Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh sản phẩm dược chưa rõ nguồn gốc xuất xứ
D.Ngân - 08/01/2024 07:38
 
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản thông báo đến phòng y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn về kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sở Y tế Hà Nội nhận được văn bản hỏa tốc số 5/YDCT-QLD ngày 3/1/2024 của Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế thông tin về mẫu sản phẩm viên nang Linsen Double Caulis (số lô: 907795 E; hạn dùng: 08/3/2028; số đăng ký: không có; nơi sản xuất: WELIP (M) SDN. BHD.-Malaysia), không có thông tin cơ sở nhập khẩu và không đạt yêu cầu chất lượng, phát hiện Piroxicam và Dexamethasone có trong thành phần công thức.

Ảnh minh hoạ.

Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm nêu trên.

Sở Y tế đề nghị phòng y tế các quận, huyện, thị xã kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thuốc cổ truyền, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền, dược liệu giả, không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng đúng theo quy định.

Tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc viên nang Linsen Double Caulis, thuốc này có thành phần các vị thuốc y học cổ truyền, dùng để điều trị khu phong trục thấp, thư gân hoạt lạc tê toàn thân, cường tráng gân cốt, các bệnh phong thấp do phong hàn gây nên.

Nền y học cổ truyền Việt Nam có nhiều bài thuốc quý, gia truyền. Lợi dụng uy tín này, hiện nay đã xuất hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Người dân tìm đến thuốc Đông y vì cho rằng đây là thuốc lành tính, ít gây tác dụng phụ so với tân dược. Thậm chí, nhiều người cho rằng, nếu không có tác dụng chữa bệnh thì thuốc Đông y cũng có tác dụng bồi bổ cơ thể.

Nắm được tâm lý đó mà nhiều đối tượng đã quảng cáo khuếch đại về sản phẩm, dùng mọi chiêu trò để mời gọi người dân sử dụng sản phẩm.

Các bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca bị ngộ độc, dị ứng, sốc phản vệ sau khi sử dụng thuốc Đông y. Thậm chí, nhiều trường hợp nếu không vào viện cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Vừa qua, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ, 32 tuổi, bị ngộ độc chì mạn tính do dùng thuốc Đông y, tiền sử chưa phát hiện bệnh lý trước đó.

Còn Bệnh viện Nhi trung ương đã phải tiếp nhận, điều trị cho 2 trường hợp: bé T.X.H (6 tuổi, ở Hà Nội) bị thận hư, phù cơ thể, tăng đến 8 kg; bé N.A (15 tuổi, ở Thanh Hóa) rơi vào tình trạng suy thận nặng, nguy hiểm đến tính mạng… đều do sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân cần cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo về các loại thuốc Đông y gia truyền không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế.

Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do thuốc gây ra, cần giữ lại tất cả mẫu thuốc còn lại, sau đó chuyển cho cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm, từ đó xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc có thể xảy ra với người khác.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, với các bệnh mạn tính như đái tháo đường, xương khớp, thận... cần phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Hiện, nhiều bệnh nhân đã bỏ dở việc điều trị, tự tìm mua và sử dụng những loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Dù vậy, thời gian gần đây tình trạng thuốc kém chất lượng lọt ra thị trường vẫn luôn diễn ra khiến người dân hết sức lo lắng. 

Nguy hiểm khi dùng thuốc kém chất lượng là vấn đề ai cũng biết, song theo thừa nhận của các cơ quan quản lý, phải mất rất nhiều thời gian để cơ quan chức năng đưa ra được kết luận một sản phẩm thuốc kém chất lượng. Vậy nên, với người dân, để biết sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt khó như việc hái sao trên trời.

Để phát hiện thuốc kém chất lượng, chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Tuy vậy, có những loại thuốc, mất rất nhiều thời gian kiểm nghiệm, đến khi có kết quả thì thuốc đã nằm trong cơ thể người bệnh.

Nỗi lo thuốc giả, thuốc kém chất lượng
Nhu cầu thuốc điều trị tăng cao trong khối cảnh dịch bệnh phức tạp dường như đã tạo cơ hội cho các đối tượng kinh doanh chụp giật, trục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư