Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giải pháp nào để SCIC trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ?
Như Loan - 16/12/2021 17:26
 
Dựa trên các lợi thế đang có, SCIC đã gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng về giải pháp để trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ.
Năm 2021, SCIC đầu tư mạnh vào Vietnam Airlines, hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu tại doanh nghiệp
Năm 2021, SCIC đầu tư mạnh vào Vietnam Airlines, hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu tại doanh nghiệp

Theo nhận định, việc trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ sẽ giúp SCIC có cơ chế thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư vào doanh nghiệp nhằm 2 mục tiêu sinh lợi vốn Nhà nước và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, nhất là bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay.

SCIC hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ

Năm 2005, khi SCIC “chào đời” với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, nhiều quan điểm nghi ngại về hiệu quả của mô hình doanh nghiệp này. Nhưng sau 15 năm, hiệu quả hoạt động của SCIC đã khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương thành lập một tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, hoạt động dưới mô hình Tổng công ty Nhà nước. Hoạt động đầu tư của SCIC triển khai từng bước, theo hướng thận trọng, gắn với thị trường, đảm bảo định hướng của Chính phủ, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Luỹ kế từ khi thành lập đến nay, tổng lợi nhuận sau thuế của SCIC đạt 69.090 tỷ đồng. So với thời điểm thành lập, doanh thu tăng gấp 54,6 lần; Vốn chủ sở hữu SCIC tăng gấp 16,2 lần; Tổng tài sản tăng gấp 12,2 lần; Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 55,62 lần. Số tiền SCIC nộp ngân sách Nhà nước tăng 869,12 lần.

Tuy nhiên, song song với kết quả đã đạt được, hoạt động của SCIC còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi cộm là vướng mắc về cơ chế, khuôn khổ quy định. Đặc biệt, quyền chủ động trong triển khai hoạt động kinh doanh của SCIC còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế phù hợp để đánh giá hiệu quả bảo toàn và phát triển vốn đầu tư tính trên toàn bộ danh mục vốn đầu tư của SCIC.

Trong khi đó, giai đoạn 2021-2030, một trong những mục tiêu của SCIC là trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ; chuyển đổi mô hình hoạt động, hướng tới trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ. Trong giai đoạn này, SCIC tập trung thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, đầu tư vào ngành, lĩnh vực then chốt có tính chất lan tỏa trong nền kinh tế và ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối để thực hiện vai trò chủ đạo.

Đánh giá về dự thảo Chiến lược phát triển SCIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị SCIC đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước ngay trong giai đoạn 2021-2025 để tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Từ đó hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, hướng tới trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ. Cùng đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị SCIC sớm chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ, chậm nhất đến năm 2026 phải hoàn thành.

Đề xuất giải pháp chuyển đổi SCIC thành Quỹ đầu tư Chính phủ

Sau 15 năm hoạt động, với quy mô, nguồn lực và kinh nghiệm đã tích lũy, SCIC đang có những điểm tương đồng nhất định với Quỹ đầu tư Chính phủ. Đây là điều kiện thuận lợi của SCIC trong việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình này.

SCIC chủ trương tập trung các nguồn lực để tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, phấn đấu trở thành công cụ đắc lực để Chính phủ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm đòi hỏi phải có sự tham gia của Nhà nước. Khi tham gia đầu tư, SCIC sẽ đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế về hệ thống pháp lý cho hoạt động của các Quỹ đầu tư Chính phủ; phân tích, đánh giá hệ thống văn bản pháp lý hiện hành cho hoạt động của doanh nghiệp Nhà nướcnói chung và SCIC nói riêng; SCIC kiến nghị cơ quan chức năng ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động đặc thù của SCIC theo mô hình Quỹ đầu tư chính phủ theo thông lệ quốc tế, trong đó, SCIC có thể là đầu mối để thực hiện các khoản đầu tư của Nhà nước cho doanh nghiệpNN.

Về nguồn lực tài chính, để đảm bảo quy mô hoạt động của một Quỹ đầu tư Chính phủ, SCIC kiến nghị nguồn vốn hoạt động có thể được hình thành từ các nguồn: Lợi nhuận sau thuế của SCIC giữ lại (hiện đang nộp NSNN theo Luật 69/2014/QH13); Thu từ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (hiện đang nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp); Vốn huy động và các nguồn vốn khác.

Cùng với đó, SCIC sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyển đổi từ hoạt động quản trị doanh nghiệp sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn (đào tạo chứng chỉ quản lý quỹ, CFA, CPA...); xây dựng cơ chế tiền lương để thu hút chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư...

Việc phát triển SCIC theo hướng trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ phù hợp với định hướng của Đảng về củng cố, phát triển các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Đây cũng là giải pháp thiết thực trong việc tăng cường quy mô và chất lượng danh mục tài sản của Nhà nước do SCIC đại diện chủ sở hữu. Đồng thời, bổ sung nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước, góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Lợi nhuận của SCIC dự kiến giảm mạnh trong năm 2021
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển năm 2021 của Tổng công ty đầu tư và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư