Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hiến kế chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang
D.Ngân - 18/05/2021 19:49
 
Lãnh đạo ngành Y tế cùng các chuyên gia đầu ngành đã có mặt tại Bắc Ninh, Bắc Giang để hỗ trợ địa phương này chống dịch Covid-19.

Khó khăn kiểm soát ổ dịch Mão Điền

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dịch Covid-19 ở Bắc Ninh là mối quan ngại của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, của Bộ Y tế, vì Bắc Ninh có số ca bệnh tăng, doanh nghiệp phải đóng cửa, sẽ làm đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Hiện tỉnh Bắc Ninh chưa kiểm soát được toàn bộ ổ dịch ở xã Mão Điền, Thuận Thành khiến nguy cơ dịch lây lan nhanh thời tới. Bên  cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại khi mầm bệnh vào tỉnh có thể từ các chuyên gia, người nhập cảnh trái phép, người Việt giải cứu về.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện 4 tại chỗ trong phòng chống dịch.

Vì vậy, tỉnh cần xét nghiệm cả kháng nguyên kháng thể, từ đó tìm ra ca bệnh có thể lẩn khuất ở đâu đó không phát hiện được.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện 4 tại chỗ trong phòng chống dịch.

Theo Bộ trưởng, trận chiến này hoàn toàn không đơn giản, chúng ta đang kiểm soát tình hình nhưng tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là, ngơi nghỉ.

Người đứng đầu ngành Y tế đề nghị Bắc Ninh phải đặt ở mức độ cao nhất trong phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội tại một số khu vực.

Tỉnh cũng cần rà soát lại lực lượng chuyên gia, những người nhập cảnh trong thời gian qua để xét nghiệm cả kháng nguyên lẫn kháng thế. Rà soát lại tất cả người đến từ Bắc Giang nhất lại các huyện trọng điểm của tỉnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Thêm một lần nữa lưu ý tỉnh Bắc Ninh phải đảm bảo an toàn là trên hết cho các khu công nghiệp, đặt các khu công nghiệp trong tình trạng báo động cao, Bộ trưởng Y tế yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm của các công nhân 1 tuần 1 lần.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế giao Trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ tỉnh trong việc lấy mẫu, xét nghiệm. Nếu tỉnh cần hỗ trợ thêm thì Bộ Y tế sẽ điều thêm đơn vị khác.

Về vấn đề cách ly, theo Bộ trưởng, cần nhất quán tối đa thực hiện cách ly tập trung F1.

5 đề xuất khống chế dịch ở Bắc Giang

Ngày 18/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ thành lập tổ thường trực đặc biệt tại Bắc Giang và Bắc Ninh, giao Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm tổ trưởng để kiểm soát tình hình dịch tại 2 địa phương này. "Tỉnh Bắc Giang phải đặt trong trạng thái báo động rất cao, ở mức độ cao nhất để kiểm soát hình dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bắc Giang cần có trung tâm tiếp nhận bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch.

Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Sơn có 5 đề xuất với tỉnh gồm, Bắc Giang cần áp dụng Chỉ thị 16 tại huyện Việt Yên, khi tình hình dịch tại 4 khu công nghiệp khá phức tạp.

Bộ Y tế đề xuất Bắc Giang nâng cao mức độ cách ly phong tỏa từ Chỉ thị 15 lên Chỉ thị 16. Khi đó, tất cả biện pháp phòng, chống dịch đều phải được giám sát chặt chẽ.

Về xét nghiệm, Thứ trưởng Sơn đề nghị với các trường hợp cần kết quả sớm, tỉnh phải phối hợp test nhanh kháng nguyên với rRT-PCR.

Thời gian vừa qua, Bắc Giang đã lấy mẫu, xét nghiệm rất tích cực với nhiều đơn vị phối hợp. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm còn chậm, vẫn để lọt các trường hợp chưa được xét nghiệm. 

Do đó, ông Sơn đề xuất Bộ trưởng Y tế chỉ đạo thêm các đơn vị gồm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương để nhận mẫu bệnh phẩm, trả kết quả cho Bắc Giang sớm nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đồng tình với việc tỉnh Bắc Giang xây dựng kịch bản 3.000 người mắc, tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý tỉnh phải xây dựng kịch bản về hậu cầu, điều trị, trong đó phải có 3.000 giường bệnh.
Về sản xuất trong các khu công nghiệp của tỉnh, cần phải tiến hành giãn cách, không để công nhân làm việc 100% công suất.

Đề xuất tiếp theo của Thứ trưởng Bộ Y tế là Bắc Giang cần tận dụng toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là Ban Tuyên giáo, chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, tổ an toàn Covid-19 trong nhà máy, bệnh viện để rà soát hàng ngày.

Về điều trị, Thứ trưởng Sơn nhận định số lượng giường bệnh cho việc tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Giang còn hạn chế. Do đó, Bộ Y tế đề xuất tỉnh trưng dụng thêm Trung tâm Y tế ở Lạng Giang và Yên Dũng để nhanh chóng giải phóng bệnh nhân.

Cuối cùng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Bắc Giang cần có trung tâm tiếp nhận bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch.

"Khi bệnh nhân có diễn biến nặng, chúng ta có thể ngay lập tức điều trị tại chỗ. Đây là kinh nghiệm từ Đà Nẵng và chúng ta hoàn toàn có thể thiết lập hệ thống hồi sức trong khoảng 3-5 ngày", ông Sơn nhận định.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý tỉnh thực hiện các phương án 4 tại chỗ, chuẩn bị phương án tiếp tục mua sắm, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế đảm bảo phòng, chống dịch.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế, tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, tỉnh Bắc Giang áp dụng các biện pháp tin học hóa, xét nghiệm mẫu gộp để theo kịp tốc độ truy vết, lấy mẫu; thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa một số địa bàn, khu công nghiệp chặt chẽ nhưng vẩn duy trì hoạt dộng sản xuất của các nhà máy được đảm bảo an toàn dịch bệnh, lắp đặt ngay camera giám sát trong các khu cách ly tập trung.

2 mũi nhọn dập dịch, nâng công suất xét nghiệm

Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh, Bắc Giang cần đạt 2 điều để dập tắt dịch Covid-19 qua phong tỏa, giãn cách xã hội.

Thứ nhất, tỉnh phải khóa chặt vùng dịch ở bên trong, không cho dịch thoát ra bên ngoài. Điều cần nhìn thấy đó là nội bất xuất, ngoại bất nhập, đường xá vắng tanh, cửa hàng cơ bản đóng cửa, nhà nhà cài then. Chỉ có như vậy, chúng ta mới ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh.

Thứ hai, bên trong phải chống dịch quyết liệt, triệt để, dập tắt được ổ dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân. “Chỉ có triệt tiêu nguồn lây từ bên trong thì sau này mới tháo được phong tỏa và đạt được sự an toàn”, vị chuyên gia khẳng định.

Khi số ca F0 tăng lên từng ngày, đồng nghĩa số F1 cũng tăng lên theo cấp nhiều hơn nữa. Do đó, các khu cách ly phải đảm bảo công suất.

“Mặt trận này cần chú ý để không xảy ra lây nhiễm chéo. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn không chỉ của riêng Bắc Giang mà còn nhiều tỉnh khác", GS. Đức Anh lo ngại.

Chuyên gia cũng lo lắng khi Covid-19 không chỉ dừng lại ở tâm dịch Công ty Hosiden mà đã lan sang các khu công nghiệp khác như Sang Quang, Quang Sơn, Đình Trám.

Chính vì thế, ông Đức Anh cho rằng ngành Y tế Bắc Giang phải coi toàn bộ công nhân tại Công ty Hosiden là F1, đưa đi cách ly tập trung ngay. Ông dự đoán thời gian tới, con số F0 sẽ rất lớn vì hết thời gian ủ bệnh, người nhiễm bắt đầu có triệu chứng.

Để khống chế dịch thành công, tốc độ xét nghiệm rất quan trọng. Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) cho biết, Viện sẽ hỗ trợ xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tỉnh Bắc Giang gửi về.

Bắc Giang có thể sử dụng thêm test nhanh phát hiện kháng nguyên kết hợp với rRT-PCR. 

Tuy vậy, theo ông Dương, Bắc Giang có thể sử dụng thêm test nhanh phát hiện kháng nguyên kết hợp với rRT-PCR. Vì đối với công nhân trong khu công nghiệp, test nhanh phát hiện kháng nguyên sẽ nhanh hơn. Trong trường hợp có dương tính, các mẫu có thể được xử lý lại bằng phương pháp rRT-PCR. Điều này giúp rút ngắn thời gian chờ xét nghiệm.

Về công tác tiếp nhận, điều trị, tỉnh Bắc Giang đã bố trí 4 khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân dương tính và một bệnh viện dã chiến với số lượng 900 giường, bao gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang (120 giường); Bệnh viện Dã chiến số 1 (230); Bệnh viện Phổi (210); Bệnh viện Phục hồi chức năng (170); Bệnh viện Y học cổ truyền (200).

Chỉ sau 10 ngày (10-18/5) phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Công ty TNHH Shinyoung (huyện Việt Yên), tổng số bệnh nhân liên quan các khu công nghiệp tại Bắc Giang là 474 người, hàng chục nghìn trường hợp thuộc diện F1, F2. Chỉ riêng 2 ngày 16 và 17/5, tỉnh này đã có hơn 200 ca dương tính mới.

Hiện năng lực xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh là 1.500 mẫu đơn, tương đương 7.500 mẫu gộp. Năng lực xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 500 mẫu/ngày, mẫu gộp 3.500; Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển: 20.000 mẫu gộp; Bệnh viện 110: 1.100 mẫu/ngày; Bệnh viện Quân y 110: 552 mẫu/ ngày, mẫu gộp: 5.520; Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ: 10.000 mẫu đơn/ngày; Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc: 1.000 mẫu/ngày.
Không để dịch lây lan trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh
Trong số 37 ca mắc ghi nhận sáng nay (17/5) đã có 22 ca ở Bắc Giang, 11 ca ở Bắc Ninh, còn lại Vĩnh Phúc 3 ca, Tuyên Quang 1 ca.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư