Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lãng phí tài nguyên đất tại đầu tàu kinh tế TP.HCM - Bài 2: Dở khóc, dở cười khi... trồng lúa chốn đô thành
Ngô Nguyên - 12/12/2022 07:44
 
Khó tin, nhưng là sự thật khi Bình Thạnh, quận nội thành của TP.HCM, vẫn được phân bổ chỉ tiêu đất trồng lúa tới năm 2025. Những huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn thì lại “khẩn thiết” xin chuyển đổi hàng ngàn héc-ta đất trồng lúa bởi người dân bỏ ruộng và nhu cầu xây dựng dự án. Trong khi đó, hàng loạt dự án công nghiệp thiếu hạ tầng, khó bố trí quỹ đất, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư.
TP.HCM là đô thị đặc biệt và đã được định hướng trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính lớn của khu vực. Tỷ lệ đất nông nghiệp chiếm tới 53,4% tổng diện tích đất tự nhiên của Thành phố, nhưng ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 0,8% vào GRDP của địa phương. Trong khi đó, công nghiệp, dịch vụ đóng góp đến 99% GRDP, song tỷ lệ sử dụng đất chỉ khoảng 8% tổng diện tích. Giữ hay không giữ đất nông nghiệp để… làm nông giữa chốn đô thành, giải pháp nào để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất tại “siêu đô thị” với vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước… là những vấn đề cấp thiết đang đặt ra

 Bài 2: Dở khóc, dở cười khi... trồng lúa chốn đô thành

Khó tin, nhưng là sự thật khi Bình Thạnh, quận nội thành của TP.HCM, vẫn được phân bổ chỉ tiêu đất trồng lúa tới năm 2025. Những huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn thì lại “khẩn thiết” xin chuyển đổi hàng ngàn héc-ta đất trồng lúa bởi người dân bỏ ruộng và nhu cầu xây dựng dự án. Trong khi đó, hàng loạt dự án công nghiệp thiếu hạ tầng, khó bố trí quỹ đất, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư.

Tới năm 2025, quận nội thành vẫn được… giao trồng lúa

Huyện ngoại thành TP.HCM có đất lúa là hiển nhiên, nhưng đến quận nội thành san sát nhà phố mà vẫn còn đất lúa thì... không tin nổi. Nhưng, thống kê mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khiến nhiều người “bật ngửa”, vì đất “được xem là đất lúa” vẫn tồn tại ở quận Bình Thạnh (123 ha), TP. Thủ Đức (885 ha), quận 7, quận 12.

Theo phát biểu của ông Trà Ngọc Phong, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) tại Hội nghị đối thoại Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) vào tháng 10/2022, thì việc TP.HCM được phân bổ đất chuyên trồng lúa hơn 9.000 ha và lập kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025, quận Bình Thạnh vẫn còn 95 ha đất lúa là không phù hợp với thực tế.

Không chỉ quận Bình Thạnh, tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cho thấy, theo “lộ trình trồng lúa đến năm 2025” trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của TP.HCM, thì tới năm 2025, TP. Thủ Đức từ 885 ha đất trồng lúa sẽ giảm còn 440 ha; tương tự, quận Bình Tân từ 508 ha giảm còn 378 ha; huyện Củ Chi từ 7.295 ha giảm còn 4.527 ha; huyện Hóc Môn từ 1.781 ha giảm còn 1.342 ha; huyện Bình Chánh từ 4.828 ha giảm còn 2.745 ha.

Chỉ duy nhất huyện Nhà Bè và Cần Giờ còn hơn 190 ha và đến năm 2025 sẽ không còn đất trồng lúa.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu gần như đã lấp đầy, TP.HCM thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư
Các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu gần như đã lấp đầy, TP.HCM thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư

Nông dân bỏ ruộng

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thì nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân ở các quận huyện rất lớn, lên hơn 1.000 ha và chưa dừng lại trong những năm tới.

Cả TP.HCM hiện chỉ còn huyện Củ Chi trồng lúa và một diện tích nhỏ ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Riêng huyện Hóc Môn, với tốc độ phát triển hiện nay, diện tích đất trồng lúa cũng giảm rất nhiều.

Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (UBND huyện Bình Chánh), người dân ở huyện đề nghị thu hẹp diện tích hoặc bỏ luôn quy hoạch trồng lúa nước, vì trồng lúa nước không hiệu quả.

Một chuyên gia nông nghiệp tại TP.HCM thẳng thắn chỉ ra rằng, nông dân Sài thành bỏ ruộng, thậm chí để hoang đất lúa là tất yếu, bởi nếu như các tỉnh khác đạt năng suất 5 - 6 tấn/ha, thì tại TP.HCM chỉ được hơn 3 tấn/ha. Nhiều tỉnh hình thành cánh đồng lớn đã dùng đến máy bay để phun thuốc, trong khi nông dân ở TP.HCM thì không thể, mà phải phun thủ công, bởi ruộng lúa nhỏ, manh mún. Trồng lúa phải đồng bộ hạ tầng sản xuất, tưới tiêu, hệ thống sơ chế sau thu hoạch…, nhưng ở TP.HCM cũng không có. Theo tính toán, hiện thu nhập của nông dân còn trồng lúa ở TP.HCM chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha, trong khi tỉnh nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng thu nhập gấp đôi ba lần.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 héc-ta đất tại TP.HCM chỉ bằng 1/962 lần so với công nghiệp.

Thế nên, tại TP.HCM, đầu tư vào nông nghiệp là khó khăn và chịu nhiều rủi ro nhất.

Và cũng bởi vậy, nhiều nông dân ở TP.HCM không còn giữ đất nông nghiệp, tình trạng đất nông nghiệp bị phân lô, xẻ nền báo động đến mức, đầu năm 2022, tại chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phải khuyên người dân rằng: “Bà con nông dân giữ đất, đừng nghe tin đồn hoặc vì thị trường hiện nay mà bán rẻ, ‘bán lúa non’. Bà con hãy cố gắng giữ được càng nhiều càng tốt, để chuẩn bị cho bước phát triển trong tương lai của quận, huyện”.

Chương trình thí điểm công trình phụ trợ nông nghiệp bị “tuýt còi”

Để tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, không thể thiếu các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng nông dân, hay kể cả doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp cũng khốn khổ.

Cụ thể, năm 2020, trước nhu cầu xây dựng các chương trình phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm sử dụng đất có hiệu quả của người dân và doanh nghiệp, UBND TP.HCM đã có Công văn số 3680/UBND-ĐT (ngày 25/9/2020) cho thực hiện thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.

Theo đó, TP.HCM áp dụng thí điểm 2 nhóm công trình.

Nhóm 1 là các hạng mục, công trình chủ đầu tư được tự thực hiện trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, nhưng phải thông báo đến UBND xã, gồm: hạng mục lắp dựng bằng các cấu kiện lắp ghép (dễ tháo dỡ) để phủ màng, tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi trong phạm vi ranh đất mà không làm thay đổi mục đích sử dụng đất; các công trình như chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở được lắp dựng bằng vật liệu thân thiện môi trường (như cây gỗ, tranh, tre, nứa, lá), diện tích không quá 15 m2.

Nhóm 2 là các công trình phải được UBND cấp huyện thỏa thuận quy mô phù hợp với phương án sản xuất nông nghiệp để chủ đầu tư thực hiện. Các công trình xây dựng để phục vụ sản xuất nông nghiệp này phải có quy mô cấp IV, đáp ứng đồng thời 3 tiêu chí: 1 tầng, diện tích xây dựng dưới 1.000 m2, chiều cao công trình dưới 6 m..

Tới tháng 1/2022, trong hàng trăm hồ sơ xin phê duyệt, TP.HCM đã lọc và cho triển khai 138 hồ sơ của các doanh nghiệp, người dân xin xây dựng công trình phụ trợ để sản xuất nông nghiệp.

Trước hiệu quả của việc thí điểm này, Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục đề xuất thí điểm mở rộng ở nhiều nơi, đặc biệt là các quận, huyện có đất quy hoạch, nhưng “treo” lâu năm chưa thực hiện, chưa có quyết định hoặc thông báo thu hồi đất.

Điển hình như huyện Bình Chánh có gần 500 trường hợp có nhu cầu, bởi diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn còn nhiều, nhiều tổ chức, cá nhân đang sản xuất gặp khó khăn do điều kiện hỗ trợ cho nhà màng, kho chứa vật tư nông nghiệp, nhà sơ chế nông sản bị hạn chế.

Huyện Hóc Môn cũng xin thí điểm, vì có 25 trường hợp có diện tích đất lớn, lại nằm trong khu vực chưa có quy hoạch 1/2.000.

Thế nhưng, chương trình thí điểm mới “rón rén”, tiền đầu tư của doanh nghiệp mới đổ ra chưa kịp có thu, thì mới đây, theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc xây dựng này bị yêu cầu buộc phải dừng lại do không phù hợp với quy định của Luật Xây dựng và Luật Đất đai.

Theo quy định, thì các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp phải xây dựng trên đất nông nghiệp, nhưng đất nông nghiệp lại… không được cấp phép xây dựng nếu chưa xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lập dự án đầu tư và được chấp thuận chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Vấn đề này khiến mọi thứ lại trở lại vạch xuất phát, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thiếu quỹ đất lớn để thu hút đầu tư

Trong khi đất nông nghiệp “mênh mông” ở ngoại thành đang bị hoang hóa, thì quỹ đất công nghiệp lại rất khó mở rộng, khiến kết quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) của TP.HCM ngày càng thụt lùi so với các địa phương trong khu vực.

Cụ thể, theo Ban Quản lý các KCX và công nghiệp TP.HCM (Hepza), sau 30 năm phát triển, đến nay, Thành phố có 3 KCX và 14 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.811,71 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 77%, giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động.

Vấn đề “đau đầu” nhất hiện nay là Thành phố đang thiếu quỹ đất lớn phục vụ thu hút đầu tư, do các KCN hiện hữu gần như đã lấp đầy hoặc đang gặp vướng mắc về xác định giá thuê đất, chưa được ký hợp đồng thuê đất…

Thống kê cho thấy, các KCN, KCX của TP.HCM chỉ còn khoảng 300 ha đất có thể cho thuê, khai thác. Trong quy hoạch của TP.HCM cũng chỉ có 5.800 ha đất công nghiệp.

Trong khi đó, các tỉnh giáp ranh như Tây Ninh có 11.000 ha đất công nghiệp, Bình Dương có 18.000 ha… Quỹ đất công nghiệp ngày càng hạn chế đã làm giảm sự cạnh tranh thu hút đầu tư của TP.HCM với các tỉnh lân cận.

Đó là chưa nói tới nhu cầu bất động sản sinh thái ở vùng ven không nhỏ. Tháng 2/2022, trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch xây dựng TP.HCM

đến năm 2025, TP.HCM xin chuyển khu đất nông nghiệp khoảng 384 ha ở huyện Hóc Môn thành khu đô thị kết hợp sinh thái. Lý do xin chuyển đổi là diện tích đất này bị nhiễm phèn, làm nông nghiệp không hiệu quả, nếu chuyển đổi sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo động lực thúc đẩy đầu tư, phát triển khu vực phía Tây Bắc TP.HCM.

Trong một thành phố, nơi thì “khát” đất, nơi đất bỏ không. Đây là bất cập cần suy ngẫm.

 (Còn tiếp)

TP.HCM tăng hệ số điều chỉnh giá đất, tiệm cận thị trường
UBND TP.HCM cho rằng, tăng hệ số điều chỉnh giá đất là bước chuẩn bị cần thiết để xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường khi bỏ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư