Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Đoàn Lê Hoàng Tân: Khát vọng từ hai tiếng “Việt Nam”
Thị Hồng - 05/05/2021 08:30
 
TS. Đoàn Lê Hoàng Tân kỳ vọng, các nhà khoa học trẻ sẽ được đầu tư, nối tiếp những thành quả của thế hệ trước, hai tiếng Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều trong cộng đồng khoa học QT
Học hỏi công nghệ tại nước ngoài và phát triển công nghệ đó tại Việt Nam là lý do để TS. Đoàn Lê Hoàng Tân trở về nghiên cứu tại INOMAR
Học hỏi công nghệ tại nước ngoài và phát triển công nghệ đó tại Việt Nam là lý do để TS. Đoàn Lê Hoàng Tân trở về nghiên cứu tại INOMAR

Thất bại cũng có giá trị

Là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học sáng tạo, TS. Đoàn Lê Hoàng Tân hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đã có nhiều ngã rẽ trên con đường sự nghiệp và học vấn của Tân. Từ một học sinh “không biết gì về hoá” hồi theo bậc trung học cơ sở, đến năm lớp 12, Tân buộc phải dành thời gian nhiều hơn cho môn này để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp.

“Tôi may mắn khi càng tìm hiểu thì càng yêu thích môn hóa và kỳ thi năm đó được điểm cao, được chọn vào lớp cử nhân tài năng Khoa Hóa học, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM”, Tân nói về ngã rẽ đầu tiên trong cuộc đời mình.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi chương trình cử nhân tài năng này, Tân đứng trước 2 lựa chọn: làm việc ở một doanh nghiệp nước ngoài hay tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu. Dành nhiều thời gian cân nhắc, tham khảo ý kiến từ gia đình, bạn bè và đặc biệt là thầy giáo tại trường, Tân quyết định chọn phương án thứ hai.

Nhưng nên nghiên cứu trong nước hay đi nước ngoài? Sinh ra ở TP.HCM, học tiểu học đến đại học đều ở thành phố này và chưa bao giờ rời khỏi Việt Nam, dù chỉ để đi du lịch. Đây là lý do Tân nhận thấy bản thân “có phần nhút nhát”, nên quyết định ứng tuyển chương trình hợp tác đào tạo tiến sỹ giữa Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học California Los Angeles (UCLA, Hoa Kỳ).

Dù con đường nghiên cứu có hàng loạt thách thức trong bao năm qua, nhưng Tân không bỏ cuộc mà luôn thích thú với các thử thách này như một cách để bản thân trưởng thành hơn. Kể cả với những lần nghiên cứu thất bại không đếm xuể, Tân vẫn nhận ra bài học quý cho riêng mình.

“Thường thì tôi thất bại theo kế hoạch ban đầu, nhưng lại mở ra một hướng nghiên cứu khác hiệu quả hơn. Ví dụ, trong kế hoạch, kỳ vọng chất A cộng chất B sẽ ra chất C, nhưng làm hoài chỉ ra chất D”, Tân nhớ lại giai đoạn làm luận văn tốt nghiệp cử nhân.

Trăn trở về cách làm không đạt kỳ vọng, Tân mạnh dạn trao đổi với thầy hướng dẫn bộ môn và cả hai nhận ra, đôi khi không phải theo công thức mới là đúng, là hay, bởi trong khoa học, luôn cần sự sáng tạo vượt khỏi khuôn khổ. Kết quả, Tân và thầy hướng dẫn cùng viết một bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, hồi năm 2009.

Theo GS. Lê Ngọc Thạch, nguyên Trưởng bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường đại học Khoa học tự nhiên, sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp mà có bài báo quốc tế ở thời điểm đó là trường hợp rất hiếm. “Thầy nói tôi là trường hợp duy nhất làm được điều đó trong bao năm qua, thế nên tôi thấy, dù thất bại hay thành công so với kế hoạch ban đầu, đều có những giá trị mà mình có thể thu về”, Tân chia sẻ.

Để hai tiếng Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều hơn

Trong quá trình theo học bậc tiến sỹ, từng nhận được không ít lời đề nghị làm việc tại nước ngoài, nhưng Tân đều từ chối. Học hỏi công nghệ và phát triển công nghệ đó tại Việt Nam là lý do quan trọng hàng đầu để Tân trở về nghiên cứu tại INOMAR.

Tân lý giải, nếu ở nước ngoài, khi nghiên cứu khoa học thành công, thì công nghệ hay loại vật liệu đó đều thuộc về người nước ngoài và đơn vị chủ trì dự án nghiên cứu đó là phía nắm quyền sở hữu. Còn về Việt Nam, các điều kiện vật chất đáp ứng nhu cầu nghiên cứu trong INOMAR dù chưa phải là tối tân nhất, nhưng đủ để Tân thực hiện việc mà mình muốn làm.

“Phải làm ở Việt Nam thì mới góp phần gia tăng uy tín cho cộng đồng ngành khoa học Việt Nam. Vì khi đăng công bố các bài báo quốc tế chẳng hạn, sẽ có thông tin về địa chỉ Đại học Quốc gia TP.HCM, hay mình có thể tự đặt tên loại vật liệu mình nghiên cứu ra. Cứ như thế lâu dần, hai tiếng Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều hơn trong cộng đồng khoa học quốc tế”, Phó giám đốc INOMAR chia sẻ thêm.

Vị tiến sỹ 33 tuổi này tin rằng, làm khoa học là câu chuyện của tập thể và công tác đào tạo các thế hệ kế tiếp là rất quan trọng. Nhờ những nền tảng nghiên cứu của thế hệ đi trước mà Tân và các nhà nghiên cứu khoa học sau này mới có chỗ đứng nhất định trong lĩnh vực này. Và từ vài năm nay, INOMAR đã trở thành nơi thực tập của nhiều sinh viên hay hướng dẫn các sinh viên làm khóa luận.

“Khi những công trình nghiên cứu, bài báo quốc tế trên các tạp chí khoa học y tế được đăng tải, sẽ gióng được tiếng chuông lớn, thì thế giới sẽ công nhận những nhà khoa học Việt Nam hơn nữa”, Tân kỳ vọng.

Trao đổi ngắn với TS. Đoàn Lê Hoàng Tân

Sau khi bài báo về “Xây dựng các hạt nano silica hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học để tăng hiệu quả kháng ung thư của dược chất cordycepin” được đăng trên Microporous and Mesoporous Materials (Impact Factor: 4.551; H-index: 151, Q1, Elsevier), anh có kế hoạch nào để tiếp tục đưa nghiên cứu này được thương mại hóa?

Để thương mại hóa, tôi phải giải quyết bài toán về việc giảm giá thành của nguyên vật liệu. Thêm vào đó, phải đăng ký sáng chế độc quyền (patent) rất gian nan và tốn kém. Hành trình với các nhà khoa học thường là tạo ra các bài báo khoa học quốc tế, tới công bố các bài khoa học quốc tế đỉnh cao, rồi mới tới bước đăng ký sáng chế độc quyền và thương mại sản phẩm.

Vậy là có khả năng, nghiên cứu này của anh sẽ “nằm ở hộc tủ” như nhiều nghiên cứu khoa học khác?

Tôi nghĩ số lượng các nghiên cứu còn nằm trong ngăn bàn đang giảm dần. Tuy nhiên, trong khi ở nước ngoài, các doanh nghiệp tìm đến nhà khoa học để xem họ có gì và có thể triển khai hợp tác hay không, thì ở Việt Nam, người ta chỉ tìm đến nhà khoa học khi có một vấn đề muốn giải. Điều đó có thể lãng phí những nghiên cứu tiềm năng hiện có từ các nhà khoa học.

Có những dự án nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học uy tín trên thế giới, nhưng nếu không thương mại hóa thì có nghĩa là chưa tạo ra tác động trực tiếp đến xã hội?

Tác động vào xã hội của những nghiên cứu khoa học sẽ tiềm ẩn, chứ không dễ thấy như việc sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Việc có những bài báo quốc tế giúp cho lĩnh vực khoa học Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Khi xếp hạng các trường đại học, thì yếu tố về số lượng bài báo khoa học thường chiếm đến 30% tổng số điểm.

Nhà khoa học không giống như ca sỹ khi có một bài hát được nhiều người nghe thì nổi tiếng. Nhà khoa học đóng góp âm thầm, nhưng không thể phủ nhận, khoa học và công nghệ là lực đẩy rất lớn đến sự phát triển của một xã hội.
6 gương mặt trẻ Việt Nam nằm trong top Forbes 30 Under 30 châu Á
Vừa qua, tạp chí Forbes công bố danh sách các gương mặt trẻ dưới 30 tuổi của châu Á (Forbes 30 Under 30 Asia), Việt Nam vinh dự có 6 gương mặt doanh nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư