Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án khu tượng đài Bác Hồ 1.400 tỷ: Không sai, nhưng không nên
Xuân Thu (GTVT) - 10/08/2015 08:39
 
Về mong muốn và pháp lý, họ không sai. Nhưng là một lãnh đạo được dân bầu ra, họ không nên làm như vậy.
TIN LIÊN QUAN
13

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói về dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ gắn với quảng trường của Sơn La cũng như “phong trào” xây dựng trung tâm hành chính hoành tráng tại nhiều địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận xét thẳng thắn như vậy khi trả lời phỏng vấn về dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ gắn với quảng trường của Sơn La cũng như “phong trào” xây dựng trung tâm hành chính hoành tráng tại nhiều địa phương.

Quảng trường nghìn tỷ, mỗi năm sử dụng 1-2 lần

Ông nhận xét thế nào về dự án quảng trường, tượng đài Bác Hồ, bảo tàng tổng hợp... với tổng mức đầu tư khái toán 1.400 tỷ đồng - gần bằng với mức thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2015 của cả tỉnh này?

Việc lập Quy hoạch phát triển là nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào cho quy hoạch đó góp phần cho sử dụng nguồn vốn, quỹ đất của địa phương hiệu quả nhất, để người dân có thể hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất?

Người ta mong muốn xây dựng một quảng trường, công viên, tượng đài… không sai. Nhưng việc bỏ ra 1.400 tỷ đồng, trong đó có hạng mục quảng trường với sức chứa hai vạn người mà mỗi năm chỉ sử dụng 1- 2 lần, ở điều kiện đất nước còn nghèo, bản thân địa phương đang phải sống dựa vào kinh phí của T.Ư, là điều đáng nói.

Chúng ta phải nói với nhau rằng, kinh phí của T.Ư là nguồn thuế của hàng triệu người dân ở các vùng khác. Tỉnh là một bộ phận cấu thành của nước Việt Nam. Tài sản, doanh số, lợi nhuận anh đạt được là vì cả nước tập trung vào một địa phương, để tận dụng khả năng cạnh tranh của địa phương đấy, biến lợi thế cạnh tranh địa phương thành cạnh tranh quốc gia…

Cho nên, về mong muốn cũng như về mặt pháp lý, họ làm không sai. Nhưng với tư cách là một người lãnh đạo được dân bầu ra, họ không nên làm như vậy.

14
Sơn La là tỉnh có nhiều huyện nghèo với hạ tầng giao thông yếu kém - Ảnh: Hồng Hà

Có cần trụ sở hoành tráng mới quản lý tốt?

Không chỉ Sơn La, thời gian qua, hàng loạt tỉnh, TP đã bỏ tiền hoặc họp bàn, thông qua đề án xây dựng trung tâm hành chính của địa phương với tổng giá trị vài ngàn tỷ đồng, như Bình Dương 1.400 tỷ; Đà Nẵng 1.900 tỷ; Lâm Đồng 1.074 tỷ; Đồng Nai 2.200 tỷ; Hải Dương 2.000 tỷ, đặc biệt Khánh Hòa lên tới 5.500 tỷ đồng... Đặt trong điều kiện ngân sách eo hẹp, bội chi vẫn tăng, nợ công cao…, ông có thể cho biết góc nhìn của mình về “phong trào” này?

Việc xây dựng trung tâm hành chính, hầu hết các địa phương không lấy từ ngân sách, mà từ tiền quỹ đất, từ tiền chuyển đổi bán trụ sở cũ nên có người nói họ không xin kinh phí từ T.Ư. Tôi nghĩ rằng khi nói thế chắc họ chưa có điều kiện nghiên cứu hết Luật NSNN và Luật Đầu tư công…

Cũng liên quan đến công tác quy hoạch tượng đài Bác Hồ, ông Kiên nêu quan điểm, 14 điểm địa phương được phê duyệt ưu tiên xây dựng, tu bổ tượng đài đều gắn với hoạt động của Bác Hồ cũng như quá trình phát triển của đất nước. Nhưng từ quy hoạch tới triển khai cần có thời gian. Đồng thời, chúng ta thiết kế tượng đài Bác phải đảm bảo tính dân tộc, hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế, phát triển khoa học công nghệ và diễn tả được tình cảm của Bác với đồng bào địa phương, cũng như tình cảm của địa phương đó với Bác. Tượng đài Bác không nhất thiết phải có quảng trường hay khu hành chính phía sau. “Chúng ta phải tách bạch, không thể quy hoạch xây dựng tượng đài Bác có 200 tỷ đồng thôi, song lại đưa thêm quảng trường, bảo tàng tổng hợp… lên tới 1.400 tỷ đồng”, ông Kiên nói.

Trở lại ví dụ tại Sơn La, dự án dự kiến năm 2019 mới khánh thành nhân dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc. Như vậy, tổng giá trị dự án (khái toán) 1.400 tỷ chia cho 5 năm thì mỗi năm đầu tư vào đó 280 tỷ đồng. Khoản vốn này, địa phương sẽ cân đối từ nguồn vượt thu, xổ số kiến thiết, quỹ đất, tiền sử dụng đất… Theo đó, về mặt kỷ luật ngân sách, các địa phương làm không sai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, có thực sự cần một trụ sở hoành tráng thì mới làm tốt công tác quản lý Nhà nước ở địa phương đó hay không; Hay phải làm các khu to lớn như thế mới là gần dân?

Đặt trong bối cảnh nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, đặc biệt với nhiều tỉnh vẫn còn phải trợ cấp từ ngân sách T.Ư, tại sao chúng ta không dồn các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế hoặc thực hiện các chính sách an sinh xã hội để người dân được hưởng trực tiếp từ những thành quả của Đảng, Chính phủ?

Dù là nguồn kinh phí T.Ư, địa phương hay xã hội hóa, xét đến cùng đều là tiền của dân, thưa ông?

Đúng vậy. Tiền để xây dựng trên địa bàn được T.Ư hỗ trợ là được điều tiết từ thuế Thu nhập cá nhân, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Tài nguyên… của các địa phương trên cả nước. Có thể tiền làm con đường trên Sơn La là tiền của mẹ tôi, của bố tôi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, sau đó nộp thuế. Ngay cả khi Sơn La có khả năng tự cân đối được đi chăng nữa, sao không đầu tư làm một bệnh viện, trường học nào đó để trực tiếp phục vụ người dân?

Cho nên, tôi xin nhấn mạnh lại, việc xây dựng trung tâm hành chính hoành tráng, về luật không sai, kỷ luật tài khóa cũng không vi phạm, nhưng về mặt tư cách, đạo đức người đảng viên thì người đứng đầu các địa phương phải xem xét, trả lời.

Không thể mượn quy hoạch mà bỏ qua thời điểm

Những người đưa ra quyết định đó, phải chăng chưa xuất phát từ lợi ích của người dân?

Nói thế cũng chưa hẳn đúng. Ông Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, khi quyết định xây quảng trường, không phải để hằng ngày ông ấy ra đó tập khí công, Yoga hay hát múa. Khi mít tinh, ông ấy đứng trên, mọi người đứng dưới. Ai bảo là một cuộc mít tinh không thiết thực?

Nhưng với một tỉnh có 5/62 huyện nghèo nhất cả nước với 69 nghìn hộ nghèo, gần 150 nghìn nhân khẩu thiếu đói… như Sơn La, cơm ăn, nước uống hàng ngày và những nhu cầu thiết thực khác như giáo dục, y tế hẳn phải cần hơn?

Với một gia đình đang bị đói, chúng ta nên tặng họ 10 kg gạo hay tặng mỗi người trong gia đình một bộ quần áo mới? Đặt trong điều kiện kinh tế, xã hội của Sơn La, so với những việc cần làm ngay, việc xây dựng một quảng trường, hay trung tâm hành chính hiện đại, mang ý nghĩa tầm vóc, chưa phải là cấp bách của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.

Trong quá trình phát triển của tỉnh, còn nhiều tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện của Sơn La chất lượng rất xấu, sao họ không nghĩ sử dụng nguồn tiền đó phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng ngay các con đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà cứ phải khởi công ngay khu hành chính, quảng trường…Quy hoạch đi trước là đúng, nhưng mượn quy hoạch để bỏ qua tính thời điểm, để làm ngay mà chưa tính đến có cấp bách hay không là cần xem xét.

Theo ông, qua câu chuyện của Sơn La, có cần rà soát lại hàng loạt dự án trung tâm hành chính tại nhiều tỉnh, TP? Trách nhiệm quy hoạch, đầu tư của các địa phương cần được xem xét ra sao?

Hơn ai hết, tổ chức Đảng ở địa phương phải chịu trách nhiệm về câu chuyện quy hoạch và triển khai dự án nhiều tỷ này. Và những vấn đề này phải đưa vào thảo luận tại Đại hội Đảng bộ Sơn La tới đây, làm bài học cho Đảng bộ khi xây dựng kế hoạch phát triển phải đặt người dân là chủ thể, người được hưởng lợi từ thành quả của địa phương cũng như cả nước.

Đồng thời, ở tầm vĩ mô, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 cũng phải đưa vấn đề đầu tư hiệu quả, giảm hệ số sử dụng vốn (Icor) để người dân hưởng lợi ích thực từ đầu tư, từ ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng lãng phí, lợi ích nhóm trong đầu tư công. Đại hội định hướng cho thời gian 5 năm nên cần bàn những việc cụ thể, thiết thực để người dân, đảng viên thường cũng có thể theo dõi và đánh giá các thành quả đạt được trong nhiệm kỳ đại hội. 

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư