Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế tư nhân là động lực phát triển đất nước
Kỳ Thành - 03/10/2015 20:58
 
Tại Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế tư nhân" vừa diễn ra chiều nay (3/10), TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví von nếu kinh tế Việt Nam là con tàu cao tốc và chắc chắn trở thành con tàu cao tốc thì đường ray là thể chế kinh tế thị trường và đầu tàu là kinh tế tư nhân.
Hội thảo Động lực phát triển kinh tế tư nhân
Hội thảo Động lực phát triển kinh tế tư nhân

Theo PGS. TS Vũ Đình Hòe, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, số lượng lớn là doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân đã có những đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế đất nước. Khu vực doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Doanh nghiệp tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đinh Huy Chiến cho rằng, cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ phát triển hội nhập còn lạc hậu, chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng thấp. Để cải thiện điều này, 2 bộ luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp sửa đổi và và Luật Đầu tư sửa đổi là một trong những điểm nhấn quan trọng tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Chia sẻ câu chuyện trong chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Chương trình nghị sự 2030 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, ở New York (Hoa Kỳ) có tuyến đường “dành riêng cho xe thương mại” chỉ dành riêng cho giới kinh doanh, xe công chức không được phép đỗ tại khu vực này. TS. Lộc cho rằng, giới kinh doanh tạo ra sự giàu mạnh của Hoa Kỳ, đó là cách tư duy. “Ai tạo ra việc làm cho hàng chục triệu nông dân Việt Nam, người đó là anh hùng”, TS. Lộc nói.

Để doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế đất nước, cũng như tạo động lực phát triển cho khối kinh tế tư nhân, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng cần thúc đẩy hoàn thiện thể chế thị trường đầy đủ, bao dung để phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

“Thể chế chúng ta có chính thức gồm các quy định pháp luật của Nhà nước, phi chính thức như chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp, ngoài ra còn có luật rừng tác động đến chúng ta. Nếu 2 cái chính thức và phi chính thức mạnh thì nó át được luật rừng, còn nếu yếu thì rừng luật thành luật rừng. Nếu luật rừng thì không thể phát triển được, phải làm cho chính thức thật sự bao dung, minh bạch thì mới phát triển được”, TS. Cung nói và cho rằng, nếu chúng ta không thúc đẩy, tạo áp lực buộc nó thay đổi, đừng mong nhà nước thay đổi, họ không thay đổi nếu chúng ta không gây áp lực cho họ. Chúng ta không chấp nhận như vậy, mà phải thực hiện luật đó theo cách có lợi nhất cho mình. Nếu không có thể chế thị trường đầy đủ, bao dụng thì cộng đồng doanh nghiệp không thể phát triển và lớn mạnh được.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group cho rằng, để phát triển, doanh nghiệp phải có triết lý là tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua kinh doanh, đồng thời có đóng góp cho xã hội, cộng đồng và nền kinh tế đất nước.

“Chúng ta như người mới ốm dậy đã phải ra sân nhưng phải chấp nhận. Nếu chúng ta làm doanh nghiệp để kiếm sống là đương nhiên, nhưng nếu đóng góp cho đất nước thì phải xác định chúng ta mang lại giá trị gì. Nếu trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp thì đơn thuần buôn bán thì bị người ta cho ra rìa là rất dễ”, ông Dương nói.

Tập đoàn kinh tế tư nhân chiếm ưu thế
() Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố 3 kịch bản tăng trưởng của tập đoàn kinh tế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư