Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giày dép trông vào đơn hàng từ Mỹ, EU
Thế Hải - 20/08/2020 10:44
 
Covid-19 tái phát làm mục tiêu xuất khẩu của ngành da giày-túi xách trở nên xa vời. Từ nay đến cuối năm, ngành kỳ vọng nhiều vào việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ và Trung Quốc.
.
Sản xuất giày dép xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra.

Mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD xa tầm tay

Nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nên ngành da giày - túi xách Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Trong bối cảnh đơn hàng ngày càng giảm, doanh nghiệp ngành da giày - túi xách đã phải cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc.

Cụ thể, Công ty TNHH PouYuen (TP.HCM) sa thải 3.000 công nhân, Giày Huê Phong cho thôi việc hơn 2.200 công nhân và con số này sẽ không dừng lại nếu tình hình kinh doanh không khả quan.

Nếu 7 tháng năm 2019, da giày lọt nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, thì 7 tháng năm 2020 đã rời khỏi mốc này, với kim ngạch chỉ đạt 9,53 tỷ USD, giảm 770 triệu USD so với cùng kỳ.

Tính cả mặt hàng túi xách, 7 tháng đầu năm, 2 ngành hàng này mới mang về 11,4 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu túi xách sụt giảm 13,5%, đạt 1,85 tỷ USD, trong khi cùng kỳ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 2,15 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hữu Thành, CEO Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink) thừa nhận, trong khi mảng may mặc tìm đến phân khúc khẩu trang để duy trì đơn hàng, thì mảng sản xuất giày dép, túi xách gần như bất động.

Sau khi hoàn thành 22 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, ngành da giày - túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020, nhưng dịch bệnh ập đến bất ngờ, khiến mục tiêu này ngày càng xa vời.

Công ty TNHH Changshin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), quy mô trên 30.000 lao động và là một trong 6 doanh nghiệp lớn tại Đồng Nai thừa nhận, Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, xuất khẩu của Công ty. Đặc biệt, nhà máy sản xuất ở huyện Tân Phú đã phải đưa vào hoạt động chậm hơn nhiều so với kế hoạch, vì không nhập được máy móc về. Thế nhưng, Công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất ở những nhà máy khác và đưa sản phẩm xuất khẩu.

Trước khi dịch xảy đến, Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Tân Phú (huyện Tân Phú). Dự án có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, công suất hơn 27 triệu đôi giày/năm, dự kiến hoàn thành sau năm 2020. Sau khi hoàn tất, Dự án sẽ thu hút khoảng 12.000 lao động.

Chú trọng đơn hàng từ Mỹ, EU, Trung Quốc

Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, ngành da giày kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 quý cuối năm. Nhưng lúc này, những đơn hàng từ Mỹ, Trung Quốc mới là động lực quan trọng nhất đối với các nhà xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép sang Mỹ dù giảm 7%, nhưng so với nhiều thị trường chủ lực như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thì vẫn rất đáng kể, khi mang về 3,5 tỷ USD.

Ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA) phân tích, trong xu hướng tiêu dùng giày dép giảm do Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu giày dép sang Mỹ. Lý do là, giai đoạn 2003 - 2020, trong khi kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ các nước trên thế giới có xu hướng giảm, thì giày dép của Việt Nam vào Mỹ vẫn liên tục tăng. Tính riêng những tháng đầu năm 2020, Covid-19 khiến kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam giảm, nhưng vẫn tốt hơn hẳn so với nhập khẩu từ các nước còn lại.

Trong khi đó, xuất khẩu giày dép sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt 1,15 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 12 thị trường đạt kim ngạch trăm triệu USD mà Việt Nam xuất đi (11 thị trường còn lại đều sụt giảm so với cùng kỳ).

Còn với EU, EVFTA có hiệu lực cũng tạo hy vọng cho gia tăng đơn hàng xuất khẩu. Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm xấp xỉ 30% kim ngạch xuất khẩu, với gần 6 tỷ USD/năm.

Số liệu của Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, xuất khẩu sang EU năm 2019 đạt 965 triệu USD với mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù và 5,03 tỷ USD với mặt hàng giày dép.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 37% dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu 0% và phần còn lại sẽ giảm dần từ mức 12,5% xuống 0% theo lộ trình 3 - 7 năm, tùy từng mặt hàng cụ thể. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực là giày thể thao, giày vải và giày cao su. Đây là các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

“Covid-19 đã làm các đơn hàng của doanh nghiệp giày dép, túi xách giảm mạnh. Nhiều đơn hàng đang đàm phán cho những tháng cuối năm chưa chốt được số lượng cụ thể vì sức tiêu thụ tại thị trường Mỹ, châu Âu còn rất yếu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, việc làm, doanh thu của doanh nghiệp”.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso
EVFTA sẽ là “cú hích” cho ngành da giày
Với lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, ước tính có trên 37% số dòng sản phẩm da giày sẽ được áp dụng mức thuế 0% ngay khi Hiệp định Thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư