Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Khát vọng kinh doanh đang rần rật chảy
Bảo Duy - 13/10/2020 08:00
 
Khát vọng được trải nghiệm, được khẳng định, được cống hiến đang chảy mạnh trong huyết mạch, khiến giới doanh nhân luôn bươn trải để vượt lên, dù trong trạng thái nào.
Ông Phạm Đình Đoàn (ngoài cùng, bên phải) và các doanh nhân Việt Nam tham gia sự kiện kỷ niệm 16 năm Ngày doanh nhân Việt Nam tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Chí Cường
Ông Phạm Đình Đoàn (ngoài cùng, bên phải) và các doanh nhân Việt Nam tham gia sự kiện kỷ niệm 16 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Chí Cường

1.
“Không, chưa bao giờ tôi có ý định rời Việt Nam”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nói khi nhìn xoáy sâu vào người đặt câu hỏi.

Câu chuyện đang xoay quanh những khó khăn chồng chất của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Lý do không chỉ bởi Covid-19. Nhiều người đang kể dự án bị chậm vì thủ tục hành chính rối rắm, phức tạp, vì các quy định chưa rõ ràng, vì không ai dám làm do sợ bị quy chụp sai phạm…, khiến rủi ro trong kinh doanh lớn lên. Không ít doanh nhân, kể cả những doanh nhân lớn đã dừng lại, chuyển hướng. Có người rẽ lối, tìm hạnh phúc riêng ở chân trời khác. Có người muốn biết ông Đoàn tính toán thế nào.

Ông Đoàn cũng không trách người hỏi, nhưng ông muốn nhắn nhủ rằng, là người Việt, phải yêu, phải hiểu đất nước mình, dân tộc mình, thì mới có được những đóng góp có giá trị.

“Là doanh nhân, nếu không yêu, không hiểu nước mình, dân tộc mình, thì sẽ không thể gây dựng được doanh nghiệp Việt thực sự”, ông Đoàn tâm sự.

Nhìn lại giai đoạn phát triển của nền kinh tế, đã có những lúc, không gian cho kinh doanh gần như bị nghẹt lại, như những năm đầu thế kỷ XX hay những năm ngay sau Đổi mới.

Không ít thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của đời mình trong bối cảnh khó khăn, là chứng nhân trong cuộc của gần như toàn bộ quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam với những va chạm không hề nhỏ về tư duy phát triển, tư duy về kinh tế tư nhân. Trong số này, nhiều người do bị áp lực bởi đói nghèo, bởi khó được coi trọng trong môi trường khác… nên  phải chọn làm... doanh nhân.

“Tôi cũng có dịp nói chuyện với nhiều anh chị doanh nhân thế hệ đầu tiên. Họ nói về rủi ro thị trường, rủi ro thể chế, thậm chí đôi khi vẫn phải nương theo cơ chế để sống…, nhưng với sự thấu hiểu thực tế và suy nghĩ tích cực. Họ nói, sẽ làm nhiều việc hơn, để đến khi nhắm mắt, không phải hối tiếc, để con cháu mình sau này sẽ sống trong một xã hội không chỉ giàu có hơn, mà còn hạnh phúc hơn, đàng hoàng hơn… Tôi vẫn đang học từ họ và muốn chia sẻ điều này với nhiều doanh nhân khác, để cùng làm như vậy”, ông Đoàn tâm sự.

2.

Trong kinh doanh, khó khăn từ thị trường và do cạnh tranh luôn thường trực. Nhưng trong môi trường kinh doanh đang trong quá trình hoàn thiện, chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại như ở Việt Nam, nhiều khi, sự chênh lệch giữa đường hướng phát triển và thực thi khiến niềm tin kinh doanh trồi sụt, có doanh nhân rút lui, tìm đến “thẻ xanh, thẻ đỏ” cũng là dễ hiểu.

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế chia sẻ với những giằng xé  của nhiều doanh nhân.

Cách đây 6 năm, trong lời tựa cho cuốn sách “Những người làm chủ số 1 Việt Nam”, xuất bản từ năm 2014 của tác giả trẻ Đàm Linh, mà ông Đoàn là một trong 10 nhân vật được kể, ông Thành đã viết rằng, họ là những người bươn trải và tạm gọi là thành công, nhưng dù một mai họ có thể không còn là số 1 nữa, thì sự dấn thân của họ, khát vọng của họ vượt lên trên câu chuyện sản xuất kinh doanh, trên mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của họ.

“Có thể ai đó nói tôi sử dụng ngôn từ, nhưng tôi cảm nhận được phần chân thật rất rõ khi các doanh nhân nói về khát vọng Việt Nam, khát vọng phải sống ra sống, sống đàng hoàng, sống hạnh phúc”, ông Thành chia sẻ.

Đây không chỉ là khát vọng của các doanh nhân, mà là khát vọng của dân tộc, khát vọng của từng người Việt. Có thể trong các văn bản, các nghiên cứu, thuật ngữ hay được dùng là “mục tiêu vào nhóm nước thu nhập trung bình cao”, nhưng trong dân gian, theo ông Thành, đó là mong muốn sống tốt hơn.

“Tôi từng tự hỏi, tại sao doanh nghiệp Việt đón nhận cải cách, đổi mới và cả hội nhập êm ấm thế. Phải chăng, đó là hành động thiết thực nhất, chân thật nhất của khát vọng muốn vươn lên, muốn thay đổi”, ông Thành lý giải.

Thực tế, trước mỗi thay đổi, dù là một văn bản được ban hành hay một hiệp định thương mại được ký kết, hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị tác động. Nếu nhìn ở góc độ bị đặt vào thế phải cạnh tranh, phải thêm chi phí tuân thủ..., thậm chí có ngành còn bị đẩy vào thế kẹt, nhất là trong giai đoạn ngắn hạn, do mở cửa hội nhập, tăng sự cạnh tranh, chi phí chuyển đổi lớn, thì tác động sẽ là tiêu cực. Ở nhiều nền kinh tế, đây là nguyên do của những cuộc biểu tình chống lại hội nhập, toàn cầu hóa…

Song, giới chuyên gia kinh tế phân tích, các doanh nghiệp Việt thường nhìn thấy cơ hội, tiềm năng phát triển lớn hơn từ chuyển động của xu thế phát triển, của cạnh tranh, của hội nhập. Mỗi lần Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường thế giới là mỗi lần doanh nghiệp Việt Nam bừng dậy, doanh nhân Việt lớn hơn.

Vào thời điểm này, các doanh nghiệp lớn nói nhiều về cơ hội lớn lên, gia nhập nhóm các doanh nghiệp tầm khu vực, châu lục và xa hơn là toàn cầu. Giới khởi nghiệp sáng tạo cũng hào hứng với cơ hội hòa nhập với cộng đồng toàn cầu.

Ngay trong bối cảnh Covid-19, hàng loạt tọa đàm trực tuyến, các cuộc làm việc bàn cách tìm cơ trong nguy, tìm cách phát triển bền vững, trường tồn trong thế giới bất định… của các doanh nghiệp diễn ra dày đặc. Khát vọng được trải nghiệm, được cống hiến đang chảy mạnh trong huyết mạch, khiến các doanh nhân luôn bươn trải để vượt lên, dù ở trạng thái nào, bình thường mới hay cũ. Chính tâm thế này khiến các doanh nghiệp đang thay đổi nhanh về cách ứng xử, về cả tầm nhìn ở góc độ linh hoạt, sáng tạo và tốc độ.

“Tất nhiên, môi trường kinh doanh ít rủi ro, có thể tiên liệu được, môi trường kinh doanh an toàn, bảo vệ quyền kinh doanh sẽ hậu thuẫn cho sự lớn lên này được bền vững”, ông Thành nói.

Ý kiến - Nhận định

Chiến lược phát triển bền vững chưa bao giờ là giáo điều.

Bà Nguyễn Trà My, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn, doanh nghiệp lớn chọn phát triển bền vững vì có nhiều tiền, vậy doanh nghiệp nhỏ và vừa lấy đâu nguồn lực. Tôi không nghĩ thế! Dù là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu xác định làm ăn đường dài thì phải tính ngay đến phát triển bền vững.

Đơn cử, trong giai đoạn dịch bệnh, đối tác không thể sang kiểm tra hàng như thông lệ, nhưng xuất khẩu của Sao Ta vẫn rất tốt.

Có được như vậy là khách hàng tin vào những gì chúng tôi tuân thủ bao nhiêu năm qua.

Nếu các doanh nghiệp nhỏ cũng tuân thủ, thì khách hàng sẽ nhìn thấy, các quỹ đầu tư sẽ nhìn thấy và họ sẽ đến với doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, phát triển bền vững chưa bao giờ là giáo điều.

Sẽ không bao giờ có đột phá sau một đêm, mà đều có sự chuẩn bị.

Ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc PNJ

Sẽ không bao giờ có đột phá sau một đêm, mà đều có sự chuẩn bị, khi gặp vấn đề, chỉ cần bấm F5 để refresh, chứ không làm lại.

Nhờ vậy, chúng tôi vẫn tăng trưởng dương trong năm nay, trong khi ngành giảm 30 - 40%. Tuy nhiên, đó là kết quả của nhiều đêm tranh luận. Trong thách thức, nhìn được con đường là một việc, nhưng phải thực hiện với tốc độ thế nào để thoát ra được vòng xoáy là quan trọng. Đặc biệt, trong cơn bão, tỉnh táo tìm ra cơ hội thực sự, đâu là ảo, đâu là thật cũng đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm, cần người phản biện. Trong lúc tối, chỗ sáng duy nhất có khi sẽ dẫn đến… chỗ tối nữa. Tất nhiên, quan trọng nhất là phải hiểu mình, để xác định cơ hội có hợp với khả năng của doanh nghiệp không…

Doanh nghiệp vẫn luôn đi tìm cơ trong nguy.

Ông Đỗ Văn Thức, đồng sáng lập, Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Du lịch Đất Việt (TP.HCM)

Covid-19 đã làm 90% doanh nghiệp ngành du lịch TP.HCM đóng cửa, 80% lao động trong ngành nghỉ không lương...

Nhưng sự đào thải, sàng lọc này đã tạo ra sân chơi mới. Theo đó, doanh nghiệp nào tồn tại được đều là những người sống chết với nghề, đã có nền tảng vững vàng trước đó. Miếng bánh thị trường đang được phân chia lại, đối thủ bớt đi, nhưng mạnh hơn.

Để chuẩn bị quay lại, chiếm lĩnh thị trường, chúng tôi phải thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, làm gọn nhẹ, đơn giản bộ máy...

Trong tâm bão, có những khoảng lặng để chúng ta soi lại mình, soi lại cách làm và cơ hội sẽ xuất hiện từ những thay đổi đó.
Tập trung cho giải pháp tái khởi động kinh doanh
Thu hút dòng vốn đầu tư mới, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và rộng vào chuỗi giá trị là những cơ hội để Việt Nam tái khởi động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư