Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Không khó khăn nào là vô nghĩa
Huy Hào - 17/02/2013 00:00
 
  Đối với Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thuận Phát Nguyễn Hồng Giang, khó khăn là cái phanh giúp nhận ra thực tại để điều chỉnh mình.
TIN LIÊN QUAN

Bài phát biểu “lạ” của vị Chủ tịch

“Buổi tiệc hôm nay, chúng tôi không coi là dịp tổng kết hay báo cáo thành tích, mà chỉ muốn có một cơ hội được gặp gỡ, tri ân và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới bạn bè, đối tác, khách hàng, cán bộ nhân viên đã chung sức cùng doanh nghiệp trong suốt chặng đường 10 năm qua. Tôi xin phép gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới gia đình và đặc biệt là các thầy giáo của tôi có mặt tại đây hôm nay”, ông Nguyễn Hồng Giang đã mở lời chân thành như vậy tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và ra mắt thương hiệu mới của Công ty.

https://baodautu.vn/stores/news_dataimages/manhcuong/032013/26/23/nguyen_hong_giang.jpg

Đã dự nhiều buổi lễ tương tự như vậy, nhưng quả thực, những lời phát biểu “lạ” đó làm chúng tôi đặc biệt chú ý, xen lẫn xúc cảm.

Bởi lẽ, trước đó, ông Giang đã tự nhận rằng, “lẽ ra tôi phải nói, đúng nghĩa là những lời tâm tình, nhưng vì quá xúc động nên xin phép được đọc cho rõ ràng”. Chỉ có sự chân tình, giản dị thực sự mới khiến vị Chủ tịch của doanh nghiệp có 400 công nhân, có 20 năm lăn lộn trên thương trường, trong đó phân nửa thời gian làm chủ doanh nghiệp, bày tỏ thật lòng như thế.

Bởi lẽ, đó không phải là những lời thường thấy của một vị lãnh đạo doanh nghiệp trước quan khách, nhất là tại một buổi lễ có thể nói là trọng đại với đơn vị như vậy. Ông không nhắc đến những gì Công ty đạt được, mà chỉ đơn giản là cảm ơn những gì bạn bè, người thân, đối tác đã làm cho đơn vị mình.

Và còn bởi lẽ, lần đầu tiên, chúng tôi thấy tới dự buổi lễ của một doanh nghiệp, còn có những thầy giáo của vị lãnh đạo doanh nghiệp đó.

Sau này, tâm sự với tôi, Nguyễn Hồng Giang bảo, bên cạnh gia đình, anh luôn nhớ những người thầy thực thụ ấy.

“Đó là thầy Hưng (dạy toán) và thầy Hiền (dạy văn) ở lớp chọn tôi học hồi cấp 3. Mỗi dịp chuẩn bị đi thi học sinh giỏi, các thầy đều dành thêm vài tiếng sau giờ học chính để bồi dưỡng cho học trò. Ngày thường thì các bạn học yếu hơn một chút hay những học sinh muốn nâng cao trình độ, hai thầy đều dành thời gian giảng giải thêm, mà tuyệt nhiên không lấy một đồng nào. Bây giờ, hai thầy đã ở tuổi ngoại lục tuần. Thi thoảng tới thăm thầy, tôi vẫn thấy thầy cần mẫn chỉ bảo đám học trò đáng tuổi cháu mình như thế, vẫn không lấy dù chỉ một đồng. Đó là những người thầy thực thụ”, Nguyễn Hồng Giang cảm động kể lại.

Sinh ra trong một gia đình cơ bản, mẹ làm giáo viên, cha làm trong ngành điện, học khá, thi đỗ vào một trường cao đẳng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Hồng Giang đành chọn khoác áo công nhân tại Công ty Xây lắp điện 4. Sau những năm rảo bước khắp các tỉnh miền Trung, từ Đà Nẵng vào Buôn Mê Thuột, năm 1995, “người lính đường dây” Nguyễn Hồng Giang trở lại Hà Nội, kiếm việc làm thêm để có tiền tiếp tục giấc mơ giảng đường của mình ở Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Ra trường, mở cửa hàng kinh doanh nhỏ vài năm, năm 2002, anh cùng người bạn thân gom góp, lập nên Công ty TNHH Thuận Phát, chuyên sản xuất các sản phẩm thép không gỉ. Doanh nghiệp đầu tiên chỉ có 0 nhân viên đó chính là bước ngoặt để Nguyễn Hồng Giang cùng cộng sự phát triển nghiệp kinh doanh lên những nấc thang mới. Để hôm nay, Thuận Phát trở thành một trong những doanh nghiệp thuộc top đầu trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa và tấm nhôm tại Việt Nam.

Không vui dù được vinh danh

Với 400 công nhân, 2 nhà máy có dây chuyền hiện đại đặt tại Mỹ Hào và Yên Mỹ (Hưng Yên), được đầu tư công nghệ mới nhất; sản phẩm đặt dấu ấn ở những công trình có quy mô lớn, công trình trọng điểm quốc gia; doanh số hàng năm đạt hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2012, Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thuận Phát lọt vào top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam theo xếp hạng của VNR 500.

Công bằng mà nói, đó là vị trí được không ít doanh nghiệp mơ ước, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nhưng Nguyễn Hồng Giang bảo, ông ghi nhận sự trưởng thành ấy, song cảm thấy đó là niềm vui không trọn vẹn.

“Thuận Phát chỉ là một doanh nghiệp vừa phải, được ghi nhận như vậy cũng bởi chúng tôi đạt các tiêu chí về doanh số, nộp thuế và lý lịch tín dụng với ngân hàng tốt - những tiêu chí để một doanh nghiệp phát triển bền vững. Như thế có nghĩa là, chúng ta còn quá nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoặc có những doanh nghiệp quy mô lớn hơn, nhưng lại không đạt những tiêu chí nói trên. Có lẽ cũng bởi, tình hình khó khăn hiện tại, càng làm lớn thì càng khó”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Giang trầm ngâm.

Niềm vui không trọn vẹn của ông Giang còn ở chỗ, như ông thẳng thắn thừa nhận, dù Công ty chưa từng chậm lương của cán bộ nhân viên, hay Tết này, chắc chắn cán bộ nhân viên của Công ty vẫn có tiền thưởng Tết, nhưng trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Thuận Phát cũng đã phải chấp nhận cắt giảm nhân sự, dù đó là việc không người lãnh đạo nào muốn, dù người lao động cũng rất hiểu tình hình chung.

Theo ông Giang, những khó khăn thực sự chưa dừng lại, buộc mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân phải vận động để tồn tại. Đây là lúc Công ty phải tinh giản bộ máy, đặt niềm tin vào lớp trẻ. Thuận Phát đi lên dựa vào chất lượng, vì thế, phải xây dựng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ, có khát khao làm việc và mạnh dạn, sáng tạo.

Ông bảo, trong các kỳ khó khăn trước, như năm 2008, rồi năm 2010, nhiều doanh nghiệp đã lung lay phần nào, nhưng có lẽ chưa thực sự thấm thía. Lần này, khó khăn ngấm tới từng doanh nghiệp, buộc họ phải nhận ra vị trí thực của mình. Thậm chí, có không ít doanh nghiệp đã “rơi tự do”.

Ông Giang ví, khó khăn như một cơn bão quét qua, làm bung những gì ở bề mặt, những gì không vững chãi, làm lộ rõ cái khung của mỗi doanh nghiệp, không kể là ở cấp nào.

Chả thế mà, không cứ doanh nghiệp nhỏ, ngay doanh nghiệp lớn, lãnh đạo của họ đã bày tỏ trên báo chí mong muốn được “bé lại”. Thực ra, đó là mong ước được làm lại từ nền móng, bài bản hơn, không phải cách làm “đón đầu, ngắt ngọn”.

Nhưng theo ông Giang, không sự thua thiệt, mất mát nào, không có khó khăn nào là vô nghĩa. Bởi lẽ, như cách nói của một chuyên gia về tái cấu trúc doanh nghiệp mà ông tâm đắc, rằng đừng để các cuộc khủng hoảng đi qua mà ta không thu được bất kỳ điều gì.

“Với Thuận Phát, cái được lớn nhất là chúng tôi phải tự nhìn lại mình, tự làm mới mình, khẳng định mình. Làm được điều đó và cơ cấu lại khách hàng phù hợp, chúng tôi tin tưởng sẽ đứng vững và đi lên”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Giang chia sẻ.

Đối thoại với doanh nhân Nguyễn Hồng Giang

Quan điểm kinh doanh của ông?

Phải có sự can đảm và đam mê. Không có hai điều ấy, người làm kinh doanh luôn đi sau các cơ hội.

Lúc này, nếu được làm lại một điều cho doanh nghiệp mình, ông sẽ làm gì?

Chọn quy mô phù hợp hơn cho một số dự án.

Đó có phải là sự hối tiếc?

Biết nhìn nhận sai lầm không bao giờ thừa. Không biết, không dám nhìn nhận sai lầm mới là điều đáng hối tiếc.

Vậy nó có mâu thuẫn với quan điểm kinh doanh “phải can đảm” của ông không?

Hoàn toàn không. Đó là việc làm cần thiết để có thể tiếp tục can đảm. Hơn nữa, như tôi nói ở trên, cùng với can đảm, kinh doanh phải có đam mê. Mà đam mê, thì đôi khi không tỉnh táo.

Theo ông, cần làm gì để đam mê không đi quá xa, trở nên không tỉnh táo?

Đam mê kinh doanh cần một cái phanh, đó là thực tiễn. Khó khăn hiện nay là cú sốc với nhiều doanh nghiệp. Nhưng đó là một cái phanh hữu hiệu, giúp người ta nhận ra thực tại.

Trong gia đình, ông dạy các con thế nào?

Tôi luôn nghiêm khắc với con cái, rèn tính kỷ luật và tự lập cho các cháu. Tôi dạy các cháu bài học ấy từ nhỏ, vì đó là bài học của bản thân tôi.

Bận rộn công việc ở công ty, ông thu xếp cuộc sống gia đình và đam mê riêng ra sao?

Tôi vẫn chơi tennis vài lần mỗi tuần. Ở nhà, tôi nuôi rất nhiều chim cảnh, chó cảnh, vì các con tôi thích chúng. Đây là điều duy nhất tôi chiều các con.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư