Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Hoàng Đình Trọng, Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo tư vấn PDCA: Đi lên từ số 0 và những đổ vỡ
Nguyên Đức - 09/09/2016 10:00
 
Khi chúng tôi kết thúc cuộc nói chuyện, Hoàng Đình Trọng đã “năn nỉ” tôi một điều rất lạ, đó là không tiết lộ… tuổi của cậu ấy trên báo. Tôi đoán chừng lý do khiến Trọng muốn vậy, bởi cậu ấy vẫn thường ngày “lên lớp” cho hàng trăm CEO trong cả nước, nếu tuổi còn quá trẻ, có thể họ sẽ vì thế mà bớt đi một chút tin tưởng chăng? Nhưng rồi tôi lại nghĩ khác, với những trải nghiệm mà Hoàng Đình Trọng đã có, với việc đưa doanh nghiệp của mình đi lên từ số 0 và những đổ vỡ, Trọng có đầy đủ yếu tố để trở thành một nhà tư vấn doanh nghiệp kỳ cựu. Và là một doanh nhân thành công.

“Lò” đào tạo PDCA

Khi bắt đầu đặt lịch phỏng vấn với Hoàng Đình Trọng - theo chỉ đạo của Ban Biên tập, tôi đã khá khó hiểu với cái tên Công ty PDCA. Nó có vẻ như còn khá xa lạ với nhiều người, thậm chí rất rắc rối và khó nhớ với 4 chữ cái viết tắt. Cái tên Hoàng Đình Trọng cũng thế, ít nhất là trong suy nghĩ của tôi. Cũng phải thôi, vì thực ra PDCA chỉ mới được thành lập vào năm 2014. Còn Hoàng Đình Trọng, cũng vẫn chỉ là một doanh nhân trẻ.

Nhưng hóa ra không hẳn vậy. Trọng khá nổi tiếng trong giới doanh nhân trẻ. Hoặc nếu chưa phải là nổi tiếng thì ít nhất cũng có khoảng 8.000 CEO ở Việt Nam biết anh. Đó là số lượng CEO đã trực tiếp được Hoàng Đình Trọng “lên lớp” kể từ năm 2014, khi PDCA được thành lập.

doanh nhân Hoàng Đình Trọng
Doanh nhân Hoàng Đình Trọng

“Hiện tại, chúng tôi cung cấp 6 khóa học và gói tư vấn doanh nghiệp cho các CEO trong cả nước, như Giải phóng lãnh đạo; Xây dựng doanh nghiệp thành công; Tự động hóa doanh nghiệp... và gói tư vấn doanh nghiệp từ 6 đến 12 tháng”, Hoàng Đình Trọng nói và tự hào kể rằng, chỉ sau 2 năm thành lập, mạng lưới của PDCA đã phủ rộng khắp cả nước, mỗi tháng lại có thêm 1.000 “học viên” là CEO của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trọng là chủ Công ty PDCA, đồng thời cũng là giảng viên chính thức, nói đúng hơn là giảng viên duy nhất. Trọng bảo, cái tên PDCA thì thực ra cũng không quá khó hiểu, bởi nó được lấy cảm hứng từ một chu trình quản lý PDCA rất nổi tiếng của người Nhật. Một cách đơn giản, 4 chữ cái ấy là được ghép từ 4 từ tiếng Anh “Plan-Do-Check-Action”. “Plan” là việc hoạch định và lập kế hoạch cụ thể cho công việc; “Do” nghĩa là triển khai và thực hiện ngay kế hoạch đó; “Check” nghĩa là kiểm tra lại những công việc mình đã thực hiện; còn “Action” là hành động cải tiến, tiêu chuẩn hóa thành chu trình, quy trình chuẩn.

“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thất bại không phải vì thiếu vốn hay kinh nghiệm, mà là do cách làm. Tuân thủ theo chu trình quản lý chuẩn PDCA, doanh nghiệp sẽ thành công”, Trọng lý giải với tôi.

Bây giờ thì tôi cũng đã hiểu vì sao Trọng bảo rằng, cậu muốn PDCA trở thành một “cái ống” hoàn hảo, mà sau khi đi qua cái ống đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học được cách làm doanh nghiệp bài bản. 

Phong trào khởi nghiệp đang khá rầm rộ ở Việt Nam, và đó chính là “đất” để Trọng “trình diễn”. Trọng bảo, PDCA có thể nói là mô hình đầu tiên ở Việt Nam đào tạo theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” chi tiết đến vậy cho các doanh nghiệp. PDCA chính là “lò đào tạo” doanh nhân một cách bài bản.

Đi lên từ số 0 và những đổ vỡ

Nhìn Trọng có vẻ già dặn, chững chạc hơn so với tuổi của mình. Nhưng khi nói chuyện, cậu ấy lại nhiệt tình và hồ hởi như… một đứa trẻ. Trọng kể, cậu thực sự đi lên từ số 0, từ bàn tay trắng.

Mà đúng như vậy thật. PCDA chỉ là một trong những công ty mới nhất của Trọng. Còn thực tế, Trọng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh của Trường đại học Thương mại. Chính xác là năm thứ hai, sau một thời gian lăn lộn làm thêm bằng việc đi lắp đặt điều hòa để kiếm sống, được thầy giáo động viên, Trọng quyết định thành lập Công ty Điện lạnh TST. Số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng, có được là nhờ bán số phần thưởng mà Trọng đã giành được sau khi trở thành người thắng cuộc của cuộc thi Hãy chọn giá đúng trên Truyền hình Việt Nam.

“Lúc ấy, chẳng nghĩ gì tới chiến lược bài bản, chỉ tính chuyện kiếm tiền để lo việc học hành. Công ty mới, không có người nên giám đốc kiêm thợ, kiêm xe ôm, kiêm bốc vác luôn…”, Trọng cười.

Ấy vậy mà lại thành công. Cứ nhận đơn hàng rồi đi lắp đặt điều hòa khắp các công trình. Năm đầu tiên, doanh thu đã là 80 triệu đồng. Năm thứ hai, tăng vọt lên 8 tỷ đồng. Hào hứng lắm. Ai cũng khen ngợi nên nhiều lúc Trọng như ở trên mây xanh, tưởng làm giàu chẳng khó gì. Rồi lại vừa được học về đòn bẩy tài chính, đòn bẩy con người, nên cứ nghĩ, nếu 4 người đã làm được 8 tỷ đồng, thì 20 người có khi sẽ là 40 tỷ đồng…

“Nghĩ thế, nên tôi ồ ạt tuyển dụng, vẽ sơ đồ tổ chức rất hoành tráng, chỉ trong vòng 1 năm đã nâng quân số lên 60 người. Nhưng doanh thu thì tăng chậm, mà chi phí thì đội lên hàng ngày, nên chẳng mấy chốc cạn vốn, nợ lương anh em tới 6 tháng, mọi người bỏ đi hết. Định dùng đòn bẩy để phát triển, mà cuối cùng, đòn bị… gẫy”, Hoàng Đình Trọng cười sảng khoái và bảo, sau đận ấy, cậu chán nản nằm bẹp trong nhà,  chẳng cơm nước gì, cũng chẳng buồn đến trường.

Nhưng rồi suy đi tính lại, cũng tự nhận ra mình đã “sai” ở đâu đó, cậu quyết định “đập đi làm lại”. Thay vì nhận thầu lắp đặt các hệ thống điều hòa, Trọng chỉ chọn một thị trường ngách, đó là nhận bảo trì và chỉ hướng tới một đối tượng khách hàng duy nhất là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thế mà rồi thành công, Trọng có đơn hàng của hàng loạt công ty lớn như Samsung, Brother…, không chỉ bảo trì 1  lần/năm, mà là 4 lần/năm.

“Không thể gặp 1.000 người là bán hàng cho cả 1.000. Tôi đã biết cách chọn những đối tượng khách hàng có doanh thu lặp lại. Và như hiệu ứng vết dầu loang, các doanh nghiệp ban đầu chỉ ‘nhờ’  bảo trì một loại sản phẩm, sau đó nhiều hơn. Từ một khách hàng như Samsung, chúng tôi lại nhận đơn hàng từ các nhà thầu phụ của họ nữa. Thế là thành công. TST được vực dậy”, Trọng kể.

Là nói một cách đơn giản như vậy thôi, bởi bước thăng trầm của TST sau đó còn nhiều. “Có tới 8 lần ‘đập đi’, 6 lần lớn và 2 lần nhỏ, doanh thu như một đồ thị hình sin.  Ngồi tính lại, thì tôi đã phải trả giá cho những lần đập đi đó khoảng 8 tỷ đồng”, Trọng nói, nhưng không cho rằng đó là thất bại mà chỉ là những sự thử nghiệm.

Và giờ thì TST vận hành đã ổn định. Doanh thu cũng vài ba chục tỷ đồng/năm. Nhưng Trọng giờ không trực tiếp quản lý TST nữa mà rút về làm Chủ tịch. Một bộ máy điều hành mới được hình thành, với nguyên tắc là không chia sẻ sở hữu nhưng chia sẻ lợi nhuận. Sau TST, Trọng cũng đã thành lập thêm cả Công ty Xuất nhập khẩu HHT Việt Nam, nhưng sau cũng đã quyết định bán đi.

Trọng hiện chỉ lo tập trung vào phát triển cái “ống” sản xuất doanh nghiệp PDCA , cái ống mà Trọng quyết định thành lập sau những thất bại và thành công của cá nhân mình, sau những chuyến đi dài khắp trong Nam ngoài Bắc, sang cả Nhật, cả Mỹ để tìm hiểu vì sao các công ty trong Fortune 500 lại thành công và trường tồn, dù họ cũng chỉ bắt đầu bằng một xưởng sản xuất nhỏ.

Những nghiên cứu thấu đáo, cộng thêm kinh nghiệm 10 năm trên thương trường khiến Trọng có nhiều bài học kinh nghiệm xương máu. Ban đầu, chỉ là chia sẻ trong nhóm anh em, bạn bè, sau rồi được khuyến khích để mở PDCA và thành lập “lò luyện” doanh nhân Việt Nam.

“Nhiều CEO rất thích những gì mà tôi chia sẻ. Bởi những vấn đề mà họ gặp phải, từ chuyện gặp trục trặc với hóa đơn tài chính, hay lao động bỏ đi…, thì tôi đều cũng đã từng gặp phải và chân tình chia sẻ với họ, không phải bằng lý thuyết mà bằng những trải nghiệm thực tế”, Trọng nói.

Tôi thì cứ nghĩ, chính thái độ ham học hỏi, nghiên cứu một cách nghiêm túc và cả những trải nghiệm mà Trọng đã từng có, kinh nghiệm đưa công ty của mình từ số 0, từ những thất bại và đổ vỡ đã giúp Trọng có được uy tín trong việc “lên lớp” cho các CEO.

“Thực ra những trải nghiệm của tôi mới là điều quan trọng nhất. Chính là tôi đã phải bỏ ra 8 tỷ đồng để trả học phí cho các học viên của mình. Và giờ, khi họ nhận được những giá trị từ các chia sẻ của tôi, họ lại trả học phí cho tôi”, Trọng cười.

Khát vọng tương lai

Mới là những bước đi đầu tiên, còn cả một chặng đường dài phía trước để Trọng thực hiện khát vọng biến PCDA thành một cái ống để đầu vào là ý tưởng khởi nghiệp nhưng đầu ra là doanh nghiệp thành công.

Với những trải nghiệm mà Hoàng Đình Trọng đã có, với việc đưa doanh nghiệp của mình đi lên từ số 0 và những đổ vỡ, Trọng có đầy đủ yếu tố để trở thành một nhà tư vấn doanh nghiệp kỳ cựu. Và là một doanh nhân thành công.

“Tôi thực sự muốn biến PCDA thành cỗ máy sản xuất doanh nghiệp bài bản”, Trọng nói và cho biết, kế hoạch phát triển PCDA đã được vạch ra thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, 3 năm đầu tiên, sẽ tập trung vào công tác đào tạo để thổi bùng làn sóng làm doanh nghiệp bài bản. Giai đoạn 2, sẽ hợp tác các chuyên gia trong và ngoài nước để thành lập các trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Còn giai đoạn 3, là xúc tiến, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chỉ mới cách đây ít ngày thôi, PCDA đã cùng các đối tác tổ chức thành công một chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản.

“Tôi ước mơ sẽ có 1.000 công ty đi kinh doanh quốc tế, trong đó có 300 công ty thành công”, Trọng nói.

Chẳng ai “đánh thuế” ước mơ. Nếu không ước mơ thì sao có thể thành công.

Và dường như, Trọng đang bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên cho chặng đường kinh doanh quốc tế của mình. Trọng đang lên kế hoạch mua một công ty của Nhật Bản, để đặt chân đến thị trường mà hiện tại rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhắm nhe, cũng rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác với Việt Nam. Công ty ấy là một sự khởi đầu cho ước mơ kinh doanh quốc tế, cho kế hoạch đứng trên vai người khổng lồ để tiến bước. Công ty ấy, trong kế hoạch của Trọng, là sẽ sớm trở thành cầu nối để các doanh nghiệp Việt - Nhật kết nối thành công.

Còn cả một chặng đường dài phía trước để khẳng định những thành công sau này của Hoàng Đình Trọng và PDCA. Nhưng tôi thì rất tin vào sức trẻ và sự sáng tạo của những con người Việt Nam.

Lại quay trở lại với câu chuyện tuổi tác mà Trọng muốn giấu. Tôi còn nhớ, Forbes đã có hẳn một danh sách Under 30 rất đáng ngưỡng mộ. Vậy thì trẻ tuổi không có nghĩa là kém giỏi hơn, mà là tuổi trẻ tài cao.

Dù vậy, vì Trọng không muốn tôi tiết lộ tuổi hiện thời của cậu ấy, nên tôi chỉ có thể nói là, tháng 7 năm ngoái, khi Hoàng Định Trọng có một bài phát biểu trước Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về lý do vì sao hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam phá sản, dừng hoạt động trong những năm qua và đã gây được ấn tượng mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp, thì cậu ấy chỉ vừa tròn 30 tuổi.

Doanh nhân Ngô Thị Thùy Trang: Vui khi đã tạo nên một xu hướng giáo dục mới
Chia sẻ về lý do vì sao lại làm nhiều việc, kinh doanh nhiều lĩnh vực, doanh nhân Ngô Thị Thùy Trang cho biết không chỉ đơn thuần muốn kiếm nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư