Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững
Nguyên Đức - 04/12/2015 09:44
 
Việt Nam đang hướng tới xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh, tăng trưởng và bền vững. Đó cũng là chủ đề của Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), diễn ra vào ngày mai (5/12) tại Hà Nội. Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển sẽ tập trung thảo luận về ba đột phá chiến lược là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, để làm sao đạt mục tiêu này.

Từ nỗ lực đảo ngược suy giảm kinh tế

Còn gần một tháng nữa, năm kế hoạch 2015 mới kết thúc, song tới thời điểm này đã có thể khẳng định, Việt Nam có một năm khá thành công, với tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6,5%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, lạm phát ở mức thấp, nhiều khả năng chỉ xoay quanh ngưỡng 1%. Điều đó có nghĩa rằng, không chỉ ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc hơn, mà nền kinh tế đã đạt được tốc độ tăng trưởng hợp lý - đúng với mục tiêu mà nhiều năm nay, Việt Nam đã đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi báo cáo trước Quốc hội cách đây ít lâu cũng đã khẳng định điều này. “Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao, chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tìm biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế luôn là mối quan tâm của Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Tìm biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế luôn là mối quan tâm của Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, công bố ngay trước thềm VDPF cũng đã khẳng định, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ và phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước, nhờ gia tăng đầu tưtiêu dùng cá nhân.

“Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định và cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng.

WB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 6,5%, còn năm tới là 6,6%. Tuy nhiên, triển vọng trong trung và dài hạn, thì còn tích cực hơn.

Thậm chí, còn lạc quan hơn cả WB, trong báo cáo gần đây nhất về nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng ANZ đã nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% trong năm nay và 6,9% trong năm tới.

Dẫn lại dự báo này của ANZ, trong một báo cáo về cải cách thể chế dự kiến được trình bày tại VDPF, đối tác phát triển Australia của Việt Nam đã nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam đã không ngừng cải cách và thực hiện một loạt hành động để “đảo ngược” xu hướng suy giảm tăng trưởng kinh tế, bắt đầu từ năm 2008.

“Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2008 - 2014 chỉ là 5,8% so với 6,9% của giai đoạn 2000 - 2007. Đặc biệt, từ năm 2011, nền kinh tế đã gặp phải những vấn đề cơ cấu nghiêm trọng, như hệ thống ngân hàng bị đè nặng bởi nợ xấu, hiệu quả thấp trong đầu tư công và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng các nỗ lực cải cách liên tục đã đem lại một số kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP đã đảo chiều từ giữa năm 2014. Tốc độ tăng trưởng năm 2014 đạt 5,98% cao hơn so với kế hoạch 5,8%, và dự báo tăng trưởng độc lập cho 2015 đã được liên tục nâng lên đến mức 6,5% và 6,8% so với mục tiêu 6,2% của Chính phủ”, báo cáo của   Australia nhận định.

Và một cách rõ ràng, những thành tựu này - với tăng trưởng GDP bình quân 5 năm (2011 - 2015) đạt khoảng 5,9% và với việc Việt Nam đã có được những bước đi quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - chính là nền tảng để Việt Nam chuẩn bị cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Kế hoạch này hiện vẫn đang được hoàn thiện, song những mục tiêu quan trọng nhất đã được đặt ra, đó là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Mục tiêu cụ thể, đó là tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%, năng suất lao động xã hội tăng 4 - 5%/năm…

Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững

Việt Nam bắt đầu Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 vào đúng thời điểm “một không gian kinh tế mới” đang được mở ra, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết. Chẳng hạn, FTA với Hàn Quốc, với EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như việc Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Rất nhiều cơ hội được mở ra, mà chỉ đơn cử với TPP, WB đã nhận định rằng, hiệp định thế kỷ này “sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam”.

“Các kết quả mô phỏng cho thấy, trong vòng 20 năm tới, TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ và cho rằng, TPP sẽ không chỉ giúp Việt Nam cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam.

Những cải cách tiếp theo này đang được kỳ vọng sẽ được đặt ra và quyết nghị khi Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XII vào đầu năm tới. Thực tế cho thấy, dù đã đạt được những thành tựu quan trọng là đã “đảo ngược” suy giảm kinh tế, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức, rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt và điều này xuất phát từ những điểm yếu của nền kinh tế.

“Dù viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực - dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp, nhưng tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn, và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khoá sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công”, bà Kwakwa nói và cho rằng, trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, cần đảm bảo quản lý kinh tế vĩ mô tốt thì mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai.

“Phải tiếp tục củng cố tài khoá, đẩy nhanh cải cách cơ cấu và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi”, bà Kwakwa khuyến nghị.

Trong khi đó, báo cáo của đối tác phát triển Australia cũng đã vạch ra 3 điểm yếu của nền kinh tế. Đó là gần đây, nền kinh tế Việt Nam có tăng trưởng năng suất thấp và ngày càng giảm, với tốc độ tăng năng suất lao động giảm từ 5,3% năm 2006 xuống 3,3% năm 2013; các nguồn lực đang bị định hướng đến những hoạt động không hiệu quả; sau 30 năm xây dựng kinh tế thị trường, nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn yếu và mong manh.

“Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động với năng suất thấp, thua lỗ hoặc lãi không đáng kể. Còn các doanh nghiệp tư nhân thì 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, và đáng lo hơn là khi các doanh nghiệp tư nhân gia tăng quy mô thì họ lại hoạt động kém hiệu quả hơn”, báo cáo của Australia nhận định.

Câu chuyện bắt nguồn từ tính không ổn định và không nhất quán của môi trường thể chế, từ sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước đối với các yếu tố đầu vào chính và sự can thiệp vào nền kinh tế bằng sở hữu và các biện pháp hành chính, cùng một sự cạnh tranh yếu và không công bằng dưới dạng độc quyền doanh nghiệp nhà nước của nền kinh tế.

Bởi vậy, hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững, một trong những giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược là thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, trong đó cải cách thể chế kinh tế là “đột phá của đột phá”.

Tập trung cải cách thể chế kinh tế

“Việt Nam thực sự có cơ hội trở thành một nền kinh tế tăng trưởng cao và thịnh vượng, nhờ hội nhập toàn cầu và khu vực sâu rộng hơn, thông qua TPP, AEC và các FTA. Quan trọng hơn Đại hội Đảng sắp tới sẽ thảo luận và thông qua các chính sách tầm chiến lược mới để tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong dài hạn. Nhưng để có thể tranh thủ các cơ hội và hóa giải thách thức, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp táo bạo để nâng cấp thể chế và quản trị kinh tế của mình”, đối tác Australia khuyến nghị.

Báo cáo của Australia đã vạch ra tới 14 giải pháp Việt Nam cần thực hiện để cải cách thể chế, từ cải thiện hơn nữa tự do kinh doanh, ưu tiên chính sách cạnh tranh như một trụ cột của kinh tế thị trường, đến sắp xếp và áp đặt kỷ luật đối với DNNN để hỗ trợ cạnh tranh, rồi thay đổi tư duy về hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân…

“Trách nhiệm của nhà nước là thiết kế và thực hiện các thể chế thị trường tốt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng. Trong quá trình chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, Chính phủ Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng thể chế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Tuy nhiên, sự thực là Chính phủ vẫn cần làm nhiều hơn nữa để điều chỉnh trọng tâm phát triển và xây dựng một khung khổ pháp lý tương thích hơn với kinh tế thị trường”, báo cáo của Australia nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam đã có những cải cách mạnh mẽ củng cố, mở rộng và bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm rủi ro, giảm chi phí và thuận lợi hóa các hoạt động kinh doanh và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục cải cách, đặc biệt là việc thiết lập và thực thi một chính sách cạnh tranh toàn diện, nhằm triệt để xóa bỏ các rào cản kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp không phân biệt sở hữu.

“Thiếu một chính sách cạnh tranh toàn diện và hiệu quả đang làm cho nền kinh tế trở nên kém năng động, làm giảm tốc độ gia tăng của năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội”, ông Cung khẳng định và cho rằng, cải cách thể chế cần được nhìn rộng và toàn diện hơn, bao gồm cả tư pháp và lập pháp. Và đây cũng là vấn đề cần được tập trung cải cách trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Tất cả vì sự bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế"
Sáng nay 1/12/2015, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2015 (VBF) cuối kỳ đã chính thức khai mạc với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư