Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự án đường ven biển Quảng Ninh - Nghệ An: Đề xuất chuyển từ PPP sang đầu tư công một số đoạn tuyến
Kỳ Thành - 22/10/2018 17:55
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một số địa phương gặp vướng mắc khi triển khai và thu hút nhà đầu tư nếu tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP đối với dự án tuyến đường ven biển Quảng Ninh - Nghệ An.

Chiều 22/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khoản vốn 10.000 tỷ đồng không sử dụng để bố trí cho dự án Chống ngập TP. Hồ Chí Minh do đây là số vốn đã được dự kiến trong cân đối phân bổ vốn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn của quốc gia.

Bộ trưởng Dũng đề nghị ưu tiên sử dụng khoản vốn trên để thực hiện thanh toán các khoản nợ đến hạn, quá hạn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, thanh toán các khoản nợ đến hạn của dự án đầu tư theo hình thức BT theo đúng các quy định hiện hành và cam kết hợp đồng; bố trí vốn để thực hiện một số dự án quan trọng, cấp bách, trong đó ưu tiên các dự án khắc phục hậu quả thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, các dự án cấp bách thuộc hệ thống tư pháp, các dự án đã có ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quốc hội)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quốc hội)

Về các dự án thuộc tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đầu tư theo hình thức PPP, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thuộc quy hoạch tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số đoạn tuyến.

Bộ trưởng Dũng cho biết, nguyên nhân là do một số địa phương gặp vướng mắc khi triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 và khó khăn thu hút nhà đầu tư nếu tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP.

“Nhằm hoàn thành toàn bộ tuyến đường, mở ra không gian phát triển, tạo sức lan tỏa và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, Chính phủ kiến nghị sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn để bổ sung, hỗ trợ, kết hợp với nguồn vốn hợp pháp khác của các địa phương liên quan thực hiện”, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Về việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ hợp tác xã, trên cơ sở báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về đánh giá tình hình và phương hướng hoạt động của Quỹ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã 350 tỷ đồng.

Cũng trong phần trình bày của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về nguồn vốn Ngân sách Trung ương, do tốc độ tăng năm sau so với năm trước thấp nên đã dẫn tới hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm 2019, 2020 của Kế hoạch đầu tư trung hạn còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hằng năm. Để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội trong 2 năm còn lại, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách trung ương khoảng 237.000 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn nước ngoài nguồn NSTW giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 360.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 60.000 tỷ đồng so với hạn mức 300.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh theo hướng, cho phép bổ sung các dự án cấp bách sử dụng vốn nước ngoài vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cho phép trong quá trình điều hành kế hoạch hằng năm, sẽ kết hợp hài hòa, điều chuyển lẫn nhau giữa nguồn vốn ODA và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhằm vừa đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án, vừa đảm bảo không vượt hạn mức 2 triệu tỷ đồng tổng mức đầu tư công của cả giai đoạn, đảm bảo chỉ tiêu nợ công và bội chi đã được Quốc hội thông qua.

Trình bày Báo cáo Thẩm tra việc đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, qua 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 26/2016/QH14, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Cụ thể, theo ông Thanh, lần đầu tiên có bước đổi mới mang tính đột phá trong việc thay đổi căn bản phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia dành cho đầu tư phát triển, chuyển từ cơ chế quản lý theo kế hoạch đầu tư hằng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hằng năm; kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được tăng cường, cân đối tài chính vĩ mô được giữ vững. 

Mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đã đạt được kết quả bước đầu khá tích cực, tỷ trọng đầu tư công giảm xuống mức 34,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội, ông Thanh cho hay.

Về phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, Quốc hội đánh giá, xét trên tổng thể, việc phân bổ vốn đầu tư công về cơ bản đã tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức trong phân bổ, góp phần khắc phục dần tình trạng bị động, đầu tư cắt khúc như trước đây.

Căng thẳng giải ngân vốn đầu tư công giao thông
Áp lực giải ngân vốn đang đè nặng lên các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), khi khối lượng vốn đầu tư công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư