Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Hà Nội khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển kinh tế hợp tác xã
Linh Nguyễn - 21/07/2024 09:40
 
Mạnh dạn đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh hiện đại, có phương pháp quản lý tiên tiến… là những minh chứng rõ nét nói về sự thành công của phụ nữ Thủ đô trong việc phát triển kinh tế tập thể.

Nắm bắt xu thế

Phụ nữ Thủ đô đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế tập thể nhờ sự sáng tạo. Thông qua các mô hình hợp tác xã, họ đã tạo dựng được sự ổn định về kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp và thủ công nghiệp, đặc biệt là tại các địa phương ngoại thành Hà Nội.

Nghệ nhân nón lá Tạ Thu Hương (làng Chuông, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Nghệ nhân Tạ Thu Hương từ làng nghề truyền thống Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai là một ví dụ điển hình về sự thành công của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nón lá, bà Hương được truyền lại tình yêu và niềm đam mê với nghề từ khi còn nhỏ. 

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, bà Hương còn quyết tâm phát triển nghề nón lá để đáp ứng xu hướng của thị trường hiện đại. Khi nghề làm nón làng Chuông đối mặt với nguy cơ mai một do sự thay đổi của thị trường, bà Hương đã thành lập Hợp tác xã Mây tre nón lá Tạ Thu Hương với mục tiêu mở rộng đầu ra và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Bà Hương chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, số hộ làm nón lá trong làng giảm sút nghiêm trọng, chỉ còn lại vài hộ duy trì sản xuất nhỏ lẻ. Đối mặt với khó khăn, bà đã nhanh chóng chuyển hướng từ việc tập trung vào thị trường nội địa sang khai thác thị trường quốc tế. Nón lá làng Chuông đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 6 - 7 lần so với trước. 

Ngoài ra, Hợp tác xã của bà cũng đã đăng ký và được công nhận 6 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao, bao gồm các loại nón truyền thống và nón cải tiến như nón lá trên lụa, nón Thái, nón quai thao. Đồng thời, Hợp tác xã còn phát triển thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm, thu hút du khách đến thăm và trực tiếp tham gia vào quá trình làm nón.

Tương tự, bà Đỗ Thị Kim Thông, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Kim Thông. Khởi nghiệp ở tuổi 59, bà Thông đã thành công với mô hình trồng cây Sacha Inchi trên diện tích 2 ha tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Cây Sacha Inchi, một loại cây có giá trị kinh tế cao đã mang lại thu nhập đáng kể cho bà và các thành viên trong Hợp tác xã. 

Với mức đầu tư ban đầu khoảng 150 triệu đồng cho mỗi hecta, mô hình này có thể mang lại lợi nhuận gấp đôi, với sản lượng đạt từ 5 - 7 tấn hạt mỗi hecta. Không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn VietGAP, bà Thông còn tập trung vào việc đổi mới máy móc và công nghệ chế biến, giúp sản phẩm của Hợp tác xã Kim Thông đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2020.

Nhờ sự quyết tâm và tinh thần sáng tạo, bà Thông đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo dựng vùng nguyên liệu 500 ha tại Tây Nguyên, hợp tác với đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển cây Sacha Inchi theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm của Hợp tác xã Kim Thông hiện đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc, với sản lượng đạt 60 - 70 tấn mỗi tháng. 

Khẳng định vai trò của phụ nữ trong kinh tế tập thể

Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức quốc tế, nữ lãnh đạo Hợp tác xã không chỉ riêng Hà Nội, mà trên cả nước đã chứng minh khả năng lãnh đạo xuất sắc, giúp các hợp tác xã phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam giới thiệu nón lá Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo hợp tác xã khá phổ biến và đạt hiệu quả cao. Hiện nay, hợp tác xã của Việt Nam đang phát triển mới chiếm 20% có nữ tham gia lãnh đạo, phấn đấu giữ tỷ lệ này đến năm 2030, phụ nữ tham gia lãnh đạo Hợp tác xã phải trên 20%.

“Với loại hình kinh tế tập thể rất vừa vặn và phù hợp với phụ nữ, gắn với bản địa, làng xóm, kết dính chặt chẽ của phụ nữ khi phát triển kinh tế và chăm lo cho gia đình. Chưa kể, người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay lại chịu thương, chịu khó, kiên trì và nỗ lực đổi mới sáng tạo. Do đó, nếu có nhiều nữ lãnh đạo hợp tác xã tham gia thì loại hình kinh tế tập thể này sẽ phát triển bền vững và khẳng định tính đúng đắn.”, bà Vân nhận định.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nữ lãnh đạo Hợp tác xã châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2024, bà Helma Vermue, Chủ tịch Mạng lưới Phụ nữ và Kinh doanh của LTO (Hà Lan) đã bày tỏ sự ấn tượng đối với các hợp tác xã do phụ nữ Việt Nam điều hành. 

"Khi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hợp tác xã, sức mạnh của cộng đồng sẽ được củng cố. Họ không chỉ giải quyết được các thách thức khó khăn mà còn mang lại sự ổn định và phát triển cho hợp tác xã”, bà Helma Vermue chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Helma cũng nhấn mạnh cần có thêm những chính sách hỗ trợ để khuyến khích phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hợp tác xã. Điều này bao gồm việc cung cấp các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý... và các công cụ cần thiết để phụ nữ tự tin đảm nhận vai trò lãnh đạo, từ đó giúp họ phát triển các hợp tác xã bền vững hơn.

Trồng rau thủy canh công nghệ cao, hợp tác xã tại Nghệ An thu về lợi nhuận lớn
Tại Hợp tác xã Duy Tân, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tạo ra những sản phẩm rau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư