Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lê Thị Quỳnh Trang - Bà chủ quyền lực của gameshow
Anh Hoa - 16/02/2015 08:13
 
Quyết chọn “chốn lao xao” để lập nghiệp, người phụ nữ bị cho là không nhiều sắc, thiếu chiều cao ấy đang làm nên thương hiệu nhà đầu tư thứ thiệt trên thị trường người mẫu, thời trang Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN 2015
Nguyễn Thị Việt Hòa: "Tốt gỗ vẫn hơn là tốt nước sơn"
Doanh nhân nữ: chọn sự nghiệp hay gia đình?
Forbes vinh danh 3 nữ doanh nhân Việt quyền lực

Cuộc hẹn đột xuất được thu xếp nhanh chóng ở Hà Nội, ngay sau ngày chị trở về từ Mỹ. Chị xuất hiện trong bộ đồ giản dị, mái tóc ngắn ôm khuôn mặt bầu bình, đôi mắt to tròn, căng đầy nhựa sống. Không gian mờ ảo, lãng mạn của buổi chiều mùa đông ôm trọn mặt nước Hồ Tây, tại góc nhỏ Quán The Coffee Bean & Tea Leaf trên đường Thanh Niên, chị kể tôi nghe nhiều chuyện mà không lẩn khuất đâu đó sự nhàm chán. Cuộc trò chuyện 4 tiếng đồng hồ, người viết không cần đặt nhiều câu hỏi, nhưng quá đủ để khẳng định: chị không cao, nhưng khiến người khác phải ngước nhìn.

Lê Thị Quỳnh Trang, gameshow, vietnam next top model
Doanh nhân Lê Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch Multimedia JSC

1.

Hoàng Thùy, Tuyết Lan, Kha Mỹ Vân, Mâu Thủy, Chà Mi… những tên tuổi người mẫu trưởng thành lên từng ngày sau mỗi mùa Vietnam’s Next Top Model. Dưới sự hỗ trợ của Công ty BeU Models do chị Lê Thị Quỳnh Trang làm Chủ tịch HĐQT, các người mẫu tiềm năng vẫn tiếp tục được trao các cơ hội phát triển nghề nghiệp. Hình ảnh, tên tuổi của họ vẫn luôn được phủ sóng trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

Không dừng lại ở đó, sau Vietnam’s Next Top Model, Công ty Multimedia JSC tiếp tục tạo môi trường để người mẫu có cơ hội làm việc và tỏa sáng khi sản xuất Chương trình Project Runway - Nhà thiết kế thời trang Việt Nam. Gần đây nhất, Công ty tổ chức “Tuần lễ thời trang quốc tế tại Việt Nam - Vietnam International Fashion Week”.

Gần đây, Vietnam’s Next Top Model mùa thứ 5 kết thúc với hai quán quân Quang Hùng và Nguyễn Oanh đã gây “bão” dư luận. Nhưng sau hơn 22 mùa thi tại Mỹ, nhà sản xuất Ken Mok ủng hộ cách làm mới format chương trình ở Việt Nam.

Theo họ, đã đến lúc, format chương trình cần có diện mạo mới hấp dẫn hơn để giữ lượng khán giả toàn cầu. Không chỉ có Việt Nam mạnh dạn đưa yếu tố mới vào, mà ngay tại Mỹ, ở Mùa thi 19 của America’s Next Top Model, nhà sản xuất đã đổi mới toàn bộ thành viên Ban giám khảo để mang đến một không khí mới mẻ, đa dạng hơn cho Chương trình. Từ Mùa thi 20, một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất là việc mở cửa cho các người mẫu nam tham gia. Việt Nam đã góp mặt vào sự đột phá này, cùng với Mỹ, Ba Lan, Áo.

Trong khi đó, CBS Studios International (tập đoàn bán bản quyền format Next Top Model) đã chấp thuận và ủng hộ đề xuất của Việt Nam, vì việc này không những tăng tính bất ngờ, hấp dẫn cho Chương trình, mà còn vì sau những quá trình cố gắng, rèn luyện và tố chất tiềm năng, hai quán quân Quang Hùng và Nguyễn Oanh đều xứng đáng với vị trí này.

2.

Đam mê ca hát từ nhỏ, từng đỗ khoa Thanh nhạc (Nhạc viện Hà Nội), nhưng lại theo học Đại học Tài chính - Kế toán. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị học tiếp chương trình thạc sĩ của Đại học Swinburne (Australia) tại Hà Nội với mong muốn trở thành giám đốc tài chính cho các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng cuối cùng, chị lại gắn cuộc đời mình với các chân dài, dù chiều cao của chị khá khiêm tốn.

Năm 29 tuổi, khi làm việc tại E-media, công ty đầu tiên đầu tư sản xuất Chương trình Ai là triệu phú đình đám, chị bị thất nghiệp do Công ty giải thể vì bất đồng giữa các thành viên trong HĐQT. Sau đó, chị nộp đơn xin vị trí giám đốc tài chính của các tập đoàn đa quốc gia, nhưng đều bị lắc đầu vì lớn tuổi và đã có 2 con.

Với bản tính thích độc lập, chị muốn có một cái gì đó của riêng mình, nên đã thành lập Công ty cổ phần Truyền thông Đa phương tiện (Multimedia JSC), chuyên kinh doanh, mua bán bản quyền, sản xuất các chương trình nước ngoài về Việt Nam.

Năm 2007, Multimedia JSC đặt dấu ấn đầu tiên bằng Chương trình thi ca hát Đồ Rê Mí dành cho thiếu nhi. Trải qua 8 mùa, Đồ Rê Mí đã là một sân chơi bổ ích cho các hạt giống âm nhạc thiếu nhi.

Nhưng vốn là tín đồ của Chương trình America’s Next Top Model và có cơ hội đi các hội chợ truyền hình trên thế giới, thấy format này được phát sóng tại hơn 100 quốc gia, trong khi Việt Nam là thị trường người mẫu tiềm năng, nên chị đánh liều liên hệ với CBS Studios International với mục đích mua bản quyền format này.

CBS từ chối vì Multimedia JSC là công ty quá nhỏ. Có lúc chị muốn bỏ cuộc. Nhưng mỗi năm đến hội chợ đó, thấy họ quảng bá rầm rộ chương trình, ý định muốn mua bằng được bản quyền fomat này về Việt Nam lại trỗi dậy.

Ba năm sau, khi có nhiều công ty ở Việt Nam tham gia tranh cử, CBS đã đến Việt Nam để gặp gỡ tất cả các công ty. Cuối cùng, chị có được bản quyền format Vietnam’s Next Top Model.

Tháng 1/2010, chị sung sướng bao nhiêu khi cầm bản hợp đồng ký xong ở Mỹ, thì lúc bắt tay vào sản xuất lại vỡ mộng bấy nhiêu. Chị kể, khi cầm cuốn cẩm nang sản suất chương trình hơn 1.000 trang về đọc xong mà không hiểu gì. Quá nhiều thuật ngữ về thời trang quốc tế, riêng danh sách ê-kíp sản xuất có tới hàng trăm vị trí khác nhau. Với một người chỉ nghe qua truyền thông về thời trang, giới showbiz như chị, thì việc này thật kinh khủng. Cố gắng làm, ngỡ mọi chuyện êm đẹp, nhưng 5 tháng sau, CBS cử người qua kiểm tra và họ thông báo phải dừng chương trình, vì cho rằng, Multimedia JSC quá nghèo nàn, không đủ năng lực triển khai.

Quá bất ngờ và lo lắng, chị phải bay đi Los Angeles (Mỹ) để xem ê-kíp của America’s Next Top Model quay 2 tuần cuối của chương trình. Sau khi trải nghiệm qua các khâu hậu kỳ và trở về Việt Nam với cơn ác mộng về nhân sự, ê-kip mà mình có trong tay.

Vietnam’s Next Top Model đã trải qua mùa đầu tiên như vậy, nên việc có được 5 mùa thành công thật sự là kỳ tích đối với chị và các ê-kíp. Nhưng lý tưởng nhất với chị là Vietnam International Fashion Week lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2014. Theo chị, đây là cơ hội lớn cho cả người mẫu và nhà thiết kế tỏa sáng trên sân chơi thời trang chuyên nghiệp ở Việt Nam.

3.

Các chương trình chị làm đều tạo sự thay đổi lớn trong cuộc đời mỗi người mẫu. Nhưng chị không muốn những quán quân của Vietnam’s Next Top Model giống 21 quán quân của America’s Next Top Model. Lý do là, các quán quân của Mỹ đều ký hợp đồng với các công ty quản lý hàng đầu thế giới, nhưng ít người thành công, vì người sản xuất Chương trình America’s Next Top Model không quan tâm nhiều đến sự thành công của các quán quân này. Do vậy, chị quyết định thành lập Công ty BeU Models với mục tiêu đào tạo các người mẫu để đưa đi chinh chiến ở thị trường quốc tế.

Tư duy của người làm kinh doanh đánh động chị với những khoản đầu tư dài hạn. Thay vì đầu tư quảng bá rầm rộ Next Top Model là chương trình số 1 về thực tế ở Việt Nam, chị thuyết phục nhà đầu tư bằng cách đẩy sự thành công của các người mẫu. Hay như mùa đầu tiên của Vietnam International Fashion Week diễn ra, tổng tài trợ không đủ trả tiền thuê địa điểm, nhưng chị vẫn đầu tư hàng triệu USD để làm.

“Đối với khán giả, đây là chương trình giải trí, nhưng đối với tôi, đây là việc xây dựng thương hiệu”, chị nói.

Óc kinh doanh của người phụ nữ này còn thể hiện ở việc chị biết chọn gốc gác của các format từ Mỹ. Mỹ có ngành công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới, khi tất cả những thương hiệu lớn đều sinh ra tại đây. Các format của nước ngoài được hình thành, được nhân giống phù hợp ở tất cả các quốc gia. Đôi khi, sự du nhập không phải lúc nào cũng tuyệt vời, nhưng mình là nước đi sau, nên phải học cái người ta làm.

“Thời trang của Việt Nam đi sau nước ngoài khác quá xa, giờ mới có cơ hội khởi sắc thì đừng nghĩ mình tự tạo ra cái gì mà phải đi học, áp dụng cái họ đã từng làm. Thời đại Internet san phẳng thế giới, nếu nước ngoài họ đi 100 bước, mình cũng phải cố gắng đi 70 bước”, chị chia sẻ.

Sau 10 năm thành lập, Multimedia JSC đã tổ chức thành công 8 mùa Đồ Rê Mí, 5 mùa Vietnam Next Top Model, 1 mùa Vietnam

International Fashion Week. Nếu Đồ Rê Mí mang lại cho chị cảm giác nhẹ nhàng, thân thiện, tiếng cười, tiếng hát trẻ thơ hồn nhiên, thì với các chương trình còn lại, chị lại phải gồng mình đối mặt với khối công việc khổng lồ, lời thị phi ở chốn showbiz, sự nhìn nhận thiếu công bằng từ xã hội.

“Tôi không biết bão scandal sẽ ập đến lúc nào, nhưng tôi sẽ không phản ứng một cách bản năng, cảm xúc nữa. Tôi đã đủ trải nghiệm để giữ cho mình tâm thế, suy nghĩ tích cực giữa bộn bề khốn khó. Tôi biết lắng nghe có chọn lọc, để được sống bằng cuộc sống của mình”, chị chia sẻ.

Sinh năm Bính Thìn (1976), chị mang số mệnh một người đa tài, đoan trang, học giỏi, tiền tài phú quý. Một cách nói khéo léo về việc này, chị bảo: “Tôi không giàu so với những người cùng nghề. Song 10 năm bước vào nghiệp kinh doanh, tôi thấy giàu nhất là có cơ hội du lịch khắp thế giới để có tầm nhìn - thứ không ai cho, mà do quá trình tích lũy bản thân”.

Khi bắt đầu mở công ty, có hai điều bố chị nhắn nhủ. Thứ nhất, tiền là thứ quan trọng, nhưng không phải tất cả. Thứ hai, cho người khác tiền là hạ sách, cho người khác cơ hội là trung sách, cho người khác tầm nhìn là thượng sách. Vì tầm nhìn là suy nghĩ, tư duy mà khi thay đổi được điều này thì vận mệnh, cuộc đời của con người cũng sẽ khác. Chị đã đang và tiếp tục chứng minh cho mọi người thấy, mình là một doanh nhân thượng sách.

Chat với Lê Thị Quỳnh Trang

Đâu là tiêu chuẩn để chị quyết định đưa người mẫu ra thị trường quốc tế?

Có hai tiêu chuẩn chung: hình thể chuẩn quốc tế (nữ cao trên 1,75 m, nam cao trên 1,85 m) và sự khác biệt. Giữa hàng trăm ngàn người mẫu, họ phải có điểm nào đó khiến công chúng dễ nhớ. Tiếp đến, phải giỏi ngoại ngữ và thái độ sống cầu thị, chuyên nghiệp trong cách làm, cách ứng xử.

Làm thế nào để một người mẫu có sự khác biệt?

Đôi khi do bẩm sinh, nhưng cũng có người mẫu tự rèn luyện, nỗ lực vươn tới cá tính riêng không bị lẫn vào ai đó.

Thái độ sống thì sao?

Tuổi trẻ, dễ nổi tiếng, dễ mắc bệnh “ngôi sao” thì sẽ không nhận được sự tôn trọng của mọi người. Người mẫu là người của công chúng, sống nhờ công chúng, nếu không có lượng fan ủng hộ sẽ thất bại.

Chị gặp khó khăn gì khi đào tạo người mẫu?

Là tư duy. Ngoại hình thì trời cho các bạn ấy, ngoại ngữ có thể học, nhưng tư duy, bản tính rất khó thay đổi.

Không có đường tắt dẫn đến thành công

() Không có con đường tắt nào dẫn đến đỉnh cao của thành công. Để vươn tới đỉnh cao nhất, ngoài đam mê, bản lĩnh, sự bền bỉ, trí tuệ còn cần phải có mục tiêu rõ ràng.

Chủ tịch Intimex Đỗ Hà Nam: Thành công nhờ "chữ tín"

Với doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng và 10 nhà máy chế biến cà phê, điều, tiêu, gạo..., Intimex xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR 500) năm 2014, sau Doji, Vinamilk, FPT và Vingroup. Intimex xem đây là thành công đáng tự hào sau 15 năm kinh doanh tại thị trường TP.HCM.

"Mật ngọt chỉ đến với chú ong chăm chỉ"

() Cơ hội dễ trôi qua như giọt sương trên lá của sớm mai. Nếu không tự biến mình thành những chú ong chăm chỉ, thì chẳng bao giờ thực hiện được hoài bão, có mật ngọt để đời.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư