Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hy hữu ứng thầu được chọn bỏ cuộc tại Dự án LRAMP
Bảo Như - 28/05/2018 09:18
 
Gói thầu CS1 (Kiểm toán tài chính và xác minh độc lập bộ chỉ số giải ngân thuộc Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương -LRAMP) vẫn chưa thể tìm được nhà thầu dù gói thầu này đã được mở hồ sơ đề xuất cách đây 10 tháng.

Chậm trễ

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa phát văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 6 rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm về việc chậm trễ thực hiện các thủ tục đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định và phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu Gói thầu CS1. 

Thi công tại Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương. Ảnh: Anh Minh
Thi công tại Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương. Ảnh: Anh Minh

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu nêu trên, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật, quy định và hướng dẫn của nhà tài trợ. Trong quá trình triển khai công tác lựa chọn nhà thầu, trường hợp cần thiết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo, xin ý kiến nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới  - WB) để được hướng dẫn thực hiện.

“Trong giai đoạn tiếp theo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 6 thực hiện đầy đủ thẩm quyền của chủ đầu tư, của bên mời thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, trong việc giải quyết kiến nghị, xử lý tình huống trong đấu thầu và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án”, văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ.

Trước đó, vào ngày 18/4/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Văn bản số 2200/TCĐBVN - CQLXD báo cáo Bộ GTVT tình huống đấu thầu và xin định hướng xử lý công tác lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu CS1.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Gói thầu CS1 thuộc Hợp phần tư vấn chung, Dự án LRAMP (sử dụng vốn vay WB) có giá gói thầu 2,23 triệu USD, được tuyển chọn nhà thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế theo QCBS/2 túi hồ sơ. Gói thầu được Ban quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư) mở Hồ sơ đề xuất kỹ thuật vào ngày 14/7/2017 trên cơ sở hồ sơ dự thầu của 5 liên danh nhà thầu tư vấn. 

Trên cơ sở công thư không phản đối của WB vào đầu tháng 2/2018, ngày 13/2/2018, chủ đầu tư tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính của các nhà thầu đạt bước kỹ thuật với nhà thầu có số điểm cao nhất (81 điểm) thuộc về liên danh Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - Công ty CP Tư vấn và xây dựng Tân Phong. Liên danh này có giá dự thầu là 25 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 

8 tỷ đồng so với ứng thầu đứng sau.

Điều đáng nói là, ngay sau khi nhận được thư mời thương thảo của chủ đầu tư, liên danh Deloitte Việt Nam - Tân Phong đã có văn bản đề nghị không thực hiện việc thương thảo hợp đồng và không tiếp tục gia hạn hiệu lực Hồ sơ dự thầu.

Trong văn bản gửi bên mời thầu vào ngày 3/4/2018, liên danh Deloitte Việt Nam - Tân Phong cho biết là, “do thời gian thực hiện công việc kiểm toán báo cáo tài chính và xác minh độc lập bộ chỉ số giải ngân của Dự án có thay đổi, nên sau khi rà soát kế hoạch nhân viên của cả 2 bên trong liên danh, chúng tôi thấy không thể bố trí được nhân sự một cách tốt nhất đáp ứng yêu cầu triển khai công việc và đảm bảo chất lượng dịch vụ”. 

Trong các văn bản và tại các buổi làm việc tiếp theo với chủ đầu tư, liên danh Deloitte Việt Nam - Tân Phong kiên định với việc không gia hạn HSDT và không tiến hành thương thảo hợp đồng, dù Ban quản lý dự án 6 liên tục phát văn bản thúc.

Khó xử lý nhà thầu bỏ cuộc

Để tìm lối thoát cho tình huống hy hữu này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xin ý kiến WB cho phép chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án 6 được mời nhà thầu xếp thứ 2 (Liên danh Công ty CP Tư vấn Đấu thầu và Xây dựng Việt Nam + Công ty TNHH Nexia STT) thương thảo hợp đồng trên cơ sở giá của nhà thầu xếp thứ nhất.

Được biết, nội dung này tuy chưa thỏa mãn quy định tại Mục 2.29 của Hướng dẫn tuyển chọn tư vấn của WB, nhưng do đây là tình huống đấu thầu, nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận.

Trường hợp thương thảo với nhà thầu xếp thứ 2 với phương án nêu trên không thành công, thì sẽ tiếp tục mời nhà thầu xếp thứ 3 vào thương thảo với phương án tương tự. Nếu trường hợp đàm phán tiếp theo cũng không thành công, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ báo cáo WB và Bộ GTVT xin hủy kết quả lựa chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu lại.

Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ thông báo việc tham gia đấu thầu của Liên danh Deloitte Việt Nam - Công ty CP TV&XD Tân Phong tới WB, Bộ GTVT và cơ quan có liên quan.

Hiện chưa rõ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất chế tài gì với ứng thầu từ chối đàm phán là Liên danh Deloitte Việt Nam - Tân Phong. Tuy nhiên, việc liên danh Deloitte Việt Nam - Tân Phong không tiến hành thương thảo hợp đồng là có cơ sở, bởi kể từ khi Dự án tiến hành mở hồ sơ đề xuất tới khi công bố nhà thầu được lựa chọn là quá dài này chắc chắn sẽ làm biến dạng kế hoạch bố trí các nhân sự kiểm toán chủ chốt của ứng thầu. 

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Gói thầu CS1 được Ban Quản lý dự án 6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mở Hồ sơ đề xuất kỹ thuật từ ngày 14/7/2017, đến nay đã hơn 10 tháng, nhưng vẫn chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Như vậy, đã không đảm bảo quy định về thời gian trong đấu thầu quy định tại Điều 12, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (thời gian đánh giá HSDT tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu).

Quy định về số gói thầu tối đa một đơn vị tư vấn được nhận trong một dự án?
Theo quy định, nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư