Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hài hòa lợi ích trong kinh doanh bảo hiểm
Nguyễn Lê - 31/05/2022 08:18
 
Bên cạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện hành lang pháp lý, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chỉnh lý để bảo vệ tốt hơn quyền lợi bên mua trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào sáng ngày 16/6/2022

Doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước khi Quốc hội thảo luận cuối tuần qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật mới nhất gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều). Trong đó, có 40 điều sửa đổi nội dung; 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản; bổ sung 7 điều; bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều.

Ông Thanh cũng báo cáo Quốc hội một số vấn đề đã được tiếp thu, như gộp chung giấy phép thành lập, hoạt động và giấy đăng ký kinh doanh để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính.

Dự thảo Luật cũng quy định thủ tục phá sản riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Theo đó, sau khi nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản, tòa án sẽ “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh”.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, ông Thanh cho biết, Dự thảo Luật đã quy định cấm “đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Trên cơ sở quy định của Dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này cũng đã bỏ  quy định về việc cơ quan thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra bảo hiểm thuê công ty kiểm toán độc lập, công ty tư vấn hoặc chuyên gia để đánh giá, có ý kiến về chuyên môn một số nội dung về tổ chức hoạt  động, tài chính của đối tượng thanh tra. Theo đó, chỉ cho phép cơ quan thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm có quyền thuê công ty kiểm toán độc lập, công ty tư vấn hoặc chuyên gia để đánh giá, có ý kiến về chuyên môn một số nội dung có dấu hiệu ảnh hưởng tới sự an toàn, lành mạnh của đối tượng thanh tra khi xét thấy cần thiết để bảo đảm hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành bảo hiểm, từ đó bảo vệ an toàn cho người tham gia bảo hiểm.

Đa số giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được các vị đại biểu đồng tình khi tham gia thảo luận. Các đại biểu góp thêm nhiều ý kiến hoàn thiện hơn quy định về các loại hình bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, bảo hiểm bắt buộc, áp dụng pháp luật..., đặc biệt là quy định hài hòa hơn lợi ích giữa bên mua và bên bán bảo hiểm.

Đại biểu Đinh Văn Thê (Gia Lai) đề nghị bổ sung quy định cấm làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức.

Một số vị đại biểu khác, trong đó có đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn về hợp đồng bảo hiểm, vì hợp đồng thường do bên bán soạn với những điều khoản có lợi hơn cho doanh nghiệp.

Bỏ Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tách riêng 2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau đến thời điểm hiện nay, nên vẫn để 2 phương án trình Quốc hội, trong đó có việc giữ hay bỏ Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.

Chính phủ đề xuất giữ, nhưng giảm mức trích nộp Quỹ để bảo đảm không tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, thay vì mức tối đa 0,3% doanh thu phí bảo hiểm như hiện nay, có thể giảm xuống còn 0,05% (giảm 6 lần so với hiện hành) - phương án 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án bỏ quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và đề nghị Chính phủ đề xuất rõ phương án xử lý số dư của Quỹ - phương án 2.

Lý do chọn phương án trên là, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro. Do đó, đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.

Trong phần thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2, nhưng vẫn có vị đại biểu nghiêng về phương án 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) và một số vị khác cho rằng, mục đích của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm là rất tích cực, nhưng đặt trong tổng thể có sự trùng lặp với Quỹ Dự trữ bắt buộc. Hơn nữa, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm tồn tại gần 12 năm vẫn chưa phải sử dụng và theo đánh giá của cơ quan soạn thảo thì cũng ít có khả năng phải sử dụng đến.

“Bỏ Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, thì quyền lợi của người được bảo hiểm vẫn được bảo vệ, nếu tiếp tục giữ, sẽ tạo nên gánh nặng cho cả người được bảo hiểm”, đại biểu Nga phân tích.

Nhưng theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), nên giữ lại Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. 12 năm qua, Quỹ chưa sử dụng là đáng mừng, nhưng việc trích quỹ là cần thiết, giúp người mua bảo hiểm không bị mất quyền lợi. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, cần đánh giá, Quỹ hình thành từ nguồn nào và có thể cho phép doanh ngiệp (trong khi chưa sử dụng Quỹ với trường hợp rủi ro) được trích lại một tỷ lệ phần trăm nhất định cho mục đích kinh doanh, nhằm không lãng phí nguồn lực. Việc trích lại tỷ lệ bao nhiêu phần trăm từ Quỹ sẽ do Chính phủ quy định.

Thay mặt Ban Soạn thảo hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật đã tính đến 3 lớp bảo vệ, nhưng không ai khẳng định được là doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bị vỡ, khi đó, sẽ dùng quỹ này để chi trả cho người tham gia bảo hiểm. Nhưng nếu Quốc hội không chấp nhận tiếp tục duy trì Quỹ, thì đề xuất giao lại cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý số dư của Quỹ (khoảng 1.000 tỷ đồng).

Theo nghị trình, sáng ngày 16/6, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Doanh nghiệp Bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ hai, có đại biểu đề nghị bổ sung lại quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào các doanh nghiệp khác, được kinh doanh bất động sản theo quy định của Chính phủ, như đã quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (năm 2000).

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Kinh doanh bất động sản (năm 2014) đã không cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trực tiếp, mà phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh về bất động sản. Hơn nữa, việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản cũng an toàn và phù hợp với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Do đó, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bãi bỏ quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.
Trình Quốc hội sửa nhiều nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Lần sửa đổi này bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư