Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Go-Jek lộ chiêu bài ở Việt Nam
Anh Hoa - 09/04/2019 09:38
 
Đúng như dự đoán từ đầu, start-up kỳ lân Go-Jek (Indonesia) đã dùng Go-Viet như nước cờ hoàn hảo để bước chân vào thị trường ứng dụng gọi xe Việt.
Đến thời điểm này, Go-Viet mới có Go-Bike, Go-Food, Go-Send và chưa triển khai được GoCar, GoPay	.
Đến thời điểm này, Go-Viet mới có Go-Bike, Go-Food, Go-Send và chưa triển khai được GoCar, GoPay 

“Đổi màu” vì Việt Nam

Mới đây, CEO Nguyễn Vũ Đức và bà Linh Nguyễn, Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển của Go-Viet (công ty con của Go-Jek tại Việt Nam) đã từ chức để làm cố vấn tại Go-Jek và tiếp tục làm việc tại Việt Nam. Những thành viên còn lại của Ban lãnh đạo Go-Viet sẽ đảm nhận việc quản lý các hoạt động của Công ty.

Theo những người làm trong lĩnh vực này, việc ông Đức nghỉ làm CEO Go-Viet có từ 6 tháng trước, nhưng mới được công bố rộng rãi. Hai nhân vật trên đã yêu cầu Công ty trả khoản tiền 800.000 USD để thôi việc. Trong khi đó, trong thông cáo phát ra chiều 29/3, Go-Viet xác nhận, ông Đức rất hào hứng khi tiếp nhận vị trí mới.

“Cái kim trong bọc có ngày lòi ra. Go-Jek chỉ mượn tên tuổi của ông Đức để xây dựng hình ảnh công ty ở Việt Nam”, một người làm trong thị trường này cho biết.

Nguyễn Vũ Đức được nhiều “ông lớn” chú ý với bảng thành tích “khủng”. Anh tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Thống kê và Tin học Moscow (MESI) của Nga năm 2003. Từ tháng 10/2003 đến tháng 8/2013, anh làm việc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trong gần một thập kỷ công tác tại BIDV, anh trải qua nhiều bộ phận khác nhau như định chế tài chính, bán lẻ, điện tử và quản lý vận hành.

Sau khi nhận được học bổng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Harvard, anh sang Mỹ du học từ năm 2013 đến 2015. Trong giai đoạn này, anh có cơ hội thực tập tại Uber, tận mắt trải nghiệm Uber và dần hiểu ra yếu tố công nghệ có thể tác động rất lớn đến một ngành nghề và thậm chí là cả nền kinh tế.

Từ tháng 4/2015 đến tháng 1/2018, Vũ Đức là người đồng sáng lập và CEO TDC - một start-up công nghệ tài chính (fintech), tập trung xây dựng công nghệ chuyển tiền qua điện thoại di động và Facebook. Tháng 2/2018, anh bắt đầu đảm nhiệm vị trí CEO của Go-Viet, được hậu thuẫn bởi Go-Jek, start-up kỳ lân hàng đầu của Indonesia, đang cung cấp dịch vụ gọi xe máy, giao hàng và gọi đồ ăn.

Trước đó, CEO của Go-Jek, ông Nadiem Makarim từng chia sẻ về kế hoạch tiến đánh thị trường Đông Nam Á rằng, ông sẵn sàng để các công ty con tại thị trường địa phương tự quyết định tên gọi, không nhất thiết sử dụng cái tên Go-Jek, vốn xuất phát từ chữ “xe ôm” (ojek) trong tiếng Indonesia.

Tuyên bố này đã được hiện thực hóa tại thị trường Việt Nam khi hãng lấy tên cho pháp nhân là Go-Viet, cùng việc thay đổi đồng phục sang màu đỏ, màu rất gần gũi với người Việt, thay vì màu xanh truyền thống tại thị trường Indonesia.

Thậm chí, để hút tài xế, trong những tháng đầu tham gia thị trường, Go-Viet không lấy hoa hồng từ tài xế. Do đó, công ty này công bố chiếm 35% thị phần gọi xe máy ở TP.HCM và 1,5 triệu lượt tải chỉ vài tháng sau khi mở dịch vụ và tiếp tục mở rộng tại thị trường Hà Nội.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3/2019, Go-Viet bắt đầu thu chiết khấu 20% từ tài xế cho mỗi cuốc xe. Họ cũng siết các chính sách dựa trên hiệu quả của tài xế và cho điểm các lái xe. Động thái này khiến các tài xế sốc…

Không đạt kế hoạch kinh doanh đề ra

Tại thời điểm ra mắt ứng dụng ở Hà Nội (tháng 9/2018), ông Nguyễn Vũ Đức, CEO của Go-Viet khẳng định quan hệ đối tác mật thiết với Go-Jek về các mặt như công nghệ và nguồn lực tài chính. Việc có mặt ở Việt Nam là một phần trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á trị giá 500 triệu USD của Go-Jek tại các nước Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Ngoài ra, ông Đức cũng khẳng định, trong 4 tháng cuối năm 2018, Go-Viet sẽ triển khai 4 dịch vụ lõi của doanh nghiệp là GoCar, GoBike, GoFood và GoPay tại Việt Nam. Các dịch vụ khác như đi chợ hộ, gọi người giúp việc, gọi dịch vụ làm đẹp sẽ được triển khai trong tương lai tùy vào nhu cầu của thị trường.

Như vậy, Go-Viet sẽ đối đầu trực tiếp với Grab tại Việt Nam khi tung ra các dịch vụ tương tự nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Go-Viet mới có Go-Bike, Go-Food, Go-Send và chưa triển khai được GoCar, GoPay.

Được biết, Go-Viet chưa được cấp phép triển khai dịch vụ gọi xe 4 bánh. Việc triển khai thanh toán điện tử Go-Pay cũng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào. Thậm chí, khác với sự bùng nổ mạnh mẽ tại thị trường TP.HCM, hình ảnh Go-Viet tại Hà Nội khá mờ nhạt. Go-Viet đang hoạt động ở một số quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông…, nhưng ở những khu vực này, màu áo đỏ của tài xế Go-Viet vẫn khá vắng bóng.

Trong khi đó, đại diện Go-Jek ở Indonesia tiết lộ, Go-Viet chiếm 40% thị phần gọi xe hai bánh tại Việt Nam sau 3 tháng hoạt động.

“Tôi nghĩ, ngoài việc Go-Jek mượn danh nhóm nhân sự thạo kinh doanh và công nghệ ở Việt Nam để nhanh chóng có hình ảnh ấn tượng, thì Go-Viet không đạt được kế hoạch mục tiêu đề ra. Công ty đứng trước áp lực phải thay đổi kế hoạch và rất có thể kế hoạch không được đồng thuận nên một bên phải ra đi”, vị chuyên gia trong ngành nói. 

Cơ hội đối với những “tân binh” có tiềm lực như Go-Viet là rất lớn. Tuy nhiên, việc có giành được phần thắng hay thị phần tương đối lớn hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự trường vốn và kế hoạch marketing bài bản để hấp dẫn cả tài xế và người dùng.

Go-Jek đang so kè quyết liệt với đối thủ Grab

Trên quy mô toàn Đông Nam Á, Go-Jek đang so kè quyết liệt với đối thủ Grab, khi đã hoàn thành vòng gọi vốn series F với các nhà đầu tư gồm Alphabet, công ty mẹ của Google; sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc; Tencent, Mitsubishi và Quỹ Provident Capital.

Theo Reuters, tổng số tiền Go-Jek nhận được trong lần gọi vốn này có thể lên tới 1 tỷ USD. Dù có số vốn khủng, nhưng nhiều quan điểm cho rằng, với việc Go-Viet chạy đua ki-lô-mét ở Việt Nam, sẽ khó có đủ tiền để bù lỗ.

Go-Jek và câu chuyện làm giàu không khó cho người ở “phía đáy kim tự tháp”
Thông qua ứng dụng Go - Viet, Go - Jek, start-up “tỷ USD” của Indonesia muốn nhân rộng khả năng tiếp cận công nghệ và tạo việc làm cho người nghèo -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư