Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Gia tăng người trẻ mắc bệnh Parkinson
D.Ngân - 24/04/2022 08:59
 
Theo chuyên gia, hiện số người trẻ, trên 35 tuổi có dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson chiếm gần 10%.

Thống kê chưa đầy đủ hiện trên thế giới có khoảng 6,5 triệu người mắc bệnh Parkinson. Bệnh thường xảy ra ở nam nhiều hơn so với nữ, bệnh khởi phát lúc 60 tuổi, và thường có những dấu hiệu sớm ở 50 tuổi. 

Bác sĩ Trần Đình Văn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang hướng dẫn bệnh nhân Parkinson tập luyện.

Bệnh Parkinson không phải gây nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì nhưng lại làm trở ngại lớn cho công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nhiều người bệnh sau một thời gian dài mắc bệnh sẽ có những dấu hiệu trầm cảm do ngại tiếp xúc xã hội. 

Tại Việt Nam, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có khoảng 1% dân số trên 60 tuổi mắc Parkinson.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh Parkinson ngày càng gia tăng, thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, làm ảnh hưởng nặng nề tới chức năng vận động của người bệnh. 

Ngoài ra, một vấn đề mới xuất hiện hiện nay là số người trẻ, trên 35 tuổi có dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson chiếm gần 10%. 

Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng tăng trương lực cơ (cứng cơ), run, không điều khiển được tay chân theo ý muốn, chậm vận động, đi lại khó khăn, mất các phản xạ tư thế…

Về nguyên nhân của tình trạng bệnh, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Huyền, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, việc gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh này được cho là việc già hóa dân số. 

Tiếp theo đó, sự ảnh hưởng của phát triển kinh tế, đặc biệt tình trạng công nghiệp hóa như sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất màu vẽ, các kim loại nặng trong nước uống hoặc trong các chất dùng hàng ngày cũng là yếu tố gây tăng nguy cơ bị Parkinson. 

Nêu ra các biểu hiện của bệnh, theo bác sĩ Huyền, bệnh nhân có thể gặp tình trạng táo bón, hạ huyết áp, rối loạn chức năng tiết niệu sinh dục từ 20 năm trước. 

Một số triệu chứng khác như là giảm khứu giác, ngửi kém hơn hoặc rối loạn giấc ngủ, khó ngủ hoặc có những hành vi bất thường trong lúc ngủ có thể xuất hiện trước đó 10 năm. 

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, việc điều trị cho người bệnh Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Ở những giai đoạn đầu, thuốc thường đem lại hiệu quả ấn tượng. 

Tuy nhiên, ở những giai đoạn sau, khả năng đáp ứng với thuốc ngày càng kém dần, người bệnh có xu hướng phải tăng liều điều trị và đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều biến chứng do thuốc.

Do vậy, với người bệnh Parkinson, vận động là cách tốt nhất để chữa bệnh, đặc biệt là vận động cùng với âm nhạc. Hoạt động cơ thể có tác dụng giúp bộ não sử dụng dopamine một cách hiệu quả, cải thiện chức năng vận động của hệ cơ xương và giảm run giật.

Khi phát hiện bệnh, người bệnh phải gặp bác sĩ chuyên ngành nội thần kinh để sử dụng các biện pháp bằng thuốc hoặc điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa. 

Một phương pháp có vai trò quan trọng đó chính là phục hồi chức năng nhằm ngăn chặn sự tiến triển về vận động của bệnh nhân. 

Có nhiều phương pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân để cải thiện chức năng hô hấp như các bài tập thở, kích thích thần kinh cơ. 

Ngoài ra, để duy trì gia tăng kiểm soát các tư thế, bệnh nhân nên tập các bài tập cổ-tay giúp làm giảm cứng cơ hoặc kéo dãn các nhóm cơ để duy trì các cấp vận động của các khớp. 

Một số tiến bộ cập nhật trong giai đoạn hiện nay trong chẩn đoán lâm sàng là nghiên cứu chuyển động ngón tay khi đánh máy, test sàng lọc khứu giác, hoặc phân tích đặc điểm bước chân bị dính vào nhau. 

Cũng theo bác sĩ Bình, hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu một số phương pháp tiến bộ như như chụp dấu ấn sinh học lấy từ máu từ nước tiểu, DNA của bệnh nhân, dịch não tủy. 

Để hạn chế những tác động xấu do bệnh gây ra các chuyên gia khuyến cáo người thân trong gia đình cần phải quan tâm đến sức khỏe của bệnh nhân, để ý xem có triệu chứng khác lạ so với bình thường hay không. 

Các triệu chứng cần để ý là run khởi phát ở một bên, bệnh nhân khó vận động hoặc chỉ kém vận động kém linh hoạt hơn như tay chân vụng về, mất ngửi, khó ngủ, rối loạn hành vi giấc ngủ, quẫy đạp tay chân. 

Bệnh nhân có thể giọng nói yếu ớt, táo bón, nét mặt của bệnh nhân thay đổi biểu cảm kém hơn, tần số nháy mắt giảm, dáng người khom lưng.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tổ chức Giải chạy gây quỹ Vì một niềm tin về hạnh phúc
Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mỗi bước chạy của cộng đồng như một viên gạch dựng xây cơ hội cho các cặp vợ chồng khó khăn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư