Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giãn cách xã hội phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch tại các địa phương
D.Ngân - 18/05/2021 08:50
 
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, giãn cách xã hội phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch tại các địa phương.

Liên quan tới ý kiến cho rằng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần tính tới phương án giãn cách xã hội diện rộng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, căn cứ vào tình hình thực tiễn, căn cứ vào mức độ dịch bệnh của từng địa phương mà lãnh đạo địa phương sẽ quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 trên từng địa bàn. Tuy nhiên, nếu giãn cách xã hội cả một tỉnh thì địa phương phải có báo cáo Chính phủ.

Giãn cách xã hội cần hợp lý để làm sao chúng ta phòng chống được dịch bệnh, nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của người dân.

Về giãn cách xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế lấy ví dụ thực tiễn từ Bắc Giang, tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 4 huyện và phong toả khu vực xã Quang Châu để kiểm soát tốt tình hình dịch tại đó.

Theo đó, giãn cách xã hội phải  hợp lý để làm sao chúng ta phòng chống được dịch bệnh, nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của người dân. “Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đánh giá được tình hình dịch bệnh tại địa phương đó”, người đứng đầu ngành Y tế nêu.

Với khâu quan trọng tạo nên thành công của công tác chống dịch là xét nghiệm, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành đã thay đổi cơ bản chiến lược xét nghiệm là xét nghiệm trên diện rộng, tầm soát trên diện rộng được thực hiện bởi cơ quan y tế cũng như tại các cơ quan, đơn vị.

Theo đó, trước đây, chúng ta chỉ sử dụng một loại sinh phẩm là RT-PCR, nhưng hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép và cho phép sử dụng sinh phẩm kháng nguyên nhanh. Đối với sinh phẩm kháng nguyên nhanh, các đơn vị có thể tự xét nghiệm ngay tại chỗ.

Chẳng hạn, đối với các nhà máy có thể sử dụng kháng nguyên nhanh để xét nghiệm cho công nhân làm viêc tại đó; hoặc các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí hoặc những nơi hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiếp xúc cũng có thể tự thực hiện xét nghiệm.

Bộ Y tế đã khuyến khích các đơn vị sản xuất trong nước tiếp tục tăng công suất sản xuất sinh phẩm xét nghiệm; đồng thời cũng tăng cường nhập khẩu để đảm bảo đủ cho mở rộng xét nghiệm.

Ngành Y tế sẽ tiếp tục hài hoà giữa xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể để đánh giá tình hình dịch cũng như về sau này đưa ra các hướng dẫn về cách ly y tế, cách ly tập trung với một số đối tượng là chuyên gia hay người nhập cảnh vào Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm vắc-xin.

Ngoài xét nghiệm, vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài để phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh nỗ lực sản xuất trong nước, Việt Nam tiếp tục tìm cách nhập khẩu để có vắc-xin sớm nhất triển khai tiêm chủng cho toàn dân.

Từ ngày 8/3/2021, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 9.79.238 liều vaccine được tiêm cho các đối tượng, theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế.

Tối 16/5, thêm 1.682.400 liều vắc-xin do COVAX Facility tài trợ cho Việt Nam đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội để bảo quản chờ kiểm định.

Lô vắc-xin Vaxzevria lần này (trước đây được gọi là vắc-xin Covid-19 AstraZeneca) do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển.

Lô bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 3, rà soát tất cả các điểm triển khai tiêm trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vắc-xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021; cụ thể: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí.

Các nguồn vắc-xin khác của Moderna, Johnson&Johnson và của các quốc gia như Đức (CureVac), Nga (Spunik V), Trung Quốc (Sinopharm) vẫn đang được Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vắc-xin để phục vụ người dân.

Đà Nẵng chưa thực hiện giãn cách xã hội
Ghi nhận 53 ca nhiễm Covid-19, tuy nhiên Thành phố Đà Nẵng quyết định chưa thực hiện giãn cách xã hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư