Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Lãnh đạo Dầu ăn Tường An khẳng định “sẽ chiếm lĩnh được thị trường phía Bắc”
Hồng Phúc - 17/06/2021 16:33
 
Nhà máy dầu tại Vinh sẽ là “bàn đạp” quan trọng với Công ty Dầu ăn Tường An trong mục tiêu chiếm lĩnh thị trường miền Bắc, nơi "đối thủ" lớn là Dầu thực vật Cái Lân đang hiện diện.

Thị phần tại thị trường miền Bắc của Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (HoSE: TAC) còn hạn hẹp so với đối thủ dẫn đầu là Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic).

Vậy, Tường An có kế hoạch mở rộng, chiếm lĩnh thị phần tại đây như thế nào là câu hỏi được cổ đông đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Tường An, được tổ chức chiều nay.

Đại diện ban chủ toạ, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT dầu ăn Tường An tự tin, doanh nghiệp này đã phát triển đủ mạnh tại thị trường miền Nam.

Và hiện là thời điểm gia tăng sự hiện tại các thị trường còn lại. Việc đầu tư, mở rộng nhà máy Vinh trở thành động lực, tạo điều kiện để Tường An đẩy mạnh phân phối sản phẩm ra miền Bắc. 

“Hiện trên bản đồ ngành dầu ăn Việt Nam, thứ nhất là Calofic, thứ hai là thương hiệu dầu Tường An của Tập đoàn Kido.

Sự cạnh tranh lành mạnh của các công ty là điều cần thiết, giúp người tiêu dùng có nhiều sản phẩm tốt hơn nhưng chúng tôi vẫn có quyền hy vọng sẽ chiếm lĩnh được thị trường phía Bắc và sẽ giữ vị trí tốt nhất, cao nhất trong ngành dầu Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu chia sẻ.

Calofic là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty công Nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, trực thuộc Bộ Công thương) và Tập đoàn Wilmar (Singapore), được thành lập từ năm 1996.

Hiện, Calofic có 2 nhà máy sản xuất tại Quảng Ninh và TP.HCM với tổng công suất 2.300 tấn/ ngày đêm.

Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm nay của Tường An cũng phê duyệt phương án đầu tư, mở rộng tại hai nhà máy với tổng vốn hơn 917 tỷ đồng.

Đó là nhà máy dầu Phú Mỹ (tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 625,1 tỷ đồng) và nhà máy dầu Vinh (mở rộng diện tích xây dựng từ 8.800 m2 lên 17.000 m2, nâng công suất từ 40.000 tấn lên 150.000 tấn/năm).

Nguồn vốn đầu tư, mở rộng cho hai nhà máy trên đến từ vốn tự có, vốn vay và vốn phát hành thêm cổ phiếu.

Ban lãnh đạo Tường An đánh giá, mức độ tiêu thụ dầu ăn tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực (13,5kg/năm, theo Tổ chức Y tế thế giới- WHO) và thấp hơn mức khuyến nghị của WHO.

Do vậy, ngành dầu ăn nội địa được dự đoán còn nhiều tiềm năng phát triển và dự kiến đạt mức 35.000 tỷ đồng vào năm 2024.

Từ chiến lược sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu ăn và bơ thực vật, từ nay, định hướng của Tường An sẽ thay đổi khi chỉ tập trung vào việc sản xuất.

Khâu bán hàng và phần lớn công việc trong hoạt động phân phối sản phẩm ra thị trường sẽ do Công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) đảm nhận.

Về băn khoăn của các cổ đông về việc, liệu hoạt động chuyển đổi mô hình của Tường An sẽ ảnh hưởng như thế nào đến biên lợi nhuận, bà Xuân Liễu cho biết, việc chuyển đổi mô hình, đưa toàn bộ phần kinh doanh sang Kido không phải năm nay mới phát sinh. 

Bởi, đây là định hướng chiến lược của Kido, hướng tới một Tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực. Do vậy, sự tích hợp, quản lý theo ngành hàng chứ không phải theo công ty. 

Trong thị trường cạnh tranh, độ mở thị trường ngày càng lớn, các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp nước ngoài không đưa thực phẩm vào thị trường, nữ doanh nhân này cho rằng, nếu không tích hợp đủ nguồn lực thì Tường An “không thể chiếm lĩnh thị trường, không thể vươn lên vị trí thứ nhất”. 

Ngoài ra, biên lợi nhuận của Tường An được cho là không ảnh hưởng từ việc chuyển đổi mô hình vì chỉ tập trung vào sản xuất. Toàn bộ chi phí trên thị trường, tài chính, marketing sẽ do Kido chịu trách nhiệm.

Về hoạt động kinh doanh, ông Bùi Thanh Tùng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tường An cho biết, nguy cơ lớn nhất với các doanh nghiệp cũng như Tường An là sự gián đoạn chuỗi cung ứng khi tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á.

“Giai đoạn này chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc bán hàng và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2021”, ông Tùng nói và cho biết, hiện Tường An phải tập trung giữ thị trường, duy trì lợi nhuận. 

Bởi, giá nguyên liệu đầu vào đang tăng rất cao so với cùng kỳ (tăng 67%) và được vị này cho là cao nhất trong một thập kỷ vừa qua. Trong khi đó, giá bán hàng không thể tăng theo. 

Trong nửa cuối năm nay, ban lãnh đạo công ty này sẽ phải rất thận trọng trong vấn đề liên quan nguyên liệu (về nguồn, giá), quản trị rủi ro về giá. 

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, dự kiến sẽ đạt mức tối thiểu khoảng 5.266 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 232 tỷ đồng; cổ tức 20%.

Ông Trần Lệ Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tường An (Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kido) cho biết, việc áp dụng chính sách bán hàng phù hợp, tạo dòng tiền ổn định; quản lý tốt nợ phải thu, hàng tồn kho; đa dạng kênh huy động vốn là chiến lược tài chính sẽ tiếp tục được thực hiện. 

Mặt khác, doanh nghiệp này sẽ gia tăng khả năng tích luỹ tài chính để đảm bảo sự ổn định và sẵn sàng nguồn lực cho việc phát triển với quy mô lớn hơn trong tương lai. 

6 tháng đầu năm Tường An ghi nhận doanh thu thuần 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Riêng quý I/2021, Tường An ghi nhận 9,4 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, chi phí tài chính tăng nhẹ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể từ gần 24 tỷ đồng xuống còn 8,6 tỷ đồng.

Doanh thu trong quý đầu năm nay của Tường An đạt hơn 1.580 tỷ đồng, sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 218 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai câu hỏi khác của cổ đông tại Đại hội thường niên năm 2021 của Tường An:

Kế hoạch sáp nhập TAC vào KDC đang diễn như thế nào?

Ông Trần Lệ Nguyên: Hiện Vocarimex sở hữu 27% dầu Tường An mà SCIC lại nắm 36% của Vocarimex. Hiện cả Kido và Tường An đều đợi SCIC thoái 36% tại VOC.

Sau khi SCIC thoái thì Kido sẽ mời tư vấn, có một buổi Đại hội bất thường để tiến tới sáp nhập TAC vào KDC.

TAC bị ảnh hưởng ra sao từ tình trạng thiếu container rỗng trên toàn cầu?

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu: Công ty lớn như TAC có nhà cung cấp chuyên biệt ở Indonesia và Malaysia nên sử dụng tàu chuyên dụng để vận chuyển.

Phía cung cấp chuẩn bị việc này để có thể đảm bảo vận chuyển từ 10.000-20.000 tấn/lần. Vì vậy, TAC không bị ảnh hưởng nhiều từ chuyện thiếu container rỗng.

Kido sẽ mở hàng ngàn cửa hàng trà, cà phê; con gái ông Trần Lệ Nguyên "lĩnh xướng"
Phía Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) tiết lộ sẽ mở khoảng 1.000 cửa hàng bán lẻ trà, cà phê, trà sữa mang thương hiệu Chuk Chuk tại Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư