Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Khởi động dự án tăng cường kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam
Hải Hà - 04/04/2016 21:08
 
Chiều nay, 4/4, tại Hà Nội, dự án “YouthSpark Career Readiness-Tăng cường kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên và kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ” chính thức được khởi động.

Dự án này đánh dấu bước kế tiếp của chuỗi dự án nhằm kết nối cung và cầu trên thị trường lao động, đặc biệt là lao động cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do Microsoft thực hiện tại Việt Nam.

Tham vọng lớn hơn được dự án đặt ra là hỗ trợ tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam thành công trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh, hội nhập.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Giám đốc khối Chính phủ và Doanh nghiệp nhà nước, Microsoft Việt Nam khẳng định: “Microsoft cam kết tạo điều kiện cho thanh niên trên toàn cầu nắm bắt cơ hội để phát triển thành công. Tại Việt Nam, dự án này là một trong những cam kết của Microsoft nhằm tiếp sức cho các bạn trẻ Việt bước vào thị trường lao động hội nhập.”

.
.

Ông Quỳnh nhấn mạnh thêm, dự án này thể hiện cam kết lâu dài của Microsoft đối với Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển CNTT cho nền kinh tế đất nước thông qua quá trình thúc đẩy từng cá nhân sử dụng CNTT nhằm phát huy tối đa năng lực.  

Dự án có mục tiêu giới thiệu khoa học máy tính và cập nhật kỹ năng thông tin hỗ trợ thanh niên, doanh nhân trẻ, lao động trong các DNNVV cải thiện năng lực làm việc, khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động; cung cấp kỹ năng nghề nghiệp cho các bạn trẻ đang tìm kiếm việc làm, phát triển nghề nghiệp hoặc muốn khởi sự kinh doanh; hỗ trợ DNNVV những kiến thức quản lý kinh doanh nhằm thực hiện hiệu quả công việc kinh doanh.

Phát biểu tại buổi lễ khởi động, ông Ngô Hùng Tín, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, là đơn vị đã thành công trong phát triển ngành công nghiệp công nghệ và đã xuất khẩu thiết bị công nghệ, không chỉ VNPT mà các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những ràng buộc cam kết quốc tế trong kinh doanh khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Tín cho biết thêm: “Để tận dụng những cơ hội từ hội nhập, chúng tôi đã chuyển mô hình mới là xây dựng chiến lược xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ. Gia nhập TPP đồng nghĩa với việc thị trường lao động mở nhưng việc sử dụng lao động nước ngoài không đơn giản do chi phí quá cao. Việc lệ thuộc vào nhân lực người nước ngoài cũng khiến tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt giảm. Do đó, tính tới thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hợp tác với Microsoft tại 8 tỉnh nhằm nâng cao chuyển đổi công nghệ cho nguồn nhân lực của Tập đoàn và cho chính nhân lực ở các địa phương này”.  

Với lợi thế trải rộng 63 tỉnh, thành, ông Tín còn đặt kỳ vọng dự án này có thể nâng cao hơn chất lượng nguồn nhân lực công nghệ của tất cả các địa phương trên cả nước.

“Chuyển đổi công nghệ ngày càng ngắn nên dự án được đánh giá là rất quan trọng nếu nó được duy trì liên tục và lâu dài. Dự án này sẽ giúp cho Việt Nam trong việc tạo nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng và thái độ làm việc tốt  nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam.”, ông Tín nói.

Vai trò của dự án còn được nhấn mạnh hơn trong bối cảnh chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam được xem là khá thấp.

Cụ thể, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nếu lấy điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước trong khu vực châu Á.

Cùng với đó, nghiên cứu từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 lao động Maylaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Số lượng lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 20,6% bên cạnh việc thiếu thông tin kết nối giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo, thiếu hệ thống dự báo thị trường lao động….

 Ông Radolph Flay, Giám đốc chương trình hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, các FTA thế hệ mới cũng như Hiệp định TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển trong khu vực châu Á. Sự dịch chuyển lao động sẽ tạo ra sự thay đổi trong giới trẻ giúp người lao động trẻ được tôi luyện nhiều hơn với những kỹ năng khác nhau.

“Việt Nam sẽ có quan hệ đối tác với nhiều quốc gia nên kỹ năng kinh doanh cần linh hoạt hơn. Chuyên môn máy tính là cơ bản nhưng để trở thành nhà quản lý, người lao động trẻ cần nhiều kỹ năng khác nhau. Mặc dù dự án sẽ là cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp qua đối tác của dự án là Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, để tận dụng những hỗ trợ từ dự án, sinh viên cần có định hướng, nắm bắt cơ hội kinh nghiệm thực hành và nắm bắt cơ hội nghề nghiệp ngay trên ghế nhà trường. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ từ dự án này, người lao động trẻ Việt Nam có thể nắm bắt đủ kiến thức, kỹ năng và tâm thế sẵn sàng để làm việc trong môi trường quốc tế.”, ông Flay nói.

Mô hình "chia sẻ thành công" từ câu chuyện khởi nghiệp của Stephen King
Trước khi là một tác giả truyện kinh dị nổi tiếng, Stephen King từng là một doanh nhân trẻ với những bài học khởi nghiệp độc đáo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư