến ngày 14/12/2020.

Theo ông Tám, nhiều nhà thầu tại Dự án đang rất khó khăn trong việc thanh toán; nhiều khối lượng đã thực hiện, nhưng không được trả tiền, nên không đủ nguồn lực để triển khai các công việc tiếp theo.

“Đây là lý do dẫn tới việc các chỉ đạo của chủ đầu tư không có hiệu quả với các nhà thầu”, ông Tám thừa nhận.

Ông Tám cũng cho biết, tại Biên bản ghi nhớ ngày 12/12/2018, ADB cho biết, cần khoảng thời gian tối thiểu 3 tháng để thực hiện các thủ tục nội bộ đối với việc gia hạn thời gian thực hiện các hiệp định vay và không thể thực hiện hồi tố các thủ tục nếu nhận được đề xuất quá chậm trễ, sau ngày đóng khoản vay.

“Nếu các cơ quan chức năng không sớm đàm phán gia hạn hiệp định với ADB, thì nguy cơ đổ vỡ Dự án Xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra”, lãnh đạo VEC quan ngại.

Trao gói thầu hơn 1.000 tỷ đồng tại cao tốc Bến Lức - Long Thành
Sáng 1/12, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã trao gói thầu xây lắp A4 (Km18+713,5 – Km21+739,5) Dự án xây dựng đường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư