Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội rà soát toàn bộ cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm
D.Ngân - 03/11/2024 09:44
 
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội vừa triển khai kế hoạch điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên toàn TP.

Theo kế hoạch, từ ngày 28/10 đến 15/11/2024, các xã, phường, thị trấn sẽ tiến hành điều tra và thống kê các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bao gồm cả các quán ăn vỉa hè và cơ sở thức ăn đường phố.

Chính quyền địa phương cần thực hiện công khai đường dây nóng về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau khi hoàn thành, các đơn vị sẽ gửi báo cáo kết quả điều tra về Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trước ngày 20/11/2024. Tiếp đó, các quận, huyện, thị xã sẽ tổng hợp và báo cáo kết quả lên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội trước ngày 25/11/2024.

Việc điều tra, rà soát này sẽ giúp cơ quan chức năng có cái nhìn tổng thể về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, đồng thời phát hiện kịp thời những vi phạm để có biện pháp xử lý, ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bao gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, khu du lịch và các điểm công cộng.

Kết quả cho thấy 83,7% các cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trong khi hơn 16% vi phạm các quy định. Những cơ sở vi phạm đã bị xử phạt và yêu cầu khắc phục vi phạm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, trong đó 84,5% số cơ sở đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những trường hợp không đạt tiêu chuẩn đã được cơ quan chức năng nhắc nhở và xử phạt theo đúng quy định.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, hiện nay tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra.

Đặc biệt, các loại thực phẩm vi phạm thường là bim bim, xúc xích, nội tạng động vật như dạ dày lợn, óc lợn, nầm lợn, mỡ bò... Các đối tượng thường gian lận bằng cách thay đổi nhãn mác hoặc kéo dài thời hạn sử dụng để tiêu thụ hàng hóa.

Trước thực trạng này, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm, nhằm ngăn chặn thực phẩm không an toàn xâm nhập thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Với việc triển khai kế hoạch điều tra, rà soát năm 2024, Hà Nội kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định về vệ sinh thực phẩm.

Sở Y tế Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để người dân có thể phản ánh các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.

Số điện thoại đường dây nóng gồm: 0823.88.9095 và 0922.55.9095. Đây là kênh quan trọng để người dân cùng phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác giám sát và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, chính quyền địa phương cần thực hiện công khai đường dây nóng về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là chủ trương, chính sách và Luật An toàn thực phẩm; kiến thức thực hành đúng về an toàn thực phẩm trên các kênh thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp qua hình ảnh trực quan (tranh, ảnh, pano, băng rôn, tờ rơi…).

Qua đó, chuyển tải thông điệp truyền thông đến chính quyền các cấp, cơ quan tham gia quản lý an toàn thực phẩm, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm;

Tăng cường thông tin, chỉ dẫn địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng, thông báo đến doanh nghiệp, trường học trên địa bàn để tổ chức và nhân dân tiếp cận, sử dụng nguồn thực phẩm an toàn…

"Nóng" vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư