Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lập chiến lược kinh doanh như ‘tán gái’
Phạm Thịnh - 21/01/2014 00:03
 
Hàng trăm bạn trẻ đã vô cùng thích thú khi lắng nghe những chia sẻ về việc quản trị kinh doanh thông qua những câu chuyện cuộc sống đầy dí dỏm.
TIN LIÊN QUAN

Kiềm chế tạo sức mạnh

Trong ngày hội khởi nghiệp dành cho sinh viên, TS Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP. HCM là gương mặt được nhiều bạn trẻ trông đợi.

TS Lê Thẩm Dương: Lập chiến lược kinh doanh như ‘tán gái’

TS Lê Thẩm Dương chia sẻ câu chuyện rất thú vị giữa việc lập chiến lược kinh doanh và việc 'tán gái'

Chia sẻ với các bạn sinh viên, TS Lê Thẩm Dương đã đưa ra hướng nhìn mới hơn về kinh doanh: Kinh doanh là quản trị quan hệ khách hàng, giữ khách hàng chứ không còn đơn thuần chỉ là doanh số.

Vì vậy, TS Dương cũng khuyên các bạn trẻ hãy nâng cao nội lực bản thân và không chỉ có biết đổ lỗi cho môi trường. Các bạn trẻ nên có sự chuẩn bị rất chắc chắn khi bắt đầu kinh doanh.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để tạo ra sự khác biệt, các bạn trẻ cần chuyển sang tư duy sáng tạo bằng sự logic kết hợp với sự khác biệt độc đáo.

Ông cũng cho rằng, các bạn trẻ cần liên tục học tập từ chính thực tế việc kinh doanh. Người quản trị tốt không phải là người ngồi ‘máy lạnh’ để nghĩ ra chiến lược mà phải bắt nguồn từ chính những yêu cầu bức thiết của người lao động.

TS Dương cũng lấy dẫn chứng câu chuyện “bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng hai điểm khi thi đại học”, “mỗi đám cưới không được quá 300 mâm” để minh họa về tư duy thụ động, không có sự sáng tạo và xa rời cuộc sống.

Các bạn trẻ cũng tỏ ra rất thích thú khi TS. Dương chia sẻ về nghệ thuật giao tiếp trong kinh doanh. Ông cho rằng cho rằng nghệ thuật giao tiếp trong kinh doanh giống như khi các bạn trai đi “tán gái”.

Ông cũng cho rằng, tình yêu là tổng hợp một chuỗi của những cảm xúc tích cực. Nhiều cảm xúc tích cực dồn lại sẽ thành thích. Sự thích thú, quý mến đến một điểm nào đó sẽ thành yêu.

Trong kinh doanh cũng vậy, muốn bán được hàng phải luôn tạo ra những cảm xúc tích cực cho khách hàng.

Ông cũng so sánh chuyện tình yêu với chiến lực kinh doanh khi có trùng các đặc điểm như điểm mạnh, điểm yếu, thuộc nhóm nguy cơ hay thuộc nhóm không nguy cơ…

“Cúi người càng thấp, càng cho thấy mình “đáng gờm” và dễ dàng lấy được hợp đồng giá trị từ khách hàng”. TS Dương cũng lấy ví dụ từ chính con người Nhật Bản và Hàn Quốc để thấy được sự thành công trong kinh doanh nhờ những quy tắc giao tiếp rất đơn giản.

Bên cạnh đó, trong buổi diễn thuyết của mình, TS Lê Thẩm Dương liên tục có những hành động, lời nói động chạm đế lòng tự ái của nhiều bạn trẻ nhưng với chất giọng hài hước. Thông qua đó, ông muốn nhắn nhủ các bạn trẻ trong kinh doanh cần phải học tập được tinh thần nhẫn nhịn, chịu đựng.

“Kiềm chế tạo sức mạnh”, TS Lê Thẩm Dương luôn nhắc lại bài học này đối với các bạn trẻ.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên “Các bạn phải lập ra chiến lược. Thói quen xấu của chúng ta là không có chiến lược, dù giải pháp tình thế thì rất tốt. Nhưng cần phải xác định tư duy tất cả hành động ngày hôm nay là để cho ngày mai. Đó mới là chiến lược. Tôi hi vọng được nhìn thấy điều đó ở thế hệ trẻ các bạn”.


Lập nghiệp khi nào?

Cũng có cùng quan điểm như TS Lê Thẩm Dương, anh Hoàng Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom lại đưa đến cho các bạn trẻ nhiều kiến thức quan trọng trong việc khởi nghiệp.

TS Lê Thẩm Dương: Lập chiến lược kinh doanh như ‘tán gái’

Anh Hoàng Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom chia sẻ nhữn câu chuyện rất ý nghĩa về khởi nghiệp với các bạn trẻ

Có rất nhiều con đường để khởi nghiệp và mỗi bạn nên chọn cho mình một lối đi phù hợp với khả năng, đam mê của mình.

Anh Kiên chia sẻ, ở Việt Nam hiện nay có hơn 90 triệu dân và chỉ có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động thực sự. Như vậy số người làm chủ chỉ chiếm số lượng rất nhỏ.

“Chúng ta cần xác định xem có thể quyết tâm dành hết thời gian, công sức, tuổi trẻ cho khởi nghiệp hay không?

Làm chủ không hề đơn giản, trong lúc nhân viên đang hân hoan chuẩn bị đón Tết thì là lúc các ông chủ đau đầu về tiền thưởng tết cho nhân viên, lo cho nhân viên tưng chiếc vé tết, món quà… thăm khách hàng, đối tác, cơ quan nhà nước…”, anh Kiên đặt ra băn khoăn cho các bạn trẻ.

Các bạn muốn khởi nghiệp làm hoành tráng hay âm thầm là do khả năng tài chính của từng người.

Trong mọi trường hợp bạn phải làm chủ được tình hình. Các bạn có bao nhiêu tiền, các bạn chịu lỗ được bao lâu, các bạn trả được bao nhiêu tháng tiền thuê nhà…

Vị chuyên gia này cho rằng sau khi đã có sản phẩm, bán hàng là việc đầu tiên mà người chủ doanh nghiệp cần phải làm. Sản phẩm của bạn dù có tối ưu đến đâu nhưng đang nằm trong kho thì chưa có gì để chứng minh. Sản phẩm lỗi mà có người dùng thì đã có nhiều cơ hội sống sót.

Các bạn cần biết là trong 1 ngày có bao nhiêu doanh nghiệp đang thực hiện công việc mà bạn đang làm, bao nhiêu doanh nghiệp đang cải tiến chính vấn đề mà bạn đang còn sơ suất. Chúng ta có thể vừa bán hàng vừa cải tiến sản phẩm để không bị chậm chân so với các đối thủ.

“Các bạn bán hàng thành công thì sẽ có cơ hội đưa doanh nghiệp của mình thành công, có cơ hội thực hiện những hoài bão, ước mơ của chúng ta trong dài hạn. Còn nếu chúng ta thất bại ngay từ việc bán hàng thì tất cả những câu chuyện khác chỉ là ước mơ”, anh Hoàng Trung Kiên nhấn mạnh.

Bán hàng là công việc luôn theo các nhà lãnh đạo dù hình thức có thể khác nhau. Như trong ngày hội khởi nghiệp hôm nay, các diễn giả tham gia mục đích chính là để chia sẻ kinh nghiệm nhưng ẩn đăng sau là “bán” một cái gì đó không trực tiếp là sản phẩm.

“Như tôi tham gia không phải để trưng bày sản phẩm mà tôi muốn “bán” văn hóa của FPT, những tấm gương thành công, thách thức của FPT. Biếtđâu trong những người ngồi đây sẽ có ý tưởng giải quyết được vấn đề chúng tôi đang gặp phải hoặc chỉ đơn giản những người ở đây có tình yêu với FPT, mong muốn thử xem văn hóa FPT thế nào”, anh Kiên kết thúc chia sẻ.

Những chia sẻ của các diễn giả là sự kiện nằm trong dự án “Phát triển Tài năng Kinh doanh Trẻ” của Viện Quản trị Kinh doanh FSB (ĐH FPT) tổ chức nhằm kết nối thanh niên trẻ và các doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư