Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Không mơ thành công chớp nhoáng
Bảo Duy - 26/07/2013 07:16
 
Từng sôi sục vì những cơ hội chóng vánh, từng chạy theo quan điểm đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng giờ đây, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà đang thận trọng từng bước...  

Chiến lược đối mặt…

Sơn Hà là thương hiệu nổi tiếng và quá quen thuộc trong ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp inox, đến mức sự thành công của Sơn Hà trong lĩnh vực này là hiển nhiên và không có nhiều điều mới để nói.

Chính vì vậy, khi Hiway xuất hiện vào giữa năm 2012 với mong muốn hình thành nhanh một chuỗi đại siêu thị của người Việt, cho người Việt, theo tuyên bố của ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, mọi quan tâm đổ dồn vào bước đi của Hiway.

“Tôi không muốn nói nhiều về những việc đang làm. Bởi phải bắt tay vào làm, mới thấy được những yêu cầu, lớp lang của công việc. Đã qua thời mọi người sục sôi với các cơ hội kinh doanh. Hãy để các doanh nhân bình tâm, thẳng thắn đối diện với thực tế là thời gian không còn nhiều để mơ tưởng hão huyền về thành công chớp nhoáng”, ông Sơn thẳng thắn khi được hỏi về những bước tiếp theo của Hiway trong chiến lược phát triển của Sơn Hà.

Đúng là không phải doanh nhân nào cũng sẵn sàng đối mặt được với thực tế hiện tại, với sự đổi chiều của nền kinh tế hay những bước thoái lui trong kế hoạch kinh doanh của mình, sau một thời gian khá dài lợi nhuận và thành công đến với họ quá dễ.

Sơn Hà cũng đã từng trong vòng xoáy đó. Nghe ông Sơn kể, mới thấy không phải dễ dàng để giờ có thể ngồi lại, tĩnh tâm chiêm nghiệm về một thời vắt chân lên cổ để vơ lấy mọi cơ hội, sợ rằng, chỉ chậm một chút là vuột tay…

“Đúng là phải qua cơn bão, phải trả giá mới ngấm được bài học mỗi người chỉ có một vài thế mạnh và chỉ có thể làm tốt ở thế mạnh đó. Hơn thế, chiến lược kinh doanh phải được xây dựng không chỉ trên nền tảng của quản trị và sức lực của từng doanh nghiệp, mà còn chịu tác động vô cùng lớn từ các yếu tố vĩ mô, những thay đổi của môi trường kinh doanh. Tổn phí cho bài học này khá lớn, chứ không phải tự nhiên mà nhận ra được”, ông Sơn tâm sự.

Lúc đó, chiến lược của Sơn Hà, có thể cũng là cách mà hầu hết doanh nghiệp Việt Nam áp dụng, đó là tận dụng nhanh các cơ hội của nền kinh tế đang chuyển đổi và niềm tin của xã hội về sự phát triển mạnh mẽ, không có điểm dừng của nền kinh tế. Thôi thì đủ cả, từ tài chính, chứng khoán, ngân hàng đến bất động sản, khai thác khoáng sản…, cứ ở đâu có cơ hội là làm. “Lúc đó sốt ruột lắm, chỉ sợ cơ hội qua đi. Không hiểu sao, trong cơn sốt nóng những cơ hội kinh doanh, tôi cứ chắc rằng mình sẽ làm tốt mọi việc, vấn đề là phải bắt đầu”, vị Chủ tịch HđQT Tập đoàn Sơn Hà trầm ngâm.

Chính vì vậy, quyết định của ông Sơn là thoái vốn khỏi các dự án bất động sản thương mại hồi đầu năm 2012, khi thị trường bất động sản đã có dấu hiệu rõ hơn của sự thoái trào, không phải mọi người, kể cả trong nội bộ Công ty, đều đồng tình. Ngay lúc đó, ông Sơn nhớ lại, nhiều người vẫn nuôi kỳ vọng bất động sản sẽ nóng trở lại để biết đâu, cơ hội kiếm lời trong tương lại sẽ lại rộn ràng như vài năm trước. Thậm chí, có người lo ngại quyết định này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Công ty.

“Tôi xác định, phải chỉnh lại hướng đi khi cái giá phải trả đã khá rõ, kinh tế vĩ mô đang có nhiều dấu hiệu bất lợi. Còn dùng dằng, còn tốn phí. Để thực hiện được quyết định, chúng tôi công bố kế hoạch thoái vốn sau khi đã thống nhất trong HĐQT. Có nghĩa là, sẽ không có đường lui”, ông Sơn nói.

Giờ mọi việc đã khác, cuộc đua đã chấm dứt với nhiều thương vong. Có doanh nghiệp thậm chí không còn tồn tại để chia sẻ bài học kinh nghiệm. Có doanh nghiệp âm thầm thu dọn, co lại giữ mình, đợi qua cơn giông bão. Quyết định rút khỏi bất động sản vào thời điểm đó của SơnđHaø hoaøn toaøn coù lyù. Chæ coù ñieàu, tình thế của thị trường xấu nhanh hơn dự định, nên tốc độ thoái vốn chậm...

Hiện tại, ông Sơn cho biết, công việc vẫn đang tiếp tục linh hoạt theo thị trường, có thể chuyển nhượng theo danh mục dự án, hoặc đầu tư hoàn chỉnh rồi bán. “Nhưng sẽ không có thêm dự án nào mới trong lĩnh vực này”, ông Sơn khẳng định.

… và xoay chuyển

Cho dù không muốn nói nhiều về Hiway, nhưng rõ ràng, lĩnh vực này đang chiếm phần lớn thời gian, tâm trí của người doanh nhân đã khởi nghiệp từ lĩnh vực hoàn toàn khác là hàng tiêu dùng và công nghiệp inox.

Lý do thứ nhất, lĩnh vực khởi nghiệp của ông đã qua giai đoạn đỉnh cao, đang được xác định là đến ngưỡng. Thứ hai, vì niềm đam mê mới đã được ông Sơn phát triển trong quá trình xoay chuyển chiến lược, tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp.

Thực ra, khi Sơn Hà bước chân vào thị trường bán lẻ, nghi ngờ nhiều, nhất là khi thời điểm không thuận, khi bất ổn trong kinh tế vĩ mô vẫn chưa thấy điểm dừng, các thương hiệu Việt trong lĩnh vực này đang chóng mặt với sự lấn sân bài bản và mạnh mẽ của nhiều thương hiệu ngoại nổi tiếng. Đặc biệt, đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…

“Cái khó của người mới là phải định hình được mô hình cho phù hợp với địa bàn mà mình lựa chọn. Bây giờ thì tôi có thể nói về điều này một cách vững tin, sau một thời gian khá dài ăn cùng, ngủ cùng với các bước đi của các dự án. Hồi đầu, cứ thắc mắc, tại sao các thương hiệu ngoại vào Việt Nam chỉ dò dẫm mở 1-2 cái, mà không thấy tiếp tục. Cứ nghĩ, vướng mắc là do họ, chứ không nghĩ rằng, giai đoạn thăm dò, điều chỉnh mô hình để phù hợp với thị trường là giai đoạn mất nhiều thời gian nhất, mệt mỏi nhất”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng tương tự như xây một tòa cao ốc, thời gian xây móng có thể chiếm tới phân nửa. Khi nền móng đã xong, thời gian bứt phá sẽ rất nhanh và chắc. Chính vì vậy, ông Sơn không đồng tình với quan điểm rằng, chỉ cần đầu tư mạnh vốn là có thể có được thành công trong lĩnh vực này. “Vốn chỉ xếp hàng thứ 3, thậm chí là thứ 4 trong đầu tư vào lĩnh vực này. Điểm mấu chốt trong thành công của ngành bán lẻ là định hình mô hình, tổ chức bộ máy và nét văn hóa riêng. Điều này cần thời gian để đúc rút kinh nghiệm và đào tạo nhân sự”, ông Sơn phân tích và tin chắc rằng, khi mọi nguồn lực đang dồn để xây móng vững cho Hiway, không có lý do gì phải lo về tương lai của chuỗi đại siêu thị này.

Tuy vậy, đam mê mới của ông Sơn đang đặt ông thêm những gánh nặng mới, khi mà các bước đi của Hiway đều diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tiếp tục khó, hầu như không có ai dám đưa ra dự báo về thời điểm hồi phục một cách chắc chắn.

“Cũng nhiều người hỏi tôi, có điên không khi bước chân vào một lĩnh vực kinh doanh mới trong lúc khó khăn như vậy. Câu trả lời của tôi là, khi thị trường tốt thì là tốt chung, cạnh tranh sẽ lớn. Còn trong lúc mọi người đang đi chậm, mình bắt đầu cũng không phải tệ, bởi sức ép cạnh tranh sẽ giảm đi. Tất nhiên, áp lực sẽ lớn hơn, khi phải làm nhiều việc hơn song khả năng đi đến tương lai sẽ bớt rủi ro hơn”, ông Sơn chia sẻ. Thậm chí, ông Sơn tính toán rằng, biết đâu khi bão tan, ai đó muốn tham gia cuộc chơi này, sẽ phải nghĩ lại khi đối thủ đã đi một đoạn khá xa…

Bài học đi trong bão

Lê Vĩnh Sơn là người không ngại chia sẻ. Ông đang tham gia khá nhiều công việc ngoài hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Hà Nội, ông thường xuyên có mặt tại những diễn đàn dành cho doanh nhân trẻ, những người mới khởi nghiệp và giới sinh viên kinh tế.

“Tôi thường lấy ngay câu chuyện kinh doanh của mình để chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp. Bởi hơn ai hết, chỉ những người có mặt trong những cơn bão, mới thấu hiểu sức gió, sức nước mạnh thế nào”, ông nói.

Có hai điểm mà ông Sơn cho rằng, những người đi trong bão cần phải có: đó là sự chuyên nghiệp và niềm đam mê với công việc mình đang đeo đuổi. Nếu thiếu hai yếu tố này, cho dù cơn bão không mạnh, nhưng sức bền và sự quyết tâm giảm đi rất nhanh theo thời gian.

“Cũng có người nói rằng, lúc này mà tôi mở rộng nhanh, làm thương hiệu nhanh, có khi sẽ bán được giá, nhất là với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài như lĩnh vực bán lẻ. Nhưng thử hỏi, những đối tác nước ngoài dày dạn kinh nghiệm có chịu bỏ tiền để mua một doanh nghiệp chỉ có bề nổi không. Chắc chắn là không, vì tôi đã từng đi như vậy!”, ông Sơn thẳng thắn chia sẻ và khẳng định, mục tiêu gây dựng Hiway không phải để bán cho nhà đầu tư nước ngoài. “Nếu làm vì tiền, có thể tôi đã chọn sách lược khác, nhưng ước mơ của tôi là gây dựng doanh nghiệp của người Việt, phục vụ người Việt”, ông Sơn nói.


Trò chuyện với Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội Lê Vĩnh Sơn

Kinh tế khó khăn có khiến hoạt động liên kết, chia sẻ của doanh nghiệp trẻ giảm đi, thưa ông?

Hiện tại, khó khăn nhiều, ít ai muốn chia sẻ về những khó khăn, thất bại, nên dường như sự tụ hội với nhau khó hơn, khác với giai đoạn trước, khi sự vui vẻ, thành công trong kinh doanh gắn kết các doanh nghiệp trẻ. Điều quan trọng trong lúc này là các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với các hoạt động kinh doanh, từng doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân đi trước, làm tốt trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, cả thành công và thất bại, đóng góp xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Những điều này sẽ tạo ra tính lan tỏa tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ, thúc đẩy các nhu cầu kết nối một cách tự thân.

Cụ thể, có ý kiến cho rằng, trong lúc này, hoạt động tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân của Hội Doanh nhân Trẻ Hà Nội cần phải thay đổi, để thúc đẩy các mối liên kết này?

Nói là cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới là cách dễ nói nhất. Nhưng đó là của những người ngoài cuộc. Hội Doanh nhân Trẻ Hà Nội có một bộ phận riêng để làm nhiệm vụ này từ vài năm nay.

Đúng là thay đổi thế nào là không dễ. Đây là giai đoạn thử thách không chỉ với từng doanh nghiệp, mà với chính hoạt động của Hội Doanh nhân Trẻ Hà Nội.

Hình ảnh Hội Doanh nhân Trẻ Hà Nội mà các doanh nghiệp đang muốn cùng gây dựng là gì?

Đó là nơi tập hợp những trí thức trẻ, những doanh nhân có hoài bão, đam mê, nhưng thực tế và chuyên nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư