Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Không chủ quan dù test nhanh âm tính
D.Ngân - 14/03/2022 12:58
 
Chuyên gia khuyến cáo, kể cả người có triệu chứng, test nhanh cho kết quả âm tính hay người đã mắc Covid-19 đã âm tính sau khi test nhanh không chủ quan, cần chú ý 5K.

Có sai số nhất định

Có một thực tế là, hiện nay, nhiều gia đình có người thân là F0, những người còn lại dù có triệu chứng như đau mỏi người, ho khan, rát họng, song khi test nhanh nhiều lần liên tiếp vẫn âm tính. Bên cạnh đó, có nhiều người là F0, nhưng chỉ 3-4 ngày, khi test nhanh đã âm tính.

Chuyên gia khuyến cáo, kể cả người có triệu chứng hay người đã mắc cần chú ý 5K dù test nhanh âm tính.

Nói về thực tế này, theo một số chuyên gia, F0 dù kết quả test nhanh âm tính, nhưng thực tế vẫn chưa hết virus trong cơ thể, chỉ số CT vẫn thấp, vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. 

Với trường hợp có các dấu hiệu rõ ràng của bệnh, song khi test nhanh vẫn âm tính, một số nhận định cho rằng, các test nhanh kháng nguyên dường như giảm độ nhạy với chủng Omicron, đặc biệt ở người có miễn dịch tốt, tải lượng virus thấp. 

Theo đó, nhiều trường hợp test 5-7 lần vẫn âm tính dù có dấu hiệu, khi xét nghiệm PCR mới khẳng định. Bên cạnh đó, theo lý giải, việc không phát hiện bệnh có thể còn do chất lượng test, cách lấy mẫu, thời điểm lấy mẫu.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, chủng Omicron có đặc điểm lây bệnh rất nhanh, đôi khi đã xâm nhập vào cơ thể, nhưng kháng nguyên vẫn chưa biểu hiện, do đó, một vài ngày đầu phơi nhiễm có thể chưa phát hiện được bằng test nhanh. 

Còn bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô-xy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng thì nêu ý kiến, với test nhanh, nếu chỉ số CT ở ngưỡng 25-30 hoặc trên 30 thì test nhanh rất khó phát hiện ra virus mà phải tiến hành bằng phương pháp PCR.

Trên thế giới, dữ liệu vào cuối tháng 12/2021 của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận xét nghiệm kháng nguyên vẫn hiệu quả với ca nhiễm Omicron, song độ nhạy giảm. 

Giám đốc Viện Kỹ thuật Sinh học và Hình ảnh Y sinh Quốc gia của NIH, Mỹ, Bruce Tromberg cũng cho rằng, kit thử nhanh phát hiện biến chủng Omicron kém hơn Delta.

Nghiên cứu của Viện Johns Hopkins chỉ ra rằng, lấy mẫu quá sớm trong giai đoạn đầu mắc bệnh có thể dẫn đến kết quả sai. Ngoài ra, một số loại kit kém nhạy cảm hơn với chủng Omicron, đặc biệt trong những ngày đầu mắc Covid-19. 

Theo dữ liệu sơ bộ từ một nghiên cứu đăng tải trên medRxiv, khảo sát hơn 700 người, một loại kit test phổ biến ở Mỹ phát hiện hơn 95% người nhiễm Omicron có tải lượng virus cao. Tuy nhiên, khi tải lượng virus thấp, kit test bỏ sót khoảng 35% ca nhiễm.

Tiến sĩ Gerald W. Fischer dẫn nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy tỷ lệ xét nghiệm âm tính giả ở người mắc Covid có triệu chứng là 20%, người không triệu chứng là 59%.

Không nên bỏ 5K ngay sau khi âm tính

Hiện nay, có một số người chỉ sau khi mắc Covid-19 từ 3 - 5 ngày khi test nhanh âm tính liền bỏ hết các biện pháp phòng dịch. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, đến thời điểm này, chúng ta vẫn dựa theo các kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước khi họ vẫn tính thời gian âm tính ở ngày thứ 7.

Bởi vậy, với các F0 trở lại âm tính sau 3-5 ngày thì không được chủ quan, cần xét nghiệm lại ở ngày thứ 7. 

Người đã đủ 7 ngày chưa âm tính thì theo dõi thêm 3 ngày. Và ngay cả trường hợp sau 7 ngày đã âm tính vẫn cần thực hiện 5K, hạn chế tiếp xúc bởi rất nhiều trường hợp khi test nhanh âm tính nhưng khi xét nghiệm PCR vẫn dương tính với chỉ số CT thấp, tức là vẫn còn nguy cơ lây lan dịch.

“Sau âm tính cần tiếp tục theo dõi thêm, thực hiện nghiêm túc 5K, khi đó mới không có nguy cơ lây virus ra cộng đồng”, ông Nhung khuyến cáo. 

Với ý kiến một số người cho rằng, khi test nhanh vạch mờ hay đậm chính là biểu hiện tình trạng bệnh, điều này là không hoàn toàn chuẩn xác theo lý giải của chuyên gia.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết việc test nhanh cho kết quả vạch mờ hay đậm phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có độ nhạy của kit xét nghiệm.

"Nhiều kit xét nghiệm có độ nhạy rất cao, dù tải lượng virus thấp, nhưng cho lên vạch rất rõ. Cùng với mẫu dịch đó, với loại kit xét nghiệm khác sẽ cho vạch mờ hơn. Thêm vào đó, việc lấy mẫu test có đúng kỹ thuật hay không cũng quyết định đến kết quả test nhanh", bà Vân Anh thông tin.

[Infographic] Hướng dẫn F0 tự điều trị tại nhà
Hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý người mắc Covid-19 tại nhà.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư