Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hành trình tóm gọn trùm giang hồ đâm chết doanh nhân giữa Sài Gòn
PV (VnExpress/CSTC) - 15/06/2015 14:16
 
Từ Bắc vào Nam lập nghiệp, làm thầy giáo làng, nhưng Khoa lại sa vào con đường lưu manh và trở thành giang hồ cộm cán.

Bỏ nghề, Khoa "Thầy giáo" mở quán cà phê ôm, lập băng nhóm quy tụ hàng chục kẻ sẵn sàng đâm chém. Nhận lệnh của hắn, hai đàn em đã tham gia vụ đâm chết doanh nhân giữa Sài Gòn.

Mâu thuẫn trong việc làm ăn với ông Đặng Xuân Sỹ (Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hải), Ngô Quang Chướng, Giám đốc Công ty thuê Vũ Văn Luân (Luân "Con") tìm người đánh dằn mặt ông Sỹ. Do có nợ ân tình, nhận Chướng là anh kết nghĩa nên kẻ giang hồ máu lạnh này đã đồng ý. Cuối tháng 9/2009, biết cha mẹ ông Sỹ từ Bắc vào thăm, Chướng bảo Luân cho đàn em đến tận nhà đe dọa, nếu ông này không rút đơn tố cáo sẽ bị lấy mạng.

Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của những tên côn đồ chỉ quen nói chuyện bằng tay chân, ông Sỹ không hề sợ hãi mà tiếp tục làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Cay cú, Chướng gọi điện đề nghị Luân "Con" xử lý.

Khoa
Khoa "thầy giáo" khi bị bắt

Luân "Con" ra lệnh cho đàn em là Nguyễn Thế Việt. Việt tiếp tục gọi cho Trần Đăng Khoa (Khoa "Thầy giáo") và tên này đã điều đến hai "tay lái lụa" là Ngô Chí Huẩn và Bùi Quốc Huy (Huy "Gấu"). Theo phân công, Huẩn và Huy có nhiệm vụ chở Toàn và Tân phục ở cổng Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM đợi ông Sỹ để "xử".

Khoảng 11h10’, thấy ông Sỹ đi ra, cả nhóm bám theo. Đến trước số nhà 88 đường Hai Bà Trưng, quận 1, Huẩn tăng ga ép sát ông Sỹ để Toàn đâm hai nhát vào người ông Sỹ rồi cả lũ tăng ga bỏ chạy. Xe của Huy "Gấu" chở Tân đã va chạm với xe taxi và hắn ngã ra đường nên bị người dân lao đến bắt.

Biết sự vụ bại lộ, Luân "Con" và Nguyễn Thế Việt, Trần Đăng Khoa lập tức bỏ trốn. Kẻ bị bắt giữ không biết một thông tin nào ngoài việc được Khoa "Thầy giáo" nhờ "đi công chuyện".

Ngày 27/10/2009, 3 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM đã có mặt ở Hà Nội, đề nghị được hỗ trợ để truy bắt Khoa "thầy giáo". Đại tá Nguyễn Đức Chung (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự lúc đó, nay là thiếu tướng - Giám đốc Công an TP Hà Nội) đã trực tiếp gọi điện cho trung tá Đào Anh Tuấn (Đội trưởng Đội truy nã, nay là thượng tá - Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Hà Nội). Vài phút sau, anh Tuấn và anh Nguyễn Thanh Phúc có mặt, nhận nhiệm vụ phối hợp với tổ công tác Công an TP HCM truy bắt Khoa "thầy giáo".

Cảnh sát xác định Khoa quê ở Vĩnh Phúc nhưng vào Bình Phước dạy học. Được vài năm, hắn quay sang mở quán cà phê ôm ở Sài Gòn. Và cũng từ đây, Khoa bắt đầu có chút tiếng tăm trong giới giang hồ khi tự mình "xé vé" một vài kẻ có ý định cướp "nồi cơm" của hắn. Dưới tay hắn có hàng chục tên như Huẩn và Huy "Gấu", sẵn sàng tay đao tay búa "lên đường" theo lệnh đại ca.

Ngày đầu tiên, tổ công tác đang ăn cơm bụi ở quán ven đường thì nhận tin Khoa "Thầy giáo" đang từ Ninh Bình lên Hà Nội. Cảnh sát tức tốc lao xe về phía Nam thì lại có tin hắn đang trên đường về Tam Dương (Vĩnh Phúc). Đêm hôm đó, ngôi nhà của mẹ Khoa và đứa con gái hắn ở sáng đèn khá muộn nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Khoa đã mò về nhà.

Loanh quanh ở Tam Dương tìm chỗ ngủ, cả tổ công tác vừa đặt lưng xuống giường thì lại nhận được tin một kẻ trộm cắp tài sản vừa bị Công an xã Hoàng Lâu bắt có hình dạng rất giống Khoa "Thầy giáo". Một ý nghĩ chạy vụt đến trong đầu anh Đào Anh Tuấn, liệu Khoa "Thầy giáo" có cố tình dùng bài trốn vào... trại giam bằng cách gây ra một vụ án nhỏ để tránh tội lỗi của hắn như cách một số tên lưu manh từng làm?

Các anh đến Công an xã Hoàng Lâu song xác định tên trộm không phải là Khoa dù giương mặt giống đến nỗi như anh em sinh đôi.

Cuộc truy bắt Khoa "thầy giáo" đã bước sang ngày thứ ba nhưng thông tin đều mờ mịt và có vẻ đan chéo chứ không có gì là rõ ràng. Bởi hắn vào Nam đã chục năm nay, các mối quan hệ ngoài Bắc nếu còn cũng chỉ là mong manh và không thường xuyên nên không ai hay biết gì.

Khi anh em trong tổ công tác đã thấm mệt thì một thông tin cực kỳ tin cậy cho biết Khoa "Thầy giáo" đang có mặt ở khu vực Ô Chợ Dừa, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là khu vực có một số nhà nghỉ, khách sạn thuộc dạng bình dân. Theo phán đoán của các anh, trong quá trình trốn chạy, Khoa phải tiêu tốn khá nhiều tiền nên hắn buộc phải tìm đến những nhà nghỉ bình dân. Tuy nhiên, lùng sục tất cả các nhà nghỉ ở khu vực này vẫn không thấy tăm hơi hắn đâu, còn duy nhất một khách sạn thuộc hạng sang nhất trên phố Trần Quang Diệu, tổ công tác quyết định bước vào.

Thượng tá Nguyễn Thanh Phúc kể: "Chúng tôi bao vây tất cả các ngả đường dẫn vào khách sạn rồi bắt đầu kiểm tra. Tôi lật nhanh những tấm chứng minh nhân dân mà khách đặt tại khách sạn thì chợt giật mình khi thấy một tấm bằng lái xe mang tên Lê Văn Kiên, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Lễ tân cho biết, người này thuê phòng cùng một người đàn ông nữa. Tôi đưa tấm ảnh Khoa "Thầy giáo" cho lễ tân nhận mặt thì anh này gật đầu cho biết, đó chính là người khách thuê phòng".

Hai mũi tiến công, một đi cầu thang bộ, một đi thang máy, lên tầng nơi Khoa "Thầy giáo" nghỉ thì bất ngờ cánh cửa ở một căn phòng khẽ bung ra. Mở cửa xông vào hóa ra là một đôi đồng tính nam đang âu yếm trên giường, tổ công tác đề nghị họ "trật tự", tránh trường hợp Khoa "Thầy giáo" thấy động.

Tiếp tục lên tầng cao hơn, một cán bộ thuộc Phòng CSHS Công an TP HCM chợt nhìn thấy một gã đàn ông người nhỏ thó đang đi rất nhanh về phòng, vừa đi vừa lấy tay che mặt. Một động tác vũ thuật nhanh hơn cái chớp mắt khiến tên này ngã ra sàn. Hắn được xác định là Luân "Con".

Trong phòng Khoa, trinh sát không thấy hắn đâu, tuy nhiên chăn ga xộc xệch và có dấu hiệu hắn quanh quẩn đâu đó. Cuối cùng, các anh đã tóm được hắn và Huẩn khi chúng đang đánh đu ở lan can tầng cao nhất.

"Chúng tôi nhìn thấy bốn bàn tay đang đánh đu, còn người chúng thì đang bung biêng bên dưới rất nguy hiểm", thượng tá Tuấn nói và cho biết một trong hai kẻ bị bắt là Khoa "Thầy giáo".

Sau này, trong những dòng nhật ký, Khoa cho biết, hắn cực kỳ ân hận và giày vò vì tội lỗi đã gây ra. Bố hắn đã mất hơn chục năm nay, lẽ ra hắn phải là trụ cột của gia đình, phải là chỗ dựa cho mẹ và con gái nhưng cuối cùng hắn lại khiến những người thân đau lòng.

"Đọc được những dòng chữ Khoa viết cho cô con gái chưa tròn 10 tuổi, trong những ngày trốn chạy, nói về nỗi ân hận, giày vò khi chưa làm gì báo đáp được mẹ già cũng như lo cho tương lai con gái, chúng tôi rất chạnh lòng. Bao nhiêu ngày mệt mỏi truy bắt, nhưng khi nghe những lời tâm sự của Khoa, chúng tôi thấy đáng tiếc cho anh ta", thượng tá Nguyễn Thanh Phúc nói.

Thiếu tướng cảnh sát đường thủy về làm sếp Tổng cục Đường bộ
Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường thủy vừa được biệt phái sang Bộ Giao thông - Vận tải làm Phó Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư